Ngày 6/8 vừa qua, vụ việc bé trai tử vong nghi do bị giáo viên bỏ quên trên xe đưa đón xảy ra tại trường tiểu học Gateway gây chấn động xã hội. Dù dịch vụ đưa đón trẻ đến trường và trở về nhà vẫn chưa quá phổ biến ở nước ta nhưng rất nhiều phụ huynh đã và đang tin dùng nó để giúp đưa đón các con của mình đi đến nơi, về đến chốn. Rất nhiều quốc gia đã siết chặt quy định về xe buýt đưa đón trẻ vì chúng cần lắm sự bảo vệ của người lớn, để tránh xảy ra những tai nạn thương tâm như bé trai 6 tuổi ở Hà Nội vừa qua.
Thông thường, xe buýt lần lượt đến nhà những đứa trẻ rất sớm để có thể đưa các em đến lớp đúng giờ. Vì phải dậy sớm nên các bé thường tranh thủ thời gian xe chạy để chợp mắt, không ít em còn chẳng biết đã đến nơi hay chưa, cứ thế mà ngủ cho đã đời. Đây là 1 trong nguyên nhân khiến chúng rơi vào nguy hiểm là bị bỏ quên trên xe.
Nhận thức được tầm quan trọng về sự an toàn của những đứa trẻ, rất nhiều hãng xe buýt trên thế giới đã đưa ra nhiều giải pháp để bảo vệ các bé. Theo đó, tài xế được cho là người đóng vai trò quan trọng, không chỉ đảm bảo con đường từ nhà đến trường và từ trường trở về nhà không gặp bất cứ trở lại nào mà còn là người cuối cùng kiểm tra ở mỗi trạm dừng để chắc chắn rằng không có bất cứ bé nào bị bỏ lại trên xe. Ở các quốc gia như Anh, Mỹ, Canada, người ta gọi đây là Child check system (tạm dịch: hệ thống kiểm tra trẻ em).
Chính phủ không bắt buộc nhưng các công ty xe buýt đưa đón học sinh và nhà trường đã thỏa thuận chấp hành tuân thủ một cách nghiêm túc hệ thống này. Gia đình của các bé có quyền kiểm tra và can thiệp bất kỳ lúc nào để đảm bảo sự an toàn tuyệt đối cho con cái họ.
Tài xế xe buýt sẽ trải qua khóa huấn luyện để được hướng dẫn kiểm tra xe tại mỗi bến cuối cùng. Theo đó, khi kết thúc chuyến đi, họ sẽ được cho 1 khoảng thời gian nhất định để đi kiểm tra từ đầu đến cuối xe buýt nhằm đảm bảo không có bé nào bị sót lại trên xe. Trong lúc đó, họ cầm trên tay 1 thiết bị điện tử xác định mọi khu vực đã được kiểm tra kỹ lưỡng. Điểm cuối xe buýt được trang bị chiếc chuông, tài xế bắt buộc phải nhấn vào đó để xác nhận xe buýt hoàn toàn trống, mọi hành khách nhỏ tuổi đã đến nơi an toàn. Nếu bỏ qua bước này, chuông xe buýt sẽ reo lên inh ỏi trong suốt 30 phút. Cuối cùng, tài xế sẽ treo tấm biển đánh dấu hoàn thành quá trình kiểm tra lên cửa kính phía cuối xe.
Vào năm 2018, tại tiểu bang Victoria (Úc), đã có hơn 400 xe buýt đưa đón học sinh áp dụng hệ thống kiểm tra trẻ em, toàn bộ chi phí được tài trợ bởi Phòng giáo dục nơi đây. Ngoài nhiệm vụ của tài xế, mỗi hành khách khi bước lên, xuống xe đều được lưu giữ thông tin bằng 1 chiếc máy scan. Nhà trường và tất cả phụ huynh đều có quyền được truy cập vào dữ liệu thông tin này.
Một số nhà phát triển xe buýt còn triển khai công nghệ cho phép nhà trường và phụ huynh nhìn thấy vị trí chính xác của chiếc xe trên đường di chuyển từ nhà đến trường và ngược lại. Đây là việc làm thiết thực sau rất nhiều vụ tai nạn trẻ em bị bỏ quên trên xe buýt.
Tại Hàn Quốc, chính quyền thành phố Seoul tiến hành cài đặt hệ thống Sleeping child check (tạm dịch: kiểm tra trẻ đang ngủ) trên 53 chiếc xe buýt đưa đón học sinh của các trường tiểu học công lập tại khu vực địa phương với tổng chi phí lên đến hơn 4 tỷ won. Vào tháng 4 vừa qua, chính phủ xứ kim chi đã đưa ra ban bố chính thức, yêu cầu tất cả các trường học, cơ sở chăm sóc trẻ ban ngày phải lắp đặt hệ thống này.
Theo đó, tài xế buộc phải đi từ đầu đến cuối xe để đảm bảo xe trống và nhấn chuông thông báo những đứa trẻ đã rời đi. Trong vòng 3 phút có mặt tại bến, nếu tài xế không thực hiện nghĩa vụ bắt buộc này, còi xe sẽ reo lên đồng thời, hệ thống cũng gửi thông báo đến nhà trường và bố mẹ những đứa trẻ. Tài xế xao nhãng nhiệm vụ có thể nhận về mức phạt 130 nghìn won (hơn 2,4 triệu đồng).
Vào tháng 7/2018, 1 bé gái sau khi bị bỏ quên 8 tiếng trên xe buýt ở Dongducheon, phía bắc Seoul, đã tử vong. Trong quá khứ, năm 2016, 1 bé trai 3 tuổi đã rơi vào tình trạng hôn mê sâu sau khi bị nhốt 1 mình trên xe buýt của nhà trường 7 giờ đồng hồ. Điều luật mới được ban ra chính phủ Hàn chính là ngăn cản những vụ tai nạn đáng tiếc khi trẻ em ngủ quên bị bỏ lại trên xe và chính thức có hiệu lực từ ngày 17/4.
Trên đây là nỗ lực của chính phủ các nước nhằm bảo đảm sự an toàn của trẻ em khi phải một mình đến trường và đồng thời giảm thiểu những vụ tai nạn đáng tiếc. Hy vọng nhà trường và các công ty xe buýt ở Việt Nam trong tương lai cũng xem xét áp dụng các công nghệ này để không một đứa trẻ nào bị rơi vào vòng nguy hiểm chỉ bởi sơ sẩy của người lớn.
(Nguồn: Tổng hợp)