Những đứa trẻ tị nạn Syria bán hoa hồng mưu sinh trên đường phố Lebanon

Tường Phạm, Theo An ninh Thủ đô 09:59 19/10/2018

Gần 8 năm kể từ khi xảy ra cuộc nội chiến ở Syria, 70% người tị nạn ở Lebanon sống trong cảnh nghèo đói. Nhiều gia đình phải để con cái ra ngoài kiếm tiền.

Những đứa trẻ tị nạn Syria bán hoa hồng mưu sinh trên đường phố Lebanon - Ảnh 1.

Vì cuộc sống khó khăn, nhiều trẻ em tị nạn Syria ở Lebanon phải mưu sinh bằng việc bán hoa hồng trên phố

Những phận người mưu sinh trên phố

“Cháu muốn được đến trường, trở thành bác sĩ và sống cuộc sống như những người khác. Cháu thường mang hoa đến chỗ những cặp đôi và nói: “Hãy mua hoa hồng tặng cho bông hoa của chú nếu chú yêu cô ấy”. Cháu bán hoa vì bố mẹ cháu ốm. Cháu muốn giúp đỡ bố mẹ. Cháu thức dậy lúc 5h30 hoặc 6 giờ sáng đến chợ đầu mối mua hoa. Cháu làm việc, sau đó trở về nhà. Bố cháu yếu vì chỉ còn một quả thận. Mẹ cháu làm việc tại nhà”, Omar nói với dáng vẻ già dặn hơn nhiều so với tuổi lên 6 của mình.

Cũng giống như Omar và Youssef, Salma Ismat (7 tuổi) đang lách mình qua những chiếc ghế trong quán bar để bán hoa cho đám đông uống cocktail và bia. Salma Ismat cố gắng cười tươi ngay cả khi khách hàng lờ đi hay tỏ vẻ khó chịu khi cô bé xuất hiện. Salma Ismat cố đánh vần tên quán bar. “Đây chỉ là công việc bán thời gian, cháu vẫn được đi học”, Salma Ismat nói.

Mỗi gia đình ở Syria thường có từ 3 đến 4 người con. Cả Omar và Youssef đều không đến trường. Bố của hai đứa trẻ nói rằng, dù rất thương con nhưng gia đình không có sự lựa chọn nào khác. Cuộc sống của những gia đình tị nạn Syria ở Lebanon gặp rất nhiều khó khăn. Ngoài công việc bán hoa, nhiều người Syria ở Lebanon phải xin ăn trên đường phố hoặc bán hàng rong để có thể mua bánh mì chống đói. Nhiều người đã bị chính người qua đường làm nhục. Ước tính, 60% trẻ em Syria làm việc trên các đường phố ở Lebanon từng trải qua bạo lực. “Một lần, Omar bị ốm và cháu đến quán bar bán hoa một mình. Tại quán bar, cháu bị đánh và họ không cho bán hoa. Mọi người nói cháu ngu ngốc. Cháu đến một góc phố ngồi và khóc. Khi đó, cháu còn nhỏ nhưng bây giờ đã lớn hơn nhiều”, Youssef nói và cho biết thêm, hai anh em thường bị những đứa trẻ đường phố khác bắt nạt. Có lần, bọn trẻ còn lấy tiền mà phải rất vất vả hai anh em mới kiếm được.

“Omar nói rằng, sức khỏe bố mẹ cháu yếu nên hai anh em phải đi bán hoa nhưng cháu muốn nói rằng, em ấy có thể ở nhà. Bố mẹ đã làm việc rất nhiều vì chúng cháu. Nếu những tổ chức từ thiện giúp đỡ, đưa cháu trở lại trường học, cháu sẽ đi cùng họ. Có thể, họ sẽ mang lại cho cháu cuộc sống tốt đẹp hơn. Cháu có thể học tiếng Anh, Pháp hay tiếng Ả-rập và đi du lịch đến nhiều vùng đất mới”, Youssef nói.

27 USD mỗi tháng hỗ trợ các gia đình tị nạn Syria 

Khoảng 1,5 triệu người Syria ở Lebanon với hơn 1/3 là người tị nạn. Người Syria chỉ được phép làm việc trong lĩnh vực nông nghiệp, xây dựng hoặc công nghiệp làm sạch. Hơn 70% sống dưới mức nghèo khổ. Khả năng tìm kiếm công việc hạn chế, nhiều người Syria phải sống nhờ vào viện trợ.

Được biết, hiện Chương trình Lương thực thế giới (WFP) hỗ trợ các gia đình tị nạn Syria 27 USD mỗi tháng. Tuy nhiên, con số này quá ít ỏi, không đủ chi tiêu. Đối với cô Sawsan Sadek cùng chồng và 4 đứa con, 27 USD là không đủ. Mỗi tháng, gia đình chỉ có 2 bữa ăn mỗi ngày. Sadek nhớ đến cuộc sống ở Idlib, một thành phố ở phía Tây Bắc Syria. “Luôn có bánh ngon trong tủ lạnh khi gia đình sống ở Syria. Tuy nhiên, trong căn hộ mới ở Armenia, Beirut, chúng tôi chủ yếu ăn gạo, mì ống và khoai tây”, Sadek nói.

Thợ rèn người Syria - Osman Haco nói rằng, anh luôn thèm được ăn thịt - “Gia đình tôi đến Lebanon 5 năm trước. Ở Syria, chúng tôi thường mua thịt và dự trữ trong ngăn đá tủ lạnh. Giờ đây, chúng tôi chỉ có thể mua thịt mỗi tháng một lần”. Edward Johnson - nhân viên truyền thông của WFP cho biết: “Khi những người tị nạn phải đấu tranh để tồn tại, họ sẽ tìm mọi cách để mưu sinh, ngay cả để con cái đi bán hàng trên phố”.

“93% gia đình tị nạn ở Lebanon không có đủ thức ăn. Các gia đình đã chi tiêu hết tiền tiết kiệm, bán đất đai, tài sản ở Syria và rơi vào nợ nần. Khi các gia đình không có tiền để chi trả nhu cầu tối thiểu nhất, việc để trẻ em đi làm sẽ gây ra nhiều hệ lụy cho xã hội”.

Liên hợp quốc