Ngày bé, chúng ta đi học hầu như chưa có sự ganh đua cạnh tranh trong điểm số, nhưng càng lớn lên cuối cấp 2 thi vào lớp 10, cuối cấp 3 thi vào đại học, cô cậu học trò càng có tham vọng chiến thắng trong kết quả học tập, sợ bị thua sút, sợ bị so sánh.
Áp lực học tập tác động bất lợi đến học trò vì khiến họ cảm thấy bị căng thẳng và cảm thấy tương lai bất định. Cạnh tranh để có kiến thức tốt là động lực, nhưng cạnh tranh để giữ vị trí cao trong lớp tạo tâm lý nặng nề đè nặng lên học sinh. Thậm chí, khi đã ở vị trí đẫn đầu, nhiều bạn vẫn hoang mang sợ không giữ được thành tích này, sợ bị vượt mặt sẽ khiến bố mẹ phiền lòng.
Các bạn học sinh ngày nay đang phải chịu áp lực đè quá nặng lên đôi vai của chính mình. Chúng đã không còn được tự do vui chơi như ngày xưa, không còn được làm những việc mà mình yêu thích nữa mà thay vào đó là học và học. Ngoài giờ học trên lớp thì phải học thêm nhiều môn, những đòi hỏi của cha mẹ làm các bạn học sinh trở nên đau đầu. Hằng ngày cứ diễn ra như vậy, tan học là phải học thêm cho đến tối, vừa về đến nhà cũng đã chín, mười giờ chỉ kịp bỏ cặp xuống rồi vội lao vào bàn học, học tiếp cho bài của ngày mai.
Xuất hiện trên chương trình "Thầy cô đã thay đổi chúng ta" của VTV7, chia sẻ về biến cố của mình hai năm về trước, cậu bạn Đỗ Việt Anh – lớp 11 tại Hà Nội đã khiến nhiều bậc phụ huynh phải suy ngẫm, học sinh phải đồng cảm với câu chuyện thi trượt cấp 3.
Theo lời Việt Anh kể, cậu bạn có một thời cấp 2 theo rất là "đáng mong ước". Bởi suốt 9 năm học, cả cấp 1 và 2, em đều là lớp trưởng và đều trong diện top các học sinh có thành tích xuất sắc trong trường. Vì thế, chẳng có lý do gì mà Việt Anh không tự tin đăng ký thi vào lớp 10 một trường điểm ở Hà Nội cách đây 2 năm về trước. "Em cũng tự tin nghĩ rằng mình sẽ đỗ vào trường đó nhưng rồi mọi việc hoàn toàn khác", cậu bạn chia sẻ.
9 năm làm lớp trưởng, nên Việt Anh gây thất vọng khi không đỗ cấp 3. Ảnh: VTV.vn
Đến lúc tra điểm thi, gia đình Việt Anh shock toàn tập bởi cậu bé đã bị trượt trong kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 các trường công lập ở Hà Nội: "Khi thông báo qua điện thoại, mẹ còn tưởng là em đùa và không thể tin em có thể trượt được. Khi biết đó là sự thật, mẹ đã phóng vội từ cơ quan về nhà và ôm lấy em mà khóc. Lúc ấy em cũng không biết nên xử sự thế nào với bố mẹ. Tối đó, bố mẹ có lời qua tiếng lại với nhau. Một phần của cuộc cãi vã mà em có nghe được là bố dường như mất hoàn toàn niềm tin vào em và cho rằng em là người không thể theo được con đường học vấn".
"Lớp có 46 bạn thì 45 người đỗ, một mình em là lớp trưởng lại trượt", Việt Anh kể và cho biết cảm xúc lúc đó giống như chiếc xe đang lên đến gần đỉnh núi thì tụt dốc vèo xuống hẳn vực thẳm.
Không giống như Việt Anh, cô bạn Nguyễn Thị Trang lại chịu một áp lực kiểu khác, áp lực của một người học dốt và bị bạn bè xa lánh. "Năm em học cấp 2, em được bố mẹ cho theo học một trường điểm tại Hà Nội. Bố mẹ rất kỳ vọng và cho em học một lớp chuyên, được xem là lớp giỏi nhất khối. Các bạn ở đó đua nhau học, đôi lúc em cảm thấy mình rất kém cỏi", Trang chia sẻ.
Bản thân Trang cũng tìm cách và rất cố gắng để học tập, rèn luyện bản thân. Thậm chí, học kỳ 2 lớp 8, Trang đã đủ điểm trung bình chung được học sinh giỏi, thế nhưng trong buổi tổng kết, cô giáo bảo rằng em không được học sinh giỏi bởi điểm tổng kết trung bình cả năm môn Toán của em bị thiếu 0,1 điểm.
Trong 4 năm học THCS, chưa bao giờ Trang cảm nhận được tình cảm, tình yêu từ giáo viên chủ nhiệm. Ảnh: VTV.vn
"Dường như trong 4 năm học THCS, chưa bao giờ em cảm nhận được tình cảm, tình yêu từ giáo viên chủ nhiệm. Mọi người luôn nhìn em với ánh mắt là một học sinh dốt. Em cảm thấy không một ai hiểu mình hết. Và cũng vì là một học sinh dốt nên tất cả mọi hoạt động trong trường, mọi sinh hoạt của lớp nào em cũng không được tham gia", Trang tâm sư.
Vào khoảng thời gian suy sụp, khó khăn đó, Việt Anh may mắn khi có mẹ ở bên động viên, giấu bố đưa em đến một trường tư ở Hà Nội để đăng ký theo học. Thời gian đầu đi học, Việt Anh thu mình, không nói chuyện, không giao du với các bạn. Cứ hết tiết học, em lại buồn bã ra về.
Nhưng rồi cũng từ đây, em gặp được một cô giáo tâm lý, hiểu học sinh và dần giúp em quay lại với cuộc sống năng động, đầy niềm vui trong nhà trường. Nhìn bảng thành tích 9 năm của Việt Anh, cô đã giao phó trách nhiệm lớp trưởng cho em và động viên em tham gia nhiều hoạt động tập thể của trường, lớp. Về phía gia đình, sau buổi họp phụ huynh cuối học kỳ 1 năm lớp 10 thì cả bố và mẹ đều đã có cái nhìn thay đổi về em. Cũng từ đó em mới vượt qua được áp lực của việc thi trượt lớp 10 và sống đúng chính mình.
Cả Việt Anh lẫn Thu Trang đã tìm lại được niềm tin vào chính bản thân mình.
Còn với cô bạn Thu Trang, từ khi sang cấp 3, cô nàng được chuyển đến một ngôi trường mới, được gặp bạn bè mới, thầy cô mới và đặc biệt ở đây, các thầy cô luôn đề cao các hoạt động tập thể, cộng đồng. Mọi người được khai phá tiềm năng, được trân trọng, bình đẳng và đặc biệt là sự gần gũi giữa giáo viên và học sinh.
"Điều mà em thấy ở mái trường mình đang theo học là học tập rất quan trọng nhưng quan trọng hơn nữa là học sinh được rèn luyện kỹ năng của bản thân. Đó là kỹ năng sống. Em được trở thành là một trong những thành viên của câu lạc bộ Thủ lĩnh của trường và cũng là một trong những leader giỏi của trường" - Trang hào hứng nói về ngôi trường mới của mình.
"Học hành áp lực một, gia đình áp lực mười", đây luôn là vấn đề nóng từ xưa đến nay. Cha mẹ nào cũng mong muốn con mình có thành tích cao, phải dẫn đầu trong top các trường lớp để được hãnh diện. Nhưng họ đâu có hiểu rằng, chính áp lực điểm số đó đã đẩy con em mình vào trạng thái căng thẳng hơn bao giờ hết, sợ học, sợ thi, sợ điểm số.
Chương trình học tập thì ngày càng nặng, bài học, bài tập thì nhiều bắt buộc phải nhớ lâu. Những bài kiểm tra, bài thi ở lớp đánh giá học lực làm học sinh luôn nơm nớp lo sợ vì vừa phải tranh đua thứ hạng với các bạn cùng lớp vừa phải làm hài lòng thầy cô về điểm số. Điểm thi giờ đây không còn là động lực nữa mà nó đã trở thành áp lực đối với mọi học sinh chúng tôi.
Câu chuyện của Việt Anh hay Thu Trang chỉ là hai trong số hàng nghìn câu chuyện áp lực đang đè nặng lên đôi vai các cô cậu học trò. Nhắn gửi đến các bậc làm cha làm mẹ, xin người đừng vì những con điểm mà khiến tâm lý con trẻ thêm căng thẳng. Thay vì đó hãy cùng nhau động viên giúp con cái vượt qua những áp lực, khi đó con cái sẽ thấy cha mẹ không phải người áp đặt mà là người bạn đường đồng hành tiếp sức cùng con.
Một đứa con trưởng thành, là công trình giáo dưỡng của cha mẹ, niềm tin của người cha người mẹ dành cho con mình có thể giúp nó đứng vững trước sóng gió, giúp nó thay đổi nhân sinh quan về cuộc đời và cả con đường sẽ đi về sau. Vì vậy, hãy trao niềm tin cho con mình!
Xin gửi đến các bậc phụ huynh, các bạn học sinh một câu nói của chị Thu Hà - tác giả cuốn sách "Ai cũng xứng đáng được hạnh phúc": "Nếu bạn không học giỏi, không có bằng tốt nghiệp trường top, bạn có thể thiệt vài triệu tiền lương những tháng thử việc đầu tiên. Nhưng nếu bạn đánh mất niềm vui sống thì là mất mát rất rất lớn. Và tất cả các môn học khác trong trường cũng thế, bạn học để bạn biết được cách vui sống khỏe mạnh, chứ không phải học để mà tuyệt vọng. Học để sống, nhớ nha bạn!".