Trên khắp thế giới, người ta nói "OK" khi biểu thị sự đồng ý trong ngôn ngữ giao tiếp đời thường. Ví dụ: "Sáng nay đi cà phê không bạn?", "OK".
Cách biểu đạt này rất đơn giản, nhanh, tiện lợi cả khi nói và gõ phím nên được dùng thông dụng ở mọi lứa tuổi. Vậy chữ "OK" có nghĩa gốc là gì, xuất xứ từ đâu?
Từ "OK" được cho là bắt nguồn tại Boston, Mỹ vào năm 1839, là viết tắt của "Oll Korrect" (một cách viết sai chính tả của "All Correct", nghĩa là hoàn toàn đúng), thường được dùng trong các trò chơi ngôn ngữ.
Cũng như giới trẻ ngày nay, các trí thức trẻ thành thị ở Mỹ thời đó cũng thích sáng tạo ngôn ngữ theo cách riêng. Ban đầu, họ chỉ đơn giản là viết tắt và viết lái cách đánh vần các từ; sau đó muốn có cách giao tiếp đặc biệt hơn nên quyết định tạo ra những mật mã ngôn ngữ nội bộ.
Họ cố tình viết sai chính tả những cụm từ phổ biến để tạo ra những từ đồng âm, sau đó lấy hai chữ cái đầu tiên để làm mật mã. Nhiều từ viết tắt được hình thành bằng cách chơi chữ này như KC là viết tắt của "Knuff Ced" (enough said – nói đủ rồi), OW là "Oll Wright" (all alright - tất cả đều ổn), KG là "Ko Go" (no go - không đi). Trong những từ viết tắt được mã hóa đó, từ nổi tiếng nhất là "OK".
Lần xuất hiện đầu tiên của “OK” trên một ấn phẩm truyền thông là trong bài viết của tờ báo Bostin Morning Post năm 1839. Phóng viên muốn mang đến một chút cợt nhả trong cách hành văn của mình nên thay viết “all correct”, anh chàng viết thành OK.
Từ này đáng ra đã bị chìm vào quên lãng, nhưng chiến dịch tái tranh cử tổng thống của Martin van Buren (tổng thống thứ 8 của Hoa Kỳ) đã nhanh chóng biến “OK” thành một từ vựng phổ biến trên báo chí.
Ông Martin van Buren đã dùng biệt danh “Old Kinderhook” (người già đến từ Kinderhook, nơi ông sinh ra) trong chiến dịch. Những người ủng hộ vị tổng thống này tạo ra một hội nhóm có tên “OK Club" với khẩu hiệu “Old Kinderhook was oll korrect” (ông già từ Kinderhook hoàn toàn đúng).
Ngay sau đó, chiến dịch này bị đối thủ của Martin van Buren lợi dụng để phản pháo, nhại lại thành câu nói đầy móc mỉa như “Out of Kash” (out of cash - hết tiền) hay “Orfull Katastrophe” (awful catastrophe - thảm họa tồi tệ).
Năm 1841, William Cooke và Charles Wheatstone (Anh) đã chế tạo máy điện báo in để gửi các mã Moses đến đầu dây bên kia. Hệ thống Morse cho điện báo, lần đầu tiên sử dụng vào khoảng năm 1844, được thiết kế để tạo ra các vết lõm trên băng giấy khi nhận dòng điện. Từ những vết lõm trên giấy, người ta bắt đầu giải mã thành các văn bản chữ cái.
Vì điều kiện công nghệ còn hạn chế, các ký tự thường xuyên được viết tắt, ngắn gọn, dễ hiểu, và "OK" được trọng dụng.
Cũng chính nhờ sự phát triển của điện báo mà từ “OK” được phổ biến đến khắp thế giới. “OK” trở thành từ đại diện cho sự xác nhận. Thậm chí, trong quá trình phát triển của mình, từ này còn dần mang nhiều nét nghĩa khác như đồng thuận, đồng ý.
“OK” cũng dần trở thành một ký hiệu toàn cầu, xâm nhập ngôn ngữ nói của nhiều thứ tiếng khác nhau trên khắp thế giới. Ở mỗi nền văn hóa, “OK” lại mang hình thái cũng như cách đọc khác nhau.
Ví dụ trong tiếng Na Uy, Iceland hay Phần Lan, cụm từ quen thuộc này được viết là “okei”. Còn trong tiếng Nga, Tây Ban Nha, Thổ Nhĩ Kỳ hay Philippine, nó được viết thành “okey”. “Oukej” là cách viết của từ này trong tiếng Séc hay Slovakia.
Trong tiếng Việt, “Ok” vẫn là cách viết thông dụng nhất, nhưng ngày nay giới trẻ đang viết thành "Oki", "Okie" hoặc "Ukie" để mang sắc thái lịch sự, mềm mại hơn.
Sự ngắn gọn và tính linh hoạt của "OK" giúp nó trở thành từ dễ nhớ và được sử dụng trong nhiều ngữ cảnh, từ đời sống hàng ngày đến công việc, đặc biệt là trong thời đại của internet và mạng xã hội, khi người ta ưa chuộng cách giao tiếp ngắn gọn.
(Tổng hợp)