Tung hứng và rung lắc trẻ em - hậu quả để lại là chấn thương não nghiêm trọng

Oct, Theo Trí Thức Trẻ 19:33 23/11/2017

Việc rung lắc sẽ tạo ra những chấn động cực kỳ nghiêm trọng đến não bộ của trẻ em, mà nếu không cẩn thận có thể để lại di chứng vĩnh viễn.

Mới đây, cư dân mạng đang hết sức phẫn nộ trước loạt clip trích xuất từ camera an ninh được lan truyền trên mạng xã hội. Loạt clip ghi lại cảnh người phụ nữ liên tục đánh đập, tát vào đầu, xốc mạnh và thậm chí là tung hứng một bé gái chưa đầy 2 tháng tuổi.

Theo lời chủ nhân Facebook chia sẻ loạt clip, người phụ nữ ấy là giúp việc được thuê để chăm sóc bé gái mới sinh của gia đình. Có điều, gần như bất cứ khi nào gia đình chủ ra khỏi nhà, người giúp việc lại lôi đứa trẻ ra tra tấn hết sức dã man như vậy.

Tung hứng và rung lắc trẻ em - hậu quả để lại là chấn thương não nghiêm trọng - Ảnh 1.

Trên thực tế, hành vi của người giúp việc trên hoàn toàn có thể để lại hậu quả nghiêm trọng. Trên thế giới đã có một thuật ngữ dành riêng cho nó, mang tên "hội chứng rung lắc trẻ em" - Shaken Baby Syndrome.

Rung lắc trẻ em - hội chứng nguy hiểm đến não bộ

Đây là tên gọi của một dạng chấn thương não bộ nghiêm trọng, gây ra do rung lắc quá mạnh và bạo lực đối với trẻ em. Hội chứng này rất nguy hiểm, vì nó có thể xảy ra chỉ với 5s "rung lắc".

Về cơ bản, trẻ sơ sinh là một sinh thể gồm rất nhiều phần chưa hoàn thiện. Não bộ của trẻ rất mềm, cơ bắp cũng rất yếu. Thế nên những thương tổn gây ra từ việc rung lắc lặp đi lặp lại có thể ảnh hưởng trực tiếp đến sọ và não. Trẻ càng nhỏ, thương tổn sẽ càng lớn.

Tung hứng và rung lắc trẻ em - hậu quả để lại là chấn thương não nghiêm trọng - Ảnh 2.

Theo Hiệp hội Nhi khoa Hoa Kỳ, những rung động như vậy có thể gây ra tụ máu, xuất huyết não, sưng não... Ngoài ra do xương và cơ bắp chưa phát triển, xương cổ, xương sống hoàn toàn có thể bị gãy rạn.

Thông thường, hội chứng này có tỷ lệ xuất hiện rất cao ở trẻ dưới 2 tuổi - đặc biệt là giai đoạn từ 6 đến 8 tuần tuổi. Đó là những thời kỳ trẻ em chưa biết biểu đạt nhu cầu nên phải dùng tiếng khóc để báo hiệu, nhưng lại vô tình làm người lớn cảm thấy căng thẳng, bức bối.

Nhận biết trẻ đang mắc phải hội chứng rung lắc

Theo Healthline, trẻ mắc "hội chứng rung lắc" có thể nhận biết qua một số dấu hiệu sau: run rẩy, khó thở, ăn kém, hay nôn mửa, da bị đổi màu, động kinh, hôn mê, tê liệt.

Nếu như thấy trẻ có dấu hiệu như vậy, hãy liên hệ ngay lập tức với cơ sở y tế gần nhất để có được chẩn đoán chính xác. Đây là dạng chấn thương nghiêm trọng, một số trường hợp cần phải phẫu thuật mà vẫn có khả năng để lại di chứng vĩnh viễn, thế nên cần phải hành động càng sớm càng tốt.

Tung hứng và rung lắc trẻ em - hậu quả để lại là chấn thương não nghiêm trọng - Ảnh 3.

Cách dỗ trẻ sơ sinh nín khóc

Để tránh bi kịch xảy ra với con trẻ, các bậc làm cha làm mẹ cần chuẩn bị nhiều kiến thức quan trọng, và đặc biệt là một số phương pháp giúp trẻ em nín khóc.

Trẻ em có thể khóc vì nhiều nguyên nhân: khó chịu do bệnh lý, nóng, lạnh, đói, khát, buồn ngủ, sợ hãi, thay bỉm... Cần xác định được nguyên nhân chính xác, qua đó mới cắt được cơn khóc của trẻ.

Trẻ dưới 6 tháng tuổi rất thích được ôm ấp, vỗ về, nên cách dỗ đơn giản nhất là bế trẻ lên để trẻ yên tâm, nín khóc. Một mẹo khác là cho trẻ bú mẹ (dù có đang đói hay không), vì hành động ấy mang lại phản xạ dễ chịu cho trẻ hơn.

Nguồn: Health Line, N.P