Năm 2018, sau khi tốt nghiệp Trường Luật Harvard, tôi đã có được công việc mơ ước tại một công ty luật hàng đầu ở California. Khi ấy, tôi mới 24 tuổi và kiếm được 200.000 đô la mỗi năm, bao gồm cả tiền thưởng (khoảng 5 tỷ đồng).
Nhìn từ bên ngoài, có vẻ như tôi đang hạnh phúc và thành đạt trong sự nghiệp của mình.
Nhưng đây là nhược điểm lớn nhất của thành công mà không mấy ai nói đến: sự lo lắng nghiêm trọng - và cuối cùng là trầm cảm - những vấn đề thuộc về sức khỏe tâm thần thường bị bỏ qua.
Tôi và bà mình rất thân thiết. Sau khi bà qua đời vào năm cuối đại học của tôi, tôi bắt đầu trải qua những cơn hoảng loạn thường xuyên và các vấn đề về đường tiêu hóa.
Tôi đã đi khám sức khỏe, xét nghiệm phân, siêu âm, và nội soi gây mê. Có một số thời điểm, tôi không thể ăn, tập thể dục hoặc thậm chí chẳng thể trò chuyện vì quá mệt mỏi.
Nhìn từ bên ngoài có vẻ tôi hạnh phúc nhưng sâu bên trong lại là sự cô đơn, trầm cảm...
Nhưng các bác sĩ ở các bệnh viện đều nói với tôi một điều tương tự: "Bạn hoàn toàn khỏe mạnh, chỉ cần kiểm soát căng thẳng của mình."
Khi đại dịch xảy ra vào năm 2020, sức khỏe tinh thần của tôi thậm chí còn suy yếu hơn và dần dần, tôi không thể theo kịp tiến độ công việc của mình. Sau cùng, tôi tìm tới một bác sĩ tâm lý, và được chẩn đoán tôi mắc chứng lo âu nặng và trầm cảm nhẹ.
Đó không phải là những gì tôi mong đợi sau một quá trình nỗ lực làm việc rất chăm chỉ để lên đến đỉnh cao. Tuy nhiên, việc sức khỏe tâm thần sa sút đã buộc tôi phải xác định lại ý nghĩa của thành công đối với chính mình.
Vì vậy, vào tháng 7 năm 2021, tôi nghỉ việc ở công ty để tập trung vào sức khỏe tâm thần của bản thân, và nó đã thay đổi cuộc sống của tôi theo hướng tốt đẹp hơn. Với nhiều không gian để thư giãn hơn, tôi sống kỷ luật hơn với những thói quen lành mạnh.
Phần lớn thời gian, tôi làm việc không ngừng để đạt được những thành tích mà tôi nghĩ rằng sẽ khiến người khác tôn trọng tôi hơn, nào là thủ khoa cấp ba, thực tập tại Nhà Trắng hay tốt nghiệp sớm.
Tôi nhận ra rằng nếu cứ tiếp tục đi theo hướng này - theo đuổi danh hiệu và cố gắng kiểm soát cách nhìn của mọi người về mình - tôi sẽ hoàn toàn mất đi ý thức về bản thân. Thay vào đó, điều tôi có thể kiểm soát là cách tôi chăm sóc tinh thần và thể chất của mình.
Vì vậy, tôi đã phát triển một thói quen chăm sóc sức khỏe tinh thần có hiệu quả với bản thân, chẳng hạn như đọc sách và tập thể dục nhiều hơn. Tôi cũng thường xuyên gặp một nhà trị liệu hành vi nhận thức.
Hiện tại, tôi có một hướng sự nghiệp khác. Với suy nghĩ muốn chia sẻ những kinh nghiệm của bản thân và muốn mọi người quan tâm nhiều hơn tới sức khỏe tinh thần của bản thân, tôi đã lập ra một blog về hành trình chăm sóc sức khỏe tâm thần của mình trên LinkedIn. Nó đã lan tỏa và tiếp cận gần 2,5 triệu người trong khoảng thời gian hai tuần.
Tôi cũng đã chia sẻ câu chuyện của mình trên các ứng dụng mạng xã hội khác, bao gồm cả Instagram và TikTok.
Năm nay, tôi đã đồng sáng lập một công ty luật dành cho những người sáng tạo nội dung, nơi chúng tôi giúp đàm phán các giao dịch và bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ. Mặc dù kiếm được ít tiền hơn so với công việc trước đây, nhưng công việc hiện tại khiến tôi cảm thấy tràn đầy năng lượng mỗi ngày, giờ giấc sinh hoạt cũng lành mạnh hơn.
Tập trung vào sức khỏe tinh thần không có nghĩa là bạn phải hy sinh tham vọng của mình. Điểm mấu chốt ở đây là hiểu điều gì là quan trọng nhất đối với bạn và những gì bạn có thể xử lý.
Tập thở sâu để lấy lại cân bằng từ bên trong cơ thể
Dưới đây là một số chiến lược đã giúp tôi duy trì trạng thái cân bằng của mình:
Nhận biết các dấu hiệu của sự lo lắng. Hiểu căng thẳng tác động đến cơ thể của bạn như thế nào và những công cụ hay dịch vụ nào có sẵn để trợ giúp. Tôi cũng đọc rất nhiều sách về sức khỏe tâm thần, đặc biệt là blog của nhà tâm lý học Nick Wignall và "Zebras Don't Get Ulcers" của giáo sư thần kinh học Robert Sapolsky tại Stanford.
Tập thở sâu. Nghe có vẻ dễ dàng, nhưng đôi khi tôi phải chậm lại và nhắc nhở bản thân thở. Khi tôi cảm thấy căng thẳng, tôi xem một video trên YouTube và "không làm gì cả" trong 10 phút.
Viết ra. Thay vì làm tê liệt bản thân với công việc, tôi viết nhật ký về những cảm xúc và suy nghĩ của mình.
Trên thực tế, thành công và ưu tiên sức khỏe tinh thần không loại trừ lẫn nhau, và như tôi đã nói, mấu chốt là biết đâu mới là điều quan trọng nhất!
Tác giả của bài viết là Julian Sarafian, anh tốt nghiệp Đại học California, Berkeley và Trường Luật Harvard. Julian là một luật sư và là người sáng tạo nội dung, anh có một tiếng nói tích cực trong cộng đồng sức khỏe tâm thần, và đã phát triển một cộng đồng gần 350.000 người theo dõi trên các kênh truyền thông xã hội bao gồm TikTok và Instagram.
(Nguồn: CNBC, Ảnh: Unsplash)