Từ vụ Đàm Vĩnh Hưng chia sẻ cuộc sống nợ nần: Làm cha mẹ là một lựa chọn, đừng nói "nợ sinh thành"

Hoàng Xuân, Theo Trí Thức Trẻ 16:35 15/12/2016
Chia sẻ

Làm cha mẹ là một món quà của Tạo hóa để tặng cho con người những cảm xúc và trải nghiệm tuyệt vời. Nhưng với một số người, nó đơn thuần chỉ là một kết quả, hoặc tệ hơn nữa, là hậu quả của trò chơi thể xác. Đã là trò chơi cá nhân mà còn trút lên những đứa con gánh nặng dưới những vỏ bọc vàng son.

Chỉ trong 24 tiếng, có 2,7 triệu lượt xem, mấy chục ngàn lời bình luận chủ yếu là thông cảm và động viên, cùng hàng chục ngàn lượt shares với câu chuyện Đàm Vĩnh Hưng live stream chia sẻ về khoản nợ 20 tỉ do mẹ ruột gây ra. Con số gấp hàng ngàn lần số phát hành của hàng chục tờ báo hàng đầu cộng lại, dù chỉ là một câu chuyện bi kịch gia đình khá thường gặp ở Việt Nam. Mẹ bài bạc, mượn tiền vô tội vạ, lãi suất khủng và con cái lăn ra trả nợ.

Một luồng dư luận tỏ ra thông cảm và thấu hiểu sự giấu giếm suốt nhiều năm và tâm thế của Đàm Vĩnh Hưng. Có lẽ vì trong tâm thức người Việt, tư tưởng "gia đình là thiêng liêng", "một giọt máu đào hơn ao nước lã" đã mặc nhiên trở thành thứ vật chất cấu thành nên nền tảng của toàn bộ cảm xúc và nhận thức.

Luồng bên kia, cũng xuất phát từ nền tảng này nhưng biến thể thành một thứ cực đoan kiểu "Dù gì cũng là mẹ mình anh ơi", đến nỗi họ thiếu điều lôi chàng ca sĩ lên đoạn đầu đài vì đã dám "nói xấu mẹ mình".

"Dù gì" là thế nào? Là mặc cho bất cứ dị dạng nào trong mối quan hệ mẹ con thì đứa con cũng phải chấp nhận, không thể phản kháng?

Từ vụ Đàm Vĩnh Hưng chia sẻ cuộc sống nợ nần: Làm cha mẹ là một lựa chọn, đừng nói nợ sinh thành - Ảnh 1.

Đàm Vĩnh Hưng và mẹ ruột (bên trái)

Vay tiền bạn bè hay fan hâm mộ của con rồi mặc con đối mặt với chủ nợ và rơi vào khủng hoảng tinh thần như bà mẹ của ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng... ấy còn là dạng nhẹ. Ngoài kia còn rất nhiều cha mẹ trói con vào gốc rơm rồi đốt, đá lăn con mới vài tháng tuổi rồi quay clip để vợ đau lòng mà quay về, đã bán cả ba đứa con gái làm gái mại dâm, đã-thậm chí khống chế con gái để người khác hãm hiếp... Ở bất cứ khu vực công cộng nào của Sài Gòn đều có những em bé mới vài tuổi lũn chũn như cái kẹo, tận 11 giờ đêm vẫn còn lang thang dí sát bất cứ người khách nào để năn nỉ bán cho được cái kẹo cao su. Có lần, tôi hỏi một bé: Cha mẹ con đâu? Bé chỉ người đàn ông và đàn bà đang tỏ vẻ rất thờ ơ ngồi trên yên xe máy ở xa xa đó rồi xán vào nằn nì tiếp, cô mua cho con chớ bán ít quá ba mẹ con quánh.

Báo chí từng nhiều lần phanh phui những đường dây chăn dắt trẻ bán hàng rong, ăn mày... sống bằng lòng thương hại của người qua đường. Nhưng những "tổ chức" nhỏ hơn là cha mẹ chăn dắt chính con mình như kể trên, thì nó nhiều đến mức công an dẹp không nổi.

Đó cũng là một dạng bạo hành.

Bạo hành trong gia đình phổ biến ở Việt Nam đến nỗi "cứ bốn phụ nữ có con dưới 15 tuổi thì có một người cho biết con của họ đã từng bị chồng họ bạo hành thể xác" (theo Nghiên cứu quốc gia về Bạo lực Gia đình đối với phụ nữ ở Việt Nam do Tổng cục Thống kê tiến hành năm 2010).

Cũng theo nghiên cứu này, bạo hành thể xác thường chỉ xảy ra trong những gia đình ít học, không nghề nghiệp ổn định và không có chí hướng. Người bạo hành biết rõ mình đã làm những việc sai trái với con cái, nhưng vì nhận thức kém và cho rằng cuộc đời không có lối thoát nên cứ tặc lưỡi làm.

Ở các gia đình có học và mức sống khá hơn, nhiều khi lại tồn tại những dạng bạo hành tinh thần mà ngay chính cha mẹ-chủ thể hành vi bạo hành rất nhiều năm, gây hậu quả nặng nề dai dẳng lại không hề nhận thức được hành vi của mình.

Ví dụ ép con học đàn trong khi con chỉ mê học võ, ép con chọn nghề theo mong muốn của cha mẹ, ép con cưới người mà cha mẹ nghĩ rằng môn đăng hộ đối, ép đẻ số con hay chọn giới tính con theo ý cha mẹ ... Thậm chí có những chuyện khó tin: anh bác sĩ mới ra trường nọ chỉ vì yêu cô bạn gái cùng lớp nên cha mẹ nghiêm lệnh cấm yêu, đúng 7h tối có mặt ở nhà. Sau đó, buộc du học. Yêu gì mà yêu, trẻ thế khoan yêu đã!

Trên báo chí và những câu chuyện bàn trà không hề thiếu những tâm sự quẫn bách của những đứa con lỡ bị làm vật thế chấp cho cuộc đời cha mẹ. Chuyện tự tử để thoát khỏi cuộc đời bế tắc cũng không hề hiếm.

Chính thứ quan niệm hiếu đễ từ thời nàng Kiều bán mình chuộc cha còn sót lại giao phối với những mớ tiêu chuẩn thời thượng chưa được tiêu hóa kỹ đã đẻ ra thứ logic quái dị: con cái chính là những công cụ đa năng tuyệt diệu. Tóm được anh vừa chuẩn thì cố độn bụng để bắt cưới. Quần quật kiếm đứa con trai để chắc chân làm vợ, thừa hưởng gia tài. Nghèo thì đem thuê, đem bán. Giàu thì bắt làm con rối sống thay cho ước muốn chưa thành của cha mẹ. Phạm tội thì cố mang bầu liên tục để khỏi bị bắt giam (Bộ Luật hình sự 1999 cho phép phụ nữ đang có thai hoặc đang nuôi con nhỏ dưới 36 tháng được hoãn chấp hành hình phạt). Tử tù thì điên cuồng có thai để thoát án tử. Tất cả đều được giải thích gọn lỏn: QUYỀN của cha mẹ.

Từ vụ Đàm Vĩnh Hưng chia sẻ cuộc sống nợ nần: Làm cha mẹ là một lựa chọn, đừng nói nợ sinh thành - Ảnh 2.

Làm cha mẹ là một lựa chọn, đừng nói "nợ sinh thành". Ảnh: Internet

Làm cha mẹ là một món quà của Tạo hóa để tặng cho con người những cảm xúc và trải nghiệm tuyệt vời. Nhưng với một số người, nó đơn thuần chỉ là một kết quả, hoặc tệ hơn nữa, là hậu quả của trò chơi thể xác. Đã là trò chơi cá nhân mà còn trút lên những đứa con gánh nặng dưới những vỏ bọc vàng son như "báo hiếu", "ơn sinh thành", thì quả là lật lọng và độc ác.

