Dạo bước trong khu phố Causeway Bay, du khách như đắm chìm trong một thế giới của sự xa hoa mà chỉ cần chạm tay vào những bức tường, bạn cũng có thể thấy mình như một tay chơi vung tiền nổi tiếng. Hay một đêm lạc chân vào Lan Kwai Fong, bất cứ ai cũng cảm thấy rõ nhịp sống của giới trẻ đầy đam mê và sôi động như cuốn họ đi theo trong ánh đèn và bia rượu. Cả thành phố gần như không ngủ trong đêm, dù ngày thường hay cuối tuần.
Chắc chỉ có ở đó: hương cảng Hong Kong, thiên đường mua sắm, "con rồng châu Á", vùng đất của những tay chơi nhà giàu... hay bao danh xưng mĩ miều khác mà mọi gọi thành phố này chỉ để cho ta thấy: Hong Kong là mảnh đất của những người giàu.
Hong Kong, một thành phố phát triển bậc nhất châu Á.
Thành phố hoa lệ bậc nhất châu Á
Đến Hong Kong, điều đầu tiên đập vào mắt du khách là những tòa nhà cao ốc, sáng lóa khi mặt trời hắt rọi những tấm kính. Nơi đây đầy rẫy những Mcdonald's, Starbucks, Channel, Gucci hay bao thương hiệu mặt tiền đình đám khác. Nhiều người nói, tới Hong Kong, không đi shopping là một thiếu sót lớn của bạn.
Cơ sở vật chất là một phần phản ánh cuộc sống giàu có của đại đa số dân cư. Là một trong những trung tâm thương mại lớn nhất thế giới, không ngạc nhiên khi Hong Kong xếp hạng 4 về tỉ lệ triệu phú trên toàn thế giới.
Shopping và tiêu tiền là thú vui của nhiều người tại Hong Kong.
Đã từng có thời điểm, Hong Kong vượt qua Singapore về số lượng các triệu phú. Từ lâu, Hong Kong và Singapore vẫn luôn là hai "đối thủ" trong thị trường tài chính khổng lổ châu Á.
Phần lớn triệu phú tại Hong Kong là những tay tài phiệt đất đai cực phất, khi mỗi tấc đất ở Hong Kong quả thật là các tấc vàng. Đây là một trong những nơi có giá đất cao nhất thế giới. Năm 2013, đã từng có thương vụ mua bán nhà đất tại Hong Kong lên tới 103 triệu USD, một con số chưa từng có và khiến nhiều người phải ngả mũ thán phục. Đất tại khu trung tâm Hong Kong còn đắt đỏ hơn đại lộ Fifth của New York.
Nếu nhưngcon số về đất đai chưa đủ chứng minh cho sự giàu có của Hong Kong thì chắc bạn sẽ giật mình khi biết 8,5% dân số Hong Kong sở hữu khối lượng tài sản trị giá ít nhất 1 triệu USD (22 tỉ VND) và Hong Kong cũng có tỉ lệ tỉ phú vào hạng cao nhất thế giới.
Quả là không ngoa khi nói các con phố tại Hong Kong được dát vàng khi mỗi mặt tiền tại các khu phố chính đều tràn ngập các thương hiệu nổi tiếng. Hong Kong là nơi tập trung các thương hiệu sang trọng lớn nhất thế giới.
Dàn siêu xe của các đại gia Hong Kong.
Nhiều người thắc mắc giới giàu Hong Kong đang tiêu tiền vào đâu? Chắc chắn số tiền đó một phần được đổ vào những thứ đồ thương hiệu. Vượt qua Mỹ, Singapore hay nhiều khu vực khác, Hong Kong có tỉ lệ xe ô tô Rolls Royce trên đầu người cao nhất thế giới. Người ta còn gọi thành phố này với cái tên "thành phố bị ám ảnh bởi địa vị xã hội". Những câu lạc bộ xe hơi, câu lạc bộ của những "phú nhị đại" mọc lên như nấm, nơi họ được thỏa sức vung tiền trong một "cuộc đua" độ giàu không phải chỉ để chứng tỏ bản thân mà còn để khẳng định vị thế của thành phố họ đang sống.
Từ "lâu đài" cho tới "chuồng sắt"
Người ta đến những thành phố như Hong Kong, Singapore với mơ ước được đến Disney Land, được ngắm những tòa nhà cao chọc trời san sát hay một lần "mục sở thị" chiếc túi Gucci hàng xịn. Chẳng ai mảy may nghĩ xem, có bao người cũng đang ngắm nhìn những nơi đó nhưng từ một góc khác: một ghế đá công viên, một khu ổ chuột hay những căn nhà chưa đầy 10m2.
Khoảng cách giàu nghèo tại Hong Kong rất lớn và nằm trong hàng top của thế giới.
Cứ ba người già tại Hong Kong thì có một người phải sống trong cảnh nghèo đói.
Hong Kong được đánh giá là nơi có khoảng cách giàu nghèo cao nhất thế giới. Theo số liệu năm 2012, con số người sống trong mức nghèo khổ tại Hong Kong là 1,19 và sau gần 4 năm, số lượng đó đã tăng lên đáng kể.
Với nhiều người dân Hong Kong, cuộc sống của họ gắn liền với những ngôi nhà trong các chung cư cao cấp hay các tòa nhà chọc trời. Tuy nhiên, nếu không có mức nhu nhập cao hay ở mức trung bình so với mức sống đắt đỏ ở Hong Kong, bạn sẽ sống ở đâu?
Trong những "cũi sắt", đó là câu trả lời.
Những "lồng sắt" dành cho người tại Hong Kong.
Người đàn ông làm nghề bán thịt, Leung Cho-yin, 67 tuổi này phải trả khoảng hơn 2 triệu đồng một tháng để sở hữu một "nơi ở" mà nhìn thoáng qua trông khác gì một cái chuồng nhốt thỏ, được đặt trong những khu chung cư sập xệ bậc nhất Hong Kong dành cho người lao động. Những chiếc "chuồng" được đặt chồng lên nhau với chiều dài 1,8m và chiều rộng chưa đầy 1m.
Ông chỉ là một trong số hàng nghìn người Hong Kong phải sống trong những nơi như vậy. Họ không có lựa chọn nào khác và việc phải "sống sót" tại đây buộc họ phải sống trong những "căn hộ" bằng sắt này. Với giá cả ngày càng leo thang ở Hong Kong, những người nghèo phải chấp nhận cuộc sống trong những khu nhà ở mà không ai nghĩ lại xuất hiện ở thành phố hoa lệ như Hong Kong.
Khuôn mặt đầy u buồn của người đàn ông giữa thành phố hoa lệ.
Những căn phòng siêu nhỏ là nơi sinh hoạt cho cả gia đình.
Theo ước tính, tại Hong Kong, cứ ba người già lại có một người phải sống trong cảnh nghèo đói. Năm 2014, có khoảng 1,3 triệu người Hong Kong sống trong cảnh nghèo khó, trong khi dân số của thành phố này chỉ đạt hơn 7 triệu. Với những người không đủ tài chính để thuê "chuồng cũi", họ phải lang thang ở các con phố và chọn các quầy ATM hay bên ngoài các khu thương mại làm chỗ ngủ.
Tới Hong Kong, nếu bạn muốn nhìn thấy bức tranh tối của thành phố, các quận như Sham Shui Po, Kwai Tsing hay Kwun Tong là nơi có tỉ lệ nghèo đói cao nhất. Phần lớn người dân tại các quận này là dân lao động nghèo với các công việc phổ thông.
Người nghèo ở Hong Kong thậm chí còn phải ngủ ngoài đường.
Với những nước đang phát triển, câu chuyện giàu nghèo vẫn là vấn đề muôn thủa; nhưng ở những thành phố giàu bậc nhất thế giới, bức tranh tối tranh sáng như khiến người xem chạnh lòng hơn bao giờ hết. Đằng sau những cửa hàng kính sáng loáng là những người lao công miệt mài lau dọn mỗi tối, đằng sau những bữa ăn sang trọng còn thừa là những khuôn mặt nhợt nhạt vì đói ăn, đang chờ bên ngoài khu đổ rác của nhà hàng.
Và đằng sau nụ cười của những giới thượng lưu Hong Kong là khuôn mặt đượm buồn của tầng lớp lao động mà cuộc sống bần hàn không bao giờ có hồi kết.