*Dưới đây là những chia sẻ của Jackie Lam - Một cô gái người Mỹ gốc Việt, về quyết định đã giúp cô dần gỡ được những nút thắt khiến chuyện tiền bạc của mình chẳng thể khởi sắc. Sau một thời gian dài loay hoay mà cục diện chẳng có gì thay đổi, Jackie quyết định chi tiền để nhận được sự tư vấn của chuyên gia tài chính. Đây là lựa chọn sáng suốt nhất, giúp Jackie trả hết được nợ và dần thoát nghèo.
Giống như nhiều người trẻ khác ở xứ cờ hoa, sau khi tốt nghiệp Đại học, tôi không có gì ngoài một tấm bằng và một khoản nợ sinh viên đè lên vai. Dù không sống ở những thành phố lớn, nhưng chi phí sống với tôi vẫn là một gánh nặng. Tiền kiếm chẳng đủ trả nợ, còn phải tự trang trải cuộc sống khiến tôi rơi vào bế tắc.
Cuối cùng, tôi quyết định hẹn gặp Daniel Masuda Lehrman - Một chuyên gia tư vấn tài chính cá nhân. Đây là nước đi và hy vọng cuối cùng của tôi nhằm thoát khỏi sự bế tắc về tiền bạc. Thật may, mọi thứ đều diễn ra như những gì tôi kỳ vọng.
Daniel Masuda Lehrman và Jackie Lam
Daniel đã cho tôi 4 lời khuyên và tôi tin đó là chìa khóa giúp tôi cải thiện tình hình tài chính của mình một cách hợp lý, hiệu quả.
Trước khi gặp Daniel, tiền thuê nhà là khoản chi lớn nhất của tôi. Tôi đã cân nhắc tới việc cắt giảm khoản này bằng cách tìm người ở cùng nhưng chuyện này quả thực không dễ. Một phần vì tôi là người gốc Á, một phần vì nơi tôi ở khi đó hầu như toàn hộ gia đình.
Dẫu vậy, Daniel vẫn nhất quyết khuyên tôi phải chuyển nhà và ở ghép để cắt giảm chi phí thuê nhà. Sau khoảng 1 tháng ráo riết tìm kiếm, tôi cũng thuê được một phòng trống trong 1 căn hộ đã được thuê bởi 1 gia đình gốc Phi. Họ cũng đang muốn tìm 1 người thuê 1 phòng để cắt giảm chi phí thuê cả căn hộ.
Chúng tôi gặp nhau vì có cùng nhu cầu. Điều tôi muốn nhấn mạnh ở đây là chỉ cần bạn thực sự muốn và chịu dành thời gian tìm kiếm, việc tìm người để san sẻ chi phí thuê nhà là hoàn toàn khả thi, dù bạn có ở đâu đi chăng nữa.
Sau khi cắt giảm chi phí thuê nhà, Daniel cho tôi 2 lựa chọn: Chi phí ăn uống và chi phí di chuyển, đâu là thứ tôi sẽ tiếp tục cắt giảm?
Ảnh minh họa
Phương án tôi lựa chọn là cắt giảm chi phí di chuyển. Bằng cách bán đi chiếc ô tô đang trả góp, tôi đã trả đứt được 1 khoản nợ và còn dư một ít làm tiền phòng thân. Sau khi bán xe, tôi chủ yếu di chuyển bằng các phương tiện công cộng hoặc đi bộ.
Daniel nói: “Nhiều người coi ô tô là thứ buộc phải có nên họ chấp nhận việc vay mượn để mua một chiếc xe với mức giá nằm ngoài khả năng chi trả. Đó là điều rất không nên. Chi phí nhà ở và chi phí đi lại là 2 thứ dễ cắt giảm nhất mà một người có thể chọn. May mắn là bạn đã nhận ra điều này và quyết định bán chiếc xe đi”.
Tôi luôn chỉ thanh toán được dư nợ tối thiểu của thẻ tín dụng trong suốt 14 tháng, trước cuộc gặp gỡ với Daniel. Anh ấy có gợi ý tôi vay tiền người thân hoặc bạn bè để đáo hạn thẻ tín dụng, nhằm giảm lãi suất nhưng thành thật mà nói, tôi không thể vay tiền từ ai với lãi suất 0% được nữa.
Sau khi cân nhắc và tính toán, Daniel khuyên tôi nên chuyển đổi trả góp dư nợ thẻ tín dụng. Việc này đương nhiên sẽ bị tính lãi nhưng so với lãi suất của việc chỉ trả được dư nợ tối thiểu, lãi và phí chuyển đổi trả góp vẫn thấp hơn. Trong hoàn cảnh của tôi, đó là lựa chọn tốt nhất.
"Trong tình thế khó khăn, nhiều người thường vay chỗ này để trả chỗ kia. Việc này hoàn toàn không phải một phương án tồi nếu khoản vay mới không bị tính lãi hoặc lãi suất thấp hơn khoản vay đang cần thanh toán.
Tuy nhiên với một người đang trong cảnh túng thiếu, chuyện vay được tiền với lãi suất thấp gần như hiếm khi nào xảy ra” - Daniel nói với tôi và nhấn mạnh rằng với những phương án mà anh ấy đã đề xuất phía trên, tôi chỉ cần không có thêm khoản nợ nào thì sớm thôi, mọi chuyện sẽ ổn.
Và đúng là như thế.