Đại học Ngoại thương từ lâu vốn là trường đại học được đánh giá hàng đầu trong khối các trường về kinh tế, được mệnh danh là Harvard của Việt Nam, là đích đến của bao nhiêu sĩ tử trước mỗi kỳ thi đại học. Thế nhưng ít ai biết học Ngoại thương thực sự như thế nào. Đây là những dòng tự sự của một sinh viên Ngoại thương được trích từ cuốn sách Tuổi trẻ đáng giá bao nhiêu? của tác giả Rosie Nguyễn.
Lạ lẫm trong thế giới của những người xuất sắc
Cuộc trò chuyện với cô bé sinh viên làm tôi nhớ lại ngày xưa của mình. Lúc nộp đơn thi đại học, chẳng biết hướng nghiệp là gì, cũng chẳng được ai tư vấn cho. Chọn thi Ngoại thương vì một lý do rất chi là... "dốt": Vì một người chị tôi ngưỡng mộ cũng đang học trường đó.
Hồi đó cứ nghĩ Ngoại thương là một cái gì đó cao xa sang chảnh và tuyệt vời ông mặt trời lắm. Nhưng thực sự không hề biết chính xác trường đào tạo những gì và học xong rồi sẽ làm nghề gì.
Đến khi vào trường rồi mới biết, rằng học Ngoại thương là:
Là hai năm đầu ở trường, sĩ số lớp vắng gần phân nửa so với ngày đầu nhập học do bọn bạn cùng lớp đua nhau bỏ đi du học.
Là nếu học ở Ngoại thương cơ sở II tại Sài Gòn, thì có khả năng thất vọng cao với chất lượng cơ sở vật chất. Diện tích trường bé xíu. Năm đầu đại học của tôi trường còn không có cả cơ sở riêng, phải học ké với Cao đẳng Kinh tế Đối ngoại.
Là cảm giác xa vời lạ lẫm khi học cùng trường với toàn người nổi tiếng. Nhỏ đó mới đăng quang hoa hậu. Đứa kia thì người mẫu. Đứa nọ là diễn viên. Đứa khác MC dẫn chương trình truyền hình nổi tiếng. Đứa nữa thì ca sĩ, mỗi lần nó thử giọng là tiếng của nó vang lên khắp cả trường, đứng ở tầng nằm nghe rõ giọng nó từ tầng một.
Những đứa khác không trong giới showbiz thì bỏ học đi làm, kinh doanh thành công, doanh nhân các kiểu. Rồi nhiều đứa khác nữa đạt giải hết cuộc thi này tới cuộc thi nọ nào ý tưởng sáng tạo nào đại sứ môi trường nào nhà thiết kế nào nhà quảng cáo trẻ.
Còn vô số sinh viên khác nữa trong lớp thì lúc nào cũng nhanh nhẹn hoạt bát dư thừa năng lượng. Mỗi lần vào lớp thuyết trình chúng nó đứng nói suốt buổi, tranh luận tới cùng, tự tin thể hiện chính mình, không ngại làm trò điên rồ. Nghe mà chóng hết cả mặt.
Ngó lại bản thân mình, sáng cắm đầu lên lớp, chiều quay mặt về nhà. Nằm trong thành phần thường dân của Ngoại thương. Đôi khi tôi tự hỏi không biết mình có vào nhầm trường không.
Áp lực của dân Ngoại thương
Học Ngoại thương đôi khi cũng hơi áp lực. Áp lực chỗ mỗi lần được hỏi học trường gì mà nói ra tên đó là người đối diện trầm trồ khen ngợi, ồ dân trường đó năng động lắm nha, giỏi giang lắm nha. Chỉ biết cười trừ không biết nói gì. Vì thời đó tôi thấy mình chả có tí gì giống vậy. Vì biết nhiều đứa bạn của tôi cũng trầm hiền im im. Toàn bọn không biết cách thể hiện bản thân, cũng chưa biết vì sao mình rơi xuống trái đất. Vẫn nhiều trăn trở đời sinh viên. Vẫn sáng đạp xe lên giảng đường, ăn mì gói, bánh mì, cơm bụi. Phát tờ rơi, phụ bàn, dạy thêm, mưu sinh lăn lộn với cuộc sống.
Học Ngoại thương là ngỡ ngàng nhận ra một sự thật phũ phàng rằng mình chả học được gì nhiều. Cả thời sinh viên, tôi thấy mình nếu có tiến bộ chút nào thì phần lớn là do chơi chung với bọn bạn giỏi giang cần cù. Ai đã học qua Ngoại thương rồi đều biết rằng danh tiếng của trường có được không phải nhờ vào chất lượng đào tạo, mà chủ yếu là từ sinh viên. Điểm đầu vào cao, thì bản thân sinh viên đã giỏi sẵn, chẳng đào tạo nhiều thì chúng vẫn cứ tự vươn lên thành công trong cuộc sống.
Học Ngoại thương là mỗi khi ai đó nói sinh viên Ngoại thương chảnh hay tự tin quá mức thì muốn gân cổ lên cãi. Muốn nói rằng mình đây cũng Ngoại thương, có dám chảnh, có tự tin đâu. Vẫn sống bình lặng làm việc bình thường, nói năng lựa trước lựa sau sợ đụng chạm mất lòng. Vẫn nhiều lo sợ, vẫn mặc cảm tự ti, vẫn run khi đứng trước nhà tuyển dụng, vẫn đầy hoang mang lo lắng trên đường đời. Làm gì có vụ đóng cấp cái mác Ngoại thương lên người mà được quyền chảnh, được quyền ỷ lại.
Học Ngoại thương cũng là khi nghe tin sinh viên Ngoại Thương đòi lương tháng nghìn đô mới chịu đi làm thì tự hỏi liệu trường mình có đứa điên khùng dữ vậy sao ta. Thấy mấy đứa bạn khác toàn có đầu óc biết suy nghĩ thực tế mà. Tự hỏi xong rồi tiếp tục cắm mặt vào bàn giấy với mức lương vài triệu đồng một tháng.
Lớp đại học của tôi mỗi lần họp mặt vẫn cứ bảo nhau: "Thú thật với mày bốn năm ở trường mình tao thấy mình chả được cái gì. Chỉ được cái có chúng mày làm bạn." Thực ra đó không phải là lỗi của các thầy cô hay của ban giám hiệu, tôi biết các thầy cô cũng đã cố gắng hết sức trong khả năng của mình. Họ cũng mệt mỏi không kém vì những hạn chế trong hệ thống đào tạo.
Học Ngoại thương không quan trọng bằng tự học
Nhưng nếu em nào mười tám tuổi đến hỏi tôi có nên thi vào Ngoại thương không thì câu trả lời vẫn là có. Vì không vào Ngoại thương thì làm gì biết trường nào khác, so đi tính lại thì Ngoại Thương là tốt nhất trong khối kinh tế rồi. Vì vào trường mà có bọn bạn giỏi thì mình cũng được học hỏi theo.
Vì dân Ngoại thương, mỗi đứa một màu nhưng mà lại có một điểm chung. Đó là giờ bắt gặp ai cựu Ngoại Thương ở ngoài đời, tôi vẫn biết chắc rằng dù mình có thể thích không thích người đó, chơi được với họ hoặc không, nhưng sẽ luôn công nhận rằng họ sâu sắc, rằng họ có khả năng nhìn nhận vấn đề, họ làm được việc, và không "thiếu muối" vớ va vớ vẩn.
Có học Ngoại thương mới biết dù có tốt nghiệp trường gì đi chăng nữa, thì có rất nhiều người sau khi ra trường vẫn lạc lối chả biết đời mình sẽ đi đâu về đâu, và nhiều người khác không thể nào được gọi là thành công theo chuẩn mực thông thường.
Tôi kể cho cô bé đang mơ vào Ngoại thương nghe câu chuyện của mình, nói rằng ngay cả Harvard của Việt Nam còn thế, thì đừng trông chờ gì vào sự học ở các đại học khác. Tôi nói, học trường gì không hề quyết định sự thành bại của em. Điều quyết định rằng em có thành công khi ra đời hay không, đó là khả năng tự học.
Bốn năm đại học, điều hối tiếc lớn nhất của tôi là không chủ động tiếp thu kiến thức. Chỉ biết học theo chương trình của trường, học giỏi các môn ở trường là đủ. Mà quên đọc sách, quên tự học, quên đào sâu nghiên cứu những gì mình quan tâm. Ra trường ngơ ngác bến loạn. Kiến thức ở trường hầu như bỏ xó, phải học việc lại từ đầu, mà cái cần phải học nhiều nhất là kỹ năng xã hội.
Bốn năm đại học, điều hối tiếc thứ nhì là không làm nhiều. Không tham gia các câu lạc bộ sinh viên, không tổ chức chương trình, không biết chỗ nào để hoạt độ nguyện. Giờ ra trường rồi mới thấy vô số điều có thể làm lúc mình còn là sinh viên. Sau ra trường ngây ngây thơ thơ, phải vác mặt đi học lại những thứ ở trường không dạy.
Cho nên em mười tám tuổi ơi, kỳ tuyển sinh lần này nếu em đậu Ngoại thương, hay đậu đúng trường mình muốn, thì đừng vội cho đó là thành công. Nếu có đại học cũng đừng thất vọng. Không quan trọng là mình học trường gì, quan trọng là mình tự học thế nào. Thành công không hề ưu tiên những người dán mác Bách khoa, Kinh tế, Ngoại thương, hay du học.