Cảnh sát Papua New Guinea - một quốc gia nằm phía bắc nước Úc thuộc Châu Đại Dương - vào tuần trước đã bắt giữ một người đàn ông vì phóng hỏa tự thiêu. Theo luật nước sở tại, hành vi tự tử có thể chịu án tù 1 năm còn hành vi phóng hỏa có thể ngồi tù chung thân.
Với những mức án nghiêm trọng như thế, điều gì khiến thủ phạm phải quẫn trí muốn kết thúc cuộc đời trong biển lửa? Đó bởi vì anh ta là một người tị nạn ngoài 30 tuổi, vừa bị trung tâm y tế của Papua New Guinea từ chối chữa trị y tế không lâu trước khi tự vẫn. Điều đó đồng nghĩa với việc anh đã bị từ chối tị nạn và lại phải chuyển đến một đất nước khác, sau 5-6 năm đã phải chờ đợi và chịu giám sát chặt chẽ ở quốc đảo giữa Thái Bình Dương.
Người đàn ông phóng hỏa (Ảnh: SBS)
Theo chương trình loại người tị nạn từ xa của Úc, hàng trăm người vượt biên đã bị bắt giữ và gửi sang Papua New Guinea. Tại đây họ chuyển đến khu nhà Hillside Haus ở thị trấn Lorengau - nơi tá túc của những người chờ xin tị nạn từ năm 2017.
Hàng ngày, họ đều hồi hộp chờ đợi đơn xin tị nạn của mình được chấp nhận, lúc nào cũng suy nghĩ về một tương lai tối tăm vô định. Những điều này đã tàn phá tinh thần nặng nề, nhiều người đã tìm đến cái chết như một sự giải thoát. Và tính luôn cả trường hợp lần này, đã có 4 vụ phóng hỏa xảy ra tại "ngôi nhà chờ" của người tị nạn.
Trong vụ cháy hồi tuần trước, ngọn lửa đã bùng lên khi người đàn ông nhốt mình trong khu nhà. Lúc cả người anh bén lửa, bảo vệ khu nhà mới phá cửa xông vào theo lời cầu khẩn từ một người bạn của nạn nhân. Anh được cứu sống nhưng sau đó là một hành trình đầy đau đớn. Ban đầu, anh được chuyển từ bệnh viện này sang bệnh viện khác, mỗi nơi tọa lạc trên một hòn đảo khác nhau.
Người bạn của anh cũng muốn đến thăm bệnh nhưng bị từ chối, kể lại với tờ The Guardian rằng: "Tôi đã chờ suốt 2 tiếng đồng hồ nhưng cảnh sát không cho phép tôi nhìn mặt anh ấy. Tại sao? Tại sao bây giờ họ lại chăm chăm chữa trị như thế? Không phải ngay từ đầu nếu họ đồng ý chữa trị cho người tị nạn thì anh ấy đã không phóng hỏa tự thiêu rồi sao?". (Theo SBS, trước đó người đàn ông than phiền đau nhức vai, lưng nhưng không được khám bệnh mà chỉ được cho thuốc giảm đau trong vòng 5-6 tháng).
Cuối cùng, đôi bạn đã có thể gặp nhau tại đồn cảnh sát. Phóng viên Guardian cũng có mặt tại đó và chứng kiến người đàn ông bị bỏng nặng trên mặt và tai. "Anh ấy nói rằng tôi đau quá, không thể trò chuyện được nhiều. Anh ấy nói rằng cả người mình bị bỏng và cứ ăn vào là nôn hết ra. Vết thương trên mặt nhói đau và ở bụng cũng vậy" - bạn của người đàn ông thuật lại với phóng viên.
Cuộc sống tù túng như trong lồng sắt của những người tị nạn trên các đảo thuộc Nauru và Papua New Guinea - các nước láng giềng với Úc (Ảnh: EOIN BLACKWELL/AAP)
Về phía cảnh sát, họ cũng xác nhận người đàn ông đã được cho xuất viện vào hôm thứ sáu 21/6 và đang chịu điều tra. "Ngay khi trở về đảo Manus, anh ta sẽ bị bắt giam" - cảnh sát trưởng của đảo, thanh tra David Yapu cho biết.
Vị thanh tra bày tỏ nỗi lo lắng đối với sự việc lần này nhưng theo một góc nhìn khác. Ông Yapu nói: "Các tòa nhà của người tị nạn đã tốn hàng đống tiền của chính phủ, và vì vậy, chính phủ nên có biện pháp trông chừng thật cẩn thận cho đến khi tất cả họ rời khỏi Papua New Guinea".
Trong những tháng gần đây, khoảng 100 người đàn ông đã tự sát hay tự hủy hoại bản thân tại trung tâm tị nạn, và cả giới chức của Úc lẫn Papua New Guinea vẫn chưa có hành động triệt để nào để ngăn chặn tình trạng này.
Vào tháng trước, cảnh sát Yapu đã bất lực viết trên Facebook cá nhân: "Chúng tôi có thể làm thêm điều gì nữa đây?".
(Ảnh minh họa)
Trớ trêu thay, đây cũng là câu hỏi của người đàn ông đã phóng hỏa. Suốt nhiều năm chờ đợi ở trung tâm tị nạn để rồi bị trục xuất, anh ta muốn chết đi thì được cứu sống. Cuối cùng, anh có khả năng ở lại cả đời trên hòn đảo này nhưng là đằng sau chấn song, bị giam trong ngục tù còn khắc nghiệt hơn chuỗi ngày đau khổ mà mình từng trải qua.
"Nỗ lực tự hủy hoại của người tị nạn đã nằm ngoài tầm kiểm soát của chúng tôi. Nó đã trở thành hậu quả tất yếu của việc bị ức chế tâm lí lâu ngày - gây ra bởi giấc mơ về miền đất hứa sụp đổ, tương lai bấp bênh và nỗi đau khổ xa cách người thân" - trích lời chia sẻ của cảnh sát Yapu.
(Theo The Guardian)