Trước Đức Chinh, hậu vệ Vũ Văn Thanh cũng từng đối mặt với căn bệnh tim quái ác khi còn làm cầu thủ trẻ ở lò đào tạo HAGL Arsenal JMG. Ông Vũ Văn Hộ, bố Văn Thanh, chia sẻ rằng Văn Thanh phải uống thuốc đặc biệt trong suốt 3 năm và chính thức khỏi bệnh vào năm 2013. Giờ đây, anh hoàn toàn khoẻ mạnh và được xem là cầu thủ có thể lực sung mãn bậc nhất của CLB. Ảnh: Hiếu Lương.
Đỗ Merlo là đồng đội với Đức Chinh ở CLB Đà Nẵng mùa giải 2017 – 2019. Năm 2018, Merlo được chẩn đoán mắc bệnh về tim và bỏ lỡ V.League trước 5 vòng đấu. Cầu thủ nhập tịch này về quê nhà Argentina điều trị sau đó trở lại Việt Nam thi đấu vào mùa giải 2019. Anh từng 2 lần vô địch, 4 lần đoạt danh hiệu vua phá lưới V.League. Ảnh: Hiếu Lương.
Tiền vệ Nghiêm Xuân Tú phải tiến hành phẫu thuật cắt bỏ đại tràng vì ung thư năm 2010 khi mới 22 tuổi. Anh sau đó phải làm nhiều nghề, gồm cả đi đá “phủi”. Khi giấc mơ bóng đá chuyên nghiệp tưởng chừng đã hết thì đến năm 2013, Xuân Tú được HLV Mai Đức Chung gọi về CLB Thanh Hoá thử việc, mở ra một chân trời mới. Xuân Tú giờ đã thi đấu 5 năm cho CLB Quảng Ninh, từng được gọi lên đội tuyển Việt Nam và sang Đức thử việc ở một số CLB. Ảnh: Hiếu Lương - FB Nghiêm Xuân Tú.
VĐV Taekwondo Hoàng Hà Giang qua đời vào năm 2015 khiến thể thao Việt Nam mất đi một tài năng lớn. Năm 2006, Hà Giang giành HCB ASIAD 2006 tại Qatar ở tuổi 15. Thế nhưng, khi sự nghiệp đang lên, cô được phát hiện mắc bệnh lupus ban đỏ và phải giải nghệ ở tuổi 17. Ngày 7/12/2015, Hà Giang qua đời sau ca phẫu thuật viêm ruột vì sức đề kháng yếu khi phải điều trị hai căn bệnh cùng một lúc. Ảnh: SGGP.
Đô vật Lê Thị Huệ sinh năm 1979. Năm 2003, cô giành HCV hạng 55 kg ở Giải VĐQG và được coi là niềm hy vọng vàng của vật Việt Nam tại SEA Games 22 trên sân nhà. Tháng 5 năm đó, bi kịch đến với Huệ trong quá trình chuẩn bị, cô ngã cắm đầu xuống thảm và bị chấn thương cột sống, dập tuỷ sống dẫn tới liệt tứ chi. Cuộc đời của Lê Thị Huệ từ đó gắn liền với chiếc xe lăn trong suốt phần đời còn lại. Ảnh: TCTDTT.
VĐV đá cầu Nguyễn Huyền Trang từng giành hai HCV tại SEA Games 22 và hai HCV thế giới năm 2005 và 2007. Năm 2015, cô được thông báo mắc ung thư vú cấp độ 4 và đã di căn vào xương khiến đôi chân bị liệt. 3 năm sau, tế bào ung thư di căn sang não. Cô qua đời vào ngày 23/7/2018. Ảnh: K.N.
Võ sĩ boxing Vũ Thị Thuỳ Dung sinh năm 1998. Khi sự nghiệp đang ở giai đoạn đỉnh cao, Thuỳ Dung nhận tin dữ, cô mắc bệnh tắc tĩnh mạch toàn thân và phải cắt bỏ phần cẳng chân phải vì hoại tử. Chưa dừng lại ở đó, Thuỳ Dung có mắc bệnh sùi van tim hai lá, khiến việc điều trị ngày càng khó khăn. Ảnh: Iron Battlefield.
VĐV cầu lông Lee Chong Wei được xem là huyền thoại của thể thao thế giới với 69 danh hiệu lớn nhỏ sau 19 năm thi đấu. Năm 2018, anh được chẩn đoán bị ung thư mũi ở tuổi 36. Ngày 13/6/2019, Lee Chong Wei tuyên bố giải nghệ trong nước mắt: "Sau khi nhận kết quả tư vấn của bác sĩ, tôi hiểu bản thân không còn đủ thể lực để thi đấu đỉnh cao nữa". Ảnh: The Star - AP.
Cựu hậu vệ Eric Abidal được chẩn đoán bị ung thư gan khi còn khoác áo CLB Barcelona năm 2011. Anh phải cắt bỏ một phần lá gan. Điều kỳ diệu xảy ra khi anh trở lại thi đấu chỉ sau 3 tháng, cùng CLB của Tây Ban Nha đánh bại Manchester United trong trận chung kết UEFA Champions League năm đó. Ảnh: Daily Mail.
Cựu tiền vệ Arjen Robben bị ung thư tinh hoàn năm 2004 khi mới 20 tuổi. May cho tiền vệ chạy cánh người Hà Lan là căn bệnh được phát hiện sớm. Robben sau này trở thành một trong những cầu thủ xuất sắc nhất thế giới trong màu áo Bayern Munich (Đức). Ảnh: Getty Images.
Sau trận thua 1-4 trước Sài Gòn FC chiều 15/3, HLV Lê Huỳnh Đức (CLB Đà Nẵng) chia sẻ: "Đức Chinh đang bị siêu vi B. Theo khuyến cáo của bác sĩ, anh ta không thể chơi bóng được. Nếu đá thì rất nguy hiểm, có thể ảnh hưởng tới tính mạng.
Men gan của Đức Chinh rất cao, cao tới mức mà tôi cũng không nghĩ có thể thế được. Bác sĩ nói Đức Chinh không được chơi bóng lúc này, và có thể phải mất rất lâu nữa cậu ấy mới có thể trở lại. Bệnh của Đức Chinh là bẩm sinh. Bác sĩ không cho phép thì tôi không đưa vào".