Từ vụ 5 nữ sinh đánh hội đồng bạn học: Vì gia đình "bỏ quên" trách nhiệm giáo dục

Cẩm Mịch, Theo Người Đưa Tin 01:05 02/04/2019
Chia sẻ

Vụ nữ sinh lớp 9 bị bạn đánh hội đồng tại trường THCS Phù Ủng (Ân Thi, Hưng Yên) trong một thời gian dài cho thấy cả sự thiếu trách nhiệm từ phía gia đình. Nhiều gia đình hiện nay sinh con ra, dường như đang “phó mặc” cho sự giáo dục của nhà trường.

Gia đình chịu trách nhiệm lớn nhất

Trao đổi về vấn đề này, chuyên gia tâm lý Lê Văn Thắng, Giám đốc trung tâm tư vấn tâm lý 247 cho biết: "Theo tôi, 3 yếu tố: Gia đình, nhà trường và xã hội như kiềng 3 chân để tạo nên nhân cách một con người. Trong đó gia đình là kiềng chân đầu tiên đóng vai trò rất quan trọng giúp các con bước vào đời".

Theo anh quan sát, những gia đình phó mặc con cho nhà trường dạy dỗ cũng có rất nhiều hoàn cảnh. Có gia đình vì cuộc sống thực sự khó khăn, bố mẹ phải rất vất vả để lo cho "cơm, áo, gạo, tiền" dẫn tới không có thời gian cho con, cũng có những gia đình điều kiện khá giả vẫn phó mặc con mình cho nhà trường.

"Bản năng người làm cha, mẹ là yêu thương con, mong con trở thành người có ích cho xã hội. Do vậy, việc phó mặc con cho nhà trường một phần vì họ tin tưởng nhà trường, mặt khác họ chưa nhận ra được vai trò không thể thay thế của gia đình dành cho con. Họ vô tình "bỏ quên" trách nhiệm giáo dục con cái", anh đánh giá.

TS. Vũ Thu Hương, giảng viên đại học Sư phạm Hà Nội cũng bày tỏ: "Theo tôi, gia đình phải chịu trách nhiệm lớn nhất. Trong 3 mục tiêu của giáo dục là kiến thức, kỹ năng và đạo đức, truyền đạt kiến thức do nhà trường phụ trách, còn kỹ năng và đạo đức do chính gia đình phụ trách.

Chính vì vậy, trong một lớp học, có những học sinh thành đạt, trở thành người có giá trị với xã hội, có người lại ảnh hưởng tiêu cực đối với xã hội. Điều đó không phụ thuộc vào nhà trường mà phụ thuộc chủ yếu từ chính gia đình. Vấn đề đạo đức của trẻ, như những học sinh đã đánh bạn kia, bộc lộ với những hình thức có thể nói là rất tàn ác và vô nhân tính, mà gia đình không hề hay biết. Chứng tỏ gia đình cũng rất vô trách nhiệm trong việc giáo dục con cái".

Từ vụ 5 nữ sinh đánh hội đồng bạn học: Vì gia đình bỏ quên trách nhiệm giáo dục - Ảnh 1.

Chuyên gia tâm lý Lê Văn Thắng cho rằng, gia đình là chiếc "kiềng chân" đầu tiên trong việc giáo dục nhân cách.

Giảng viên đại học sư phạm Hà Nội cũng đưa ra những dẫn chứng về việc ràng buộc trách nhiệm của phụ huynh đối với việc giáo dục con cái: "Thông thường, ở nước ngoài, đặc biệt ở châu Âu, nếu bố mẹ không thể giáo dục con tốt, thì sẽ bị cách ly.

Đơn cử như ở nước Đức, khi bố mẹ không giáo dục con tốt, hoặc làm những việc có thể gây hại cho con, bố mẹ sẽ bị cách ly, tước quyền nuôi dạy con, giao đứa trẻ vào trung tâm và bố mẹ phải đi tù. Điều đó ràng buộc trách nhiệm của những người làm bố, làm mẹ về sự phát triển cho con".

Biện hộ cho con, dung túng lỗi lầm

Chuyên gia tâm lý Lê Văn Thắng chia sẻ: "Trung tâm tư vấn tâm lý 247 đã từng tiếp nhận hỗ trợ tâm lý cho một trường hợp là học sinh lớp 8, có biểu hiện nghiện games, chơi lô, đề rất nghiêm trọng. Bố mẹ hàng tháng có lúc phải trả cho con cả vài chục triệu đồng.

Khi tiếp xúc, gia đình cho biết cháu được chiều, quen sung sướng từ nhỏ, lớp 5 đi học đều cho 200.000 đồng tiêu vặt hàng ngày, lên lớp 6 thì 500.000 đồng mỗi ngày. Gia đình chia sẻ điều đó khá tự hào vì cho con luôn đầy đủ vật chất. Biết đâu chính việc cho con nhiều tiền mà không giáo dục con cách chi tiêu là "mầm mống" dẫn tới đứa trẻ hư hỏng sau này".

TS. Vũ Thu Hương giải thích: "Và những người làm bố, làm mẹ vẫn hay biện hộ rằng: "Cha mẹ sinh con, trời sinh tính", hay: "Về nhà, cháu vẫn vâng dạ ngoan ngoãn nên không ai biết được", thì điều này không thể chấp nhận được. Bởi vì, đã là người làm bố, làm mẹ, thì phải nắm bắt được những vấn đề tâm sinh lý và đặc biệt là biết được tính cách của con mình. Người hiểu rõ con mình nhất là người mẹ. Bố mẹ mà còn không biết con mình ra sao thì không ai có thể hiểu được.

Gần đây, có rất nhiều những vụ việc đau lòng xảy ra, không riêng vụ nữ sinh bị đánh hội đồng, cứ phỏng vấn đến bố mẹ của thủ phạm, thì đều nói rằng: "Cháu rất hiền lành, ngoan ngoãn…". Điều này là không thể chấp nhận.

Không thể đổ lỗi cho xã hội, bởi vì hoàn toàn không có một xã hội trong vắt như pha lê, ở bất kỳ đâu, xã hội cũng luôn luôn có người này người kia. Vì vậy, điều quan trọng, gia đình phải có trách nhiệm giáo dục đứa trẻ để có thể bài trừ cái xấu và đón nhận cái tốt. Không phải như mọi người vẫn nói là lớn lên "trời sinh tính", mà tính như thế nào, gia đình phải biết để trị, để uốn nắn, những người làm bố, làm mẹ như thế cực kỳ vô trách nhiệm".

Từ vụ 5 nữ sinh đánh hội đồng bạn học: Vì gia đình bỏ quên trách nhiệm giáo dục - Ảnh 2.

TS. Vũ Thu Hương khẳng định những gia đình biện hộ cho con chỉ đang dung túng, tiếp tay cho những sai phạm tiếp diễn.

"Những trường hợp như vậy, rõ ràng là bố mẹ đang dung túng cho con mình tiếp tục phạm lỗi sai. Trong 5 gia đình, tôi chỉ thấy có duy nhất 1 gia đình đưa con đến xin lỗi ngay. Bản thân họ cũng cảm thấy rất bức xúc khi biết sự việc. Họ cũng rất thương gia cảnh éo le của nữa sinh bị đánh.

Còn lại, các gia đình khác, chỉ lên tiếng về việc con mình bị mắng chửi thế nào, chỉ ích kỷ nghĩ đến con mình, mặc dù con mình là thủ phạm, hoàn toàn không để ý đến nạn nhân. Tuy nhiên việc xin lỗi cũng không thể đủ cho nạn nhân, bởi sự tổn thương quá nặng nề, họ phải làm nhiều hơn để giáo dục con em mình và giảm nỗi khổ của nạn nhân", bà nhận định.

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày