Làm gì thì làm, đừng bao giờ cho trẻ em ngủ muộn! Bởi vì...

Oct, Theo Trí Thức Trẻ 17:17 07/07/2017

Tác động của việc ngủ muộn đối với trẻ em là tương đối nghiêm trọng - nghiên cứu từ ĐH Princeton đã chỉ ra như vậy.

Có lẽ ai cũng hiểu tầm quan trọng của giấc ngủ. Giấc ngủ giúp não bổ thải độc, tăng cường trí nhớ ngắn hạn và nâng cao chức năng lưu trữ các kỳ ức dài hạn. Ngoài ra, khả năng nhận thức của chúng ta sẽ được cải thiện, thay vì thui chột dần đi mà không cách nào đảo ngược.

Nhưng theo một nghiên cứu mới đây, giấc ngủ đóng vai trò quan trọng hơn thế, khi nó giúp chúng ta kéo dài tuổi thọ. Theo đó, trẻ em ngủ không đủ giấc sẽ bị ảnh hưởng đến ADN, khiến tốc độ lão hóa đẩy nhanh hơn khi trưởng thành.

Làm gì thì làm, đừng bao giờ cho trẻ em ngủ muộn! Bởi vì... - Ảnh 1.

Trẻ em thức quá muộn sẽ gây ảnh hưởng rất nhiều đến quá trình lão hóa

Trước kia, có rất nhiều nghiên đã chỉ ra mối quan hệ giữa việc thiếu ngủ và quá trình lão hóa ở cấp độ tế bào. Nhìn chung, ngủ không đủ giấc sẽ khiến các vòng telomere trong nhiễm sắc thể (NST) - thứ quyết định tuổi thọ của tế bào - bị thu ngắn lại. Có nghĩa là các telomere càng ngắn, bạn càng trở nên già hơn, và giấc ngủ có tác động rất mạnh đến quá trình này.

Và nghiên cứu của các chuyên gia từ ĐH Princeton mới đây còn chỉ ra rằng ảnh hưởng của việc thiếu ngủ không chỉ xuất hiện ở người lớn mà còn trên trẻ em nữa.

Để thực hiện nghiên cứu, nhóm đã theo dõi dữ liệu về thói quen ngủ của hơn 1.600 trẻ em 9 tuổi tại Mỹ. Họ cũng thu thập các mẫu ADN của các em để phân tích về độ dài của vòng telomere trong đó.

Kết quả, cứ mỗi một giờ thiếu ngủ, vòng telomere trong NST của các em ngắn đi 1,5%. Điều đó có nghĩa trẻ em sẽ "già" đi nhanh hơn so với bình thường.

Do ở độ tuổi còn quá nhỏ, ảnh hưởng từ quá trình này không để lại dấu hiệu nghiêm trọng, nhưng nhiều khả năng các em có nguy cơ mắc các loại bệnh liên quan đến tuổi già sớm hơn bình thường.

Làm gì thì làm, đừng bao giờ cho trẻ em ngủ muộn! Bởi vì... - Ảnh 2.

Smartphone, tablet và các thiết bị điện tử là nguyên nhân khiến nhiều đứa trẻ ngủ ít hơn

"Không có sự khác biệt về chủng tộc, giới tính hay hoàn cảnh kinh tế xã hội. Ảnh hưởng đối với tất cả là như nhau," - nhóm nghiên cứu cho biết.

Nghiên cứu này không xét đến mức độ nghiêm trọng của quá trình này. Nhưng theo nhóm chuyên gia, trẻ em nên ngủ ít nhất 9h/đêm, có thể lên đến 10h hoặc 11h. Với người lớn, ngủ quá nhiều sẽ sinh bệnh, nhưng trẻ em thì nên ngủ nhiều hơn bình thường một chút.

Nguồn: IFL Science, New Scientist