Đáng tiếc là những lớp học tiền hôn nhân hay lớp học làm cha mẹ rất ít ỏi và hầu hết chỉ mới được dạy trong những tổ chức tôn giáo.

Trên bình diện xã hội, pháp luật có không ít quy định nhằm giữ gìn quan hệ thân thích. Trong bộ luật Hình sự 1999, hành vi ngược đãi được giải thích thiên về đánh đập, bạo hành... nhưng trong Bộ luật Hình sự 2015 (hiện chưa có hiệu lực), tại điều 185, tội ngược đãi hoặc hành hạ ông bà, cha mẹ, vợ chồng, con, cháu hoặc người có công nuôi dưỡng mình được quy định rõ hơn:

1. Người nào đối xử tồi tệ hoặc có hành vi bạo lực xâm phạm thân thể ông bà, cha mẹ, vợ chồng, con, cháu hoặc người có công nuôi dưỡng mình thuộc một trong những trường hợp sau đây, thì bị phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:

a) Thường xuyên làm cho nạn nhân bị đau đớn về thể xác, tinh thần;

Đối chiếu với hàng loạt vụ việc được nêu trên mặt báo, nếu luật được thực thi hiệu quả, nhà tù sẽ phải nới rộng để chứa thêm một ít đấng bậc sinh thành đáng kính.

Tuy vậy cản trở lớn nhất không phải là luật pháp. Cản trở lớn nhất chính là tâm lý của những đứa con.

Đọc những lời bình luận trên mạng xã hội không ít người chê trách Đàm Vĩnh Hưng thậm tệ. "Kể cả 50 tỷ cũng là cái quái gì. Quan trọng là mẹ đẻ ra mình nhé". "Tốt xấu gì cũng là mẹ mình, giàu có khoe nhẫn kim cương mà trả nợ cho mẹ một năm hai tỷ cũng kêu". "Đáng phỉ nhổ những đứa con mang mẹ mình ra bêu giếu". "Dù gì cũng chui từ bụng mẹ mà ra"...

Nếu đây không phải là bình luận của những nhà đạo đức hồn nhiên vô số tội, hoặc nhân cơ hội thỏa mãn lòng thù ghét cá nhân, thì nội dung của nó chứng minh không còn gì hùng hồn hơn cho phức cảm tâm lý mà dân gian gọi là cái nợ đồng lần.

Một cá nhân mặc định phải trả ơn cho việc mình được sinh ra, bất kể sinh ra như thế nào và được nuôi dưỡng ra sao, bất kể bị bạo hành ra sao, khi đến lượt mình có con cái nhiều phần sẽ tiếp tục áp đặt tâm lý gia ơn và đòi trả nợ. Bạo lực không tự nhiên sinh ra mà là hành vi học được từ người khác.

Tôi biết một câu chuyện. Gia đình anh con trai muốn bán ngôi nhà được Nhà nước cấp để mua nhà riêng rộng hơn. Số tiền đến cả trăm cây vàng vào thời 1995. Mẹ của anh liền nằng nặc đòi con chia vài chục cây, với cái lý là "để trả nợ sinh thành".

Bà có 7 người con, đều có công ăn việc làm ổn định và vẫn góp tiền nuôi mẹ đều đều hàng tháng.

Một đứa cháu trong họ không chịu được tình cảnh ấy, bèn nói nếu bà đã tự định giá và đòi được số tiền quy cho món nợ sinh thành thì trả hết nợ cũng xem như không còn là đấng sinh thành. Từ lúc ấy cho đến khi bà mất, nó luôn xem bà trong suốt như không khí.

Cái giá đó so với 20 cây vàng, đắt hay rẻ?

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày