Từ vụ bé trai gặp tai nạn vì bị bỏ lại giữa đường: Có 1 kiểu dạy con "tàn nhẫn" nhất, nhiều cha mẹ vẫn hàng ngày mắc phải

Hiểu Đan, Theo Phụ nữ mới 10:31 15/10/2024
Chia sẻ

Phương pháp này tưởng chừng như hữu ích nhưng thực tế lại tiềm ẩn rất nhiều nguy hiểm.

Một đôi nam nữ đi xe máy chở theo bé trai khoảng 2 tuổi, không hiểu vì lý do gi, đôi nam nữ bất ngờ dừng xe để bé trai đang quấy khóc giữa đường rồi quay xe, giả vờ bỏ đi rồi dừng lại. Bé trai quá sợ hãi, liền đuổi theo. Đúng lúc này một xe máy khác đang di chuyển ngược chiều đi tới tông trúng khiến em bị hất văng ra xa.

Đây là nội dung đoạn clip đang lan truyền trên mạng xã hội khiến hàng ngàn phụ huynh "đau tim". Xem clip, nhiều người dự đoán hai người này chỉ định dọa cho bé trai sợ. Tuy nhiên, chính hành động khó hiểu này đã dẫn đến hậu quả đau lòng.

Từ vụ bé trai gặp tai nạn vì bị bỏ lại giữa đường: Có 1 kiểu dạy con "tàn nhẫn" nhất, nhiều cha mẹ vẫn hàng ngày mắc phải- Ảnh 1.

Không biết bạn đã từng chứng kiến những cảnh tượng thế này chưa:

Ở công viên, đứa trẻ muốn chơi một lúc, người mẹ tức giận nói: "Con không về nhà, mẹ sẽ tự đi, con cứ ở đây một mình!";

Trong siêu thị, khi trẻ muốn mua đồ chơi, bố mẹ sẽ nói: "Đừng giở trò nữa, nếu không tối nay con sẽ không được về nhà!".

Trên đường, khi trẻ đi đã mỏi và muốn được bế, bố mẹ sẽ nói: "Con tự đi nhé, không muốn đi thì để người khác ở đây đón. Đừng theo bố mẹ về nhà".

Mỗi khi con mắc lỗi, nhiều phụ huynh sẵn sàng doạ bỏ rơi con, cho con để người khác nuôi, như một cách để trừng phạt, để con sợ và không dám mè nheo, mắc lỗi nữa.

Đừng dạy con bằng nỗi sợ

Khi một đứa trẻ hạn chế tiếp xúc với thế giới bên ngoài, cha mẹ là tất cả trong cuộc đời nó. Vì vậy, mỗi đứa trẻ dù tính cách thế nào đều phụ thuộc vào cha mẹ trong cuộc sống.

Tất nhiên, sự phụ thuộc này được nhìn nhận ở cả hai khía cạnh vật chất và tinh thần. Nhiều bậc cha mẹ lặng lẽ nắm lấy bàn tay cầm nhỏ bé này và tự mãn làm "kẻ thao túng" đằng sau con mình. Không ít người ưa chuộng phương pháp giáo dục "dễ dàng" và "không tốn nhiều công sức" này, thậm chí còn chia sẻ với các bậc cha mẹ trẻ khác như một "bí quyết" hay để uốn nắn con cái.

Tuy nhiên, "giáo dục uy hiếp" chắc chắn là chiêu trò tiêu cực được cha mẹ tạo ra để có thể "lười biếng" giáo dục con. Phương pháp này tưởng chừng như hữu ích nhưng thực tế lại tiềm ẩn rất nhiều nguy hiểm. Những đứa trẻ lớn lên trong sự đe dọa như vậy có thể dễ dàng mất tự tin khi làm mọi việc, bỏ cuộc và lớn lên trở nên rụt rè, hèn nhát.

Những đứa trẻ sống trong nỗi sợ hãi "liệu một ngày nào đó mình có bị bỏ rơi không?" lâu ngày sẽ trở thành những người làm hài lòng mọi người hoặc trở nên trầm cảm khi lớn lên.

Trong Tâm lý học có một hiệu ứng có tên "Hiệu ứng con mèo bị bỏ rơi". Khi một con mèo bị bỏ rơi, nó thường trở nên ngoan ngoãn vì sợ bị bỏ rơi lần nữa. Tương tự như vậy, cha mẹ kiểm soát trẻ bằng cách dọa bỏ rơi, con cái sợ mất đi tình yêu thương nên buộc phải thỏa hiệp hoặc tìm cách làm hài lòng cha mẹ. Phương pháp này tưởng chừng như rất hữu ích nhưng thực tế lại tiềm ẩn rất nhiều nguy hiểm.

"Hiệu ứng mèo bị bỏ rơi" có thể tạm thời kiểm soát và thuần hóa trẻ, nhưng nó cũng có thể khiến trẻ dần mất niềm tin vào cha mẹ, mất đi cảm giác an toàn, không nhận ra giá trị của bản thân, thậm chí đánh mất chính mình. Nó khiến trẻ không tin rằng mình được yêu thương và không thể gần gũi với cha mẹ.

Vì vậy, đừng bao giờ đe dọa, kiểm soát hay ép buộc trẻ phải vâng lời bằng cách dọa con sẽ không trao cho con tình yêu thương.

Chuyên gia gợi ý trong các trường hợp trẻ không nghe lời, thay vì đe dọa trẻ bằng một người nào đó, một thứ gì đó làm trẻ sợ hãi thì hãy dọa nhẹ nhàng bằng cách nhắm tới điều mà trẻ thích, ví dụ như trẻ thích đi chơi, nên ra điều kiện nếu trẻ không học chăm hay không nghe lời khi ra nơi công cộng thì sẽ không được đi chơi nữa.

Một mối quan hệ tốt đẹp giữa cha mẹ và con cái là duy trì sự bình đẳng, hòa hợp vui vẻ, mang lại cho trẻ sự tin tưởng và an toàn mà chúng cần. Đồng thời để trẻ tin chắc rằng cha mẹ sẽ không bao giờ bỏ rơi chúng, và thậm chí rằng nếu mình không hoàn hảo thì vẫn đáng được yêu thương. Đây chính là nguồn dinh dưỡng tốt nhất cho sự phát triển của trẻ và là bí quyết cho mối quan hệ cha mẹ - con cái bền chặt.

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày