Nhiều ngày qua, dư luận trên khắp thế giới xôn xao về ý thức của khách du lịch khi tiện tay vẽ bậy khiến nhiều di tích lịch sử - văn hoá mất đi phần nào vẻ đẹp vốn có.
Hôm 30/10 vừa qua, ban quản lí văn hóa thuộc di tích Thành Yonago, tỉnh Tottori, Nhật Bản chính thức thông báo phát hiện nhiều dòng chữ, hình vẽ được cho là dùng vật nhọn khắc lên tường đá của thành cổ. Trong đó nổi bật là chữ "A.HÀO" cùng 2 hình vẽ ngôi sao và trái tim.
Dù các trang này chỉ đưa tin "có 3 kí tự HAO vẽ bậy bằng chữ cái La-tinh", nhưng từ hình chụp tại hiện trường, nhiều người dùng MXH cho rằng đây là chữ tiếng Việt do một người tên Hào khắc lên.
Dòng chữ được cho là "A.HÀO" trên bệ đá thành cổ (Ảnh: Asahi.com)
Được biết, thành cổ Yonago tọa lạc trên núi Minato-yama ở độ cao 90m, có tuổi đời hơn 500 năm. Di tích này từng uy nghi bề thế bậc nhất vào đầu thế kỉ 17, từ đỉnh tháp có thể phóng tầm mắt ngắm toàn thị trấn phồn vinh nhộn nhịp lúc bấy giờ. Đây không chỉ là hành vi vô ý thức, mà giới chức địa phương còn đang truy tìm thủ phạm để xử lý theo Luật Bảo tồn Di sản Văn hóa vốn được quản lí rất chặt ở Nhật Bản.
Hirayama Akiramoto - trưởng ban bảo tồn văn hóa thành phố Yonago cho biết: "Không thể nào chấp nhận hành vi gây hại cho tài sản văn hóa, có giá trị to lớn và ý nghĩa thiêng liêng đối với hậu thế". Và có thể, người vẽ bậy lên di tích, điểm văn hóa sẽ phải lãnh mức án cao nhất là ngồi tù 5 năm và chịu phạt hành chính 300.000 yên (hơn 60 triệu đồng).
Gần đây nhất, vào trưa 8/11, trên MXH xuất hiện hình ảnh dòng chữ tiếng Việt được viết bằng bút dạ lên một bức tượng ngay dưới chân tháp Namsan Seoul - biểu tượng du lịch nổi tiếng của thủ đô Seoul, Hàn Quốc gây xôn xao.
Dòng chữ bằng tiếng Việt viết trên bức tượng gấu vàng dưới chân tháp Namsan Seoul (Ảnh N. A. Q)
Theo đó, dòng chữ được viết nổi bật trên tay bức tượng gấu vàng với cụm từ "Bò nướng" kèm địa chỉ của một chuỗi cửa hàng bò nướng tại Hà Nội, Việt Nam. Hiện tại vẫn chưa ghi nhận bất cứ phản hồi hay xác nhận nào từ phía ban quản lý tháp Namsan cũng như chính quyền thành phố Seoul về sự việc này. Tuy nhiên hành vi thiếu văn minh của du khách đã hứng phải làn sóng chỉ trích gay gắt từ cư dân mạng.
Được biết, tháp Namsan Seoul là biểu tượng du lịch, văn hoá, là điểm đến không thể bỏ lỡ với mỗi du khách khi có dịp đến thăm thành phố Seoul, Hàn Quốc. Từng là tháp phục vụ phát thanh-truyền hình, Namsan Seoul giờ đây là một không gian văn hoá, trải nghiệm rất được yêu thích.
Không riêng gì tại Nhật Bản hay Hàn Quốc mà ở Việt Nam, "thói quen" vẽ bậy của người dân và du khách cũng khiến dư luận ngán ngẩm. Theo thống kê của ngành văn hóa, cả nước hiện có hơn 40.000 di tích, thắng cảnh trong đó có hơn 3.000 di tích quốc gia và hơn 7.000 di tích cấp tỉnh. Điều đáng buồn là phần lớn các di tích này đều bị xâm hại bởi nạn "vẽ bậy".
Thường thì mỗi khi đến thăm các di tích, du khách thường có tâm lý muốn "đánh dấu": "Tôi đã đến đây!" bằng nhiều cách phản cảm. Một trong những "pha thể hiện" đáng buồn nhất và kéo theo đó, là khó xử lý nhất, chính là tình trạng viết, vẽ bậy.
Mặc dù ở nhiều khu di tích, ban quản lý đều cho dựng biển cảnh báo "cấm xâm phạm", "cấm vẽ bậy",... nhưng nhiều du khách vẫn cố tình ngó lơ, không quan tâm. Cho đến nay, chính quyền sở tại vẫn chưa tìm ra biện pháp nào có thể ngăn chặn được tình trạng này.
Nhiều khu di tích, thắng cảnh ở Hà Nội cũng bị bôi bẩn, vẽ bậy. Ảnh: Minh Nhân, Bá Cường.
Chỉ riêng ở Hà Nội, nhiều khu di tích, quần thể văn hoá như Văn Miếu - Quốc Tử Giám, Tháp Hòa Phong, Cột cờ Hà Nội, Hoàng Thành Thăng Long, cầu Long Biên… cũng "nhan nhản" các thể loại nét viết - vẽ - khắc, trông vừa nhếch nhác lại vừa phản cảm. Theo những người làm công tác bảo vệ, các ký tự tại các điểm di tích không chỉ có tiếng Việt mà lẫn cả tiếng Anh. Thế nên, có thể đối tượng vẽ bậy không riêng du khách trong nước mà có cả khách nước ngoài.
Tại TP Hà Nội, trước thực trạng các di tích lịch sử, văn hóa và kiến trúc nghệ thuật bị viết, vẽ bậy tràn lan, năm 2017, UBND thành phố Hà Nội ban hành Bộ quy tắc ứng xử tại nơi công cộng. Dù vậy, các di tích nổi tiếng của thành phố vẫn chi chít những dấu viết, vẽ bậy. Thói quen xấu xí này của du khách trong và ngoài nước ảnh hưởng tiêu cực đến hình ảnh và uy tín quốc gia, tác động không nhỏ đến môi trường du lịch Việt Nam, không gian văn hoá.
Xung quanh 4 góc tháp Hòa Phong (đối diện Bưu điện Hà Nội) bị phủ kín những dòng chữ viết bằng bút xóa, các hình vẽ đủ hình dạng, màu sắc chồng chéo lên nhau. Thậm chí một số người còn sử dụng vật cứng, nhọn để khắc lên cột tháp, trong số đó có nhiều ký tự mang ý nghĩa xấu xí.
Nhiều dòng chữ nhan nhản được viết hoặc khắc cẩu thả lên các khu di tích. Ảnh: Phương Thảo.
Tại khu vực chân tháp Bút (đền Ngọc Sơn) hay khu vực nhà Thái Học (Văn Miếu - Quốc Tử Giám), dù có hàng rào bảo vệ và biển báo cấm xâm phạm nhưng nhiều người trẻ vô ý thức vẫn cố tình trèo qua hàng rào để khắc tên, thể hiện tình yêu của bản thân. Các nhà chức trách đã phải có những biện pháp cứng rắn hơn như lắp camera an ninh để ghi hình những đối tượng xâm phạm.
"Chưa có chế tài cụ thể để xử lý hành vi xâm phạm, phá hoại này!"
Ông Lê Xuân Kiêu, Giám đốc Trung tâm Văn hóa Khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám cho biết, để giảm bớt nạn vẽ bậy, xâm hại khu di tích, ban quản lý đã tổ chức tuyên truyền, nhắc nhở, cảnh cáo đối với những hành vi như vậy. Ngoài ra, tại Văn Miếu được trang bị nhiều biển cảnh báo đặt bên ngoài hàng rào và gắn camera tại nhiều khu vực.
Một bảng gỗ trong khu di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám bị xâm hại nghiêm trọng, ban quản lý đã phải xếp cất.
Đủ loại màu sắc, hình thù bên trong các di tích.
Cột cờ Hà Nội cũng bị nhiều bạn trẻ khắc chữ lên.
"Khi thấy người có dấu hiệu vi phạm hoặc có ý định vi phạm, chúng tôi cho người ra nhắc nhở ngay. Hiện nay chưa có chế tài cụ thể để xử lý hành vi xâm phạm, phá hoại này mặc dù tình trạng đang rất cấp thiết. Hiện đơn vị chỉ có thể cấm tham quan di tích đối với những trường hợp đã bị nhắc nhở nhưng vẫn cố tình tái xâm phạm" - ông Kiêu cho biết thêm.
Theo nhiều nhà nghiên cứu, việc vẽ, khắc lên các di tích không chỉ gây mất mỹ quan văn hoá mà còn làm biến dạng công trình kiến trúc. Trong nhiều trường hợp nghiêm trọng, di tích đó có thể bị hỏng vĩnh viễn và khó được cải tạo lại nguyên dạng ban đầu.
Đối với những hành vi cố tình xâm phạm di tích lịch sử, theo quy định tại Điều 23 Nghị định 158/2013/NĐ-CP (có hiệu lực từ ngày 1/1/2014) về quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa, thể thao, du lịch, quảng cáo là phạt tiền từ 1 triệu đến 3 triệu đồng với hành vi viết, vẽ, làm bẩn, làm ô uế di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh, công trình văn hóa, nghệ thuật. Sau đó, người vi phạm phải thực hiện hành vi khôi phục lại tình trạng ban đầu theo quy định tại Điểm a, Điều 9 của Nghị định trên.
Tuy nhiên để cải thiện tình hình trên một cách triệt để, trước hết mỗi người dân và du khách phải có ý thức gìn giữ, bảo vệ các nét đẹp truyền thống văn hóa.