Mới đây, một bài đăng của cô gái tâm sự có mức lương 16,5 triệu đồng, nhưng không tháng nào xài hết tiền đã thu hút sự chú ý.
Cụ thể, hàng tháng, cô gái này có thể tiết kiệm được 60 - 70% từ thu nhập do ít ăn ngoài, hạn chế mua quần áo và mỹ phẩm, đồng thời đang ở ghép cùng bạn. Khi đi làm, cô chỉ biết dùng tiền nhàn rỗi để gửi tiết kiệm vào ngân hàng và mua vàng.
Tuy nhiên, gần đây cô gái đã bị trộm mất 3 chỉ vàng và điện thoại. Từ trải nghiệm này, cô gái không dám mua vàng nữa. Thế nhưng, cô lại băn khoăn vì giờ không biết nên dùng tiền nhàn rỗi để làm gì. “Liệu em có nên đăng ký học gì đó, gửi tiền về quê hay như nào ạ? Thật sự ngoài công việc ra em không biết gì cả" - là lời bộc bạch của cô nàng này khi loay hoay tìm cách dùng tiền dư hàng tháng.
Bài đăng đã dấy lên cuộc thảo luận: Bên cạnh để dành tiết kiệm, người trẻ ngoài độ tuổi 20 có thể đầu tư như thế nào để sinh lời từ thu nhập?
Câu hỏi này càng nhận được nhiều quan tâm với người trẻ có mức lương 15 - 20 triệu đồng. Bởi từ mức thu nhập này, nhiều người đã bắt đầu có thể tính đến chuyện đầu tư sau khi lo toan được các chi phí của cuộc sống.
Thế nhưng “Đầu tư từ đâu?” vẫn là câu hỏi nan giải của nhiều người trẻ.
Ảnh minh hoạ
Thu Hằng (23 tuổi, Hà Nội) là một trong số đó. Đến thời điểm hiện tại, cô nàng đang có hơn 300 triệu đồng tiết kiệm nhờ bắt đầu đi làm từ năm nhất Đại học. Cụ thể từ mức lương thời thực tập sinh là 2 triệu đồng, tăng dần lên 20 triệu đồng, cô gái đã có 330 triệu đồng nhờ luôn để dành hơn 50% từ tiền lương hàng tháng.
Tuy nhiên, phải đến khi gần đây tìm hiểu về kiến thức tài chính, cô mới nhận ra nếu để hết tiền tiết kiệm vào ngân hàng thì không khác gì “tiền chết”.
Thu Hằng chia sẻ quan điểm: “Mình muốn đi đầu tư nhưng không biết bắt đầu từ đâu. Đầu tư chứng khoán hay đất đai thì quá ít và không có nhiều kiến thức. Tính đến chuyện nghỉ hưu sớm hay xây nhà thì càng không thấm vào đâu.
Trong dự tính gần nhất, có lẽ sau khi rút hết tiền tiết kiệm, mình sẽ dùng chúng để đi đầu tư, hoặc dành một phần để học nâng cao kiến thức".
Cùng chung hoàn cảnh là Nguyễn Dũng (21 tuổi, Hà Nội) đang có mức lương 15 triệu đồng/tháng. Chàng trai tâm sự ngoài chi tiêu cho sinh hoạt phí, lâu lâu mua đồ tặng bố mẹ và gửi tiết kiệm, thì anh chàng không biết… làm sao để tiêu hết tiền hàng tháng!
Nguyễn Dũng cho hay: “Nhiều khi với dòng tiền nhàn rỗi, mình không biết nên đầu tư hoặc làm gì với chúng để sinh lời tốt nhất. Số tiền mình đang có không lớn cũng không nhỏ, và chẳng biết xin ý kiến từ ai về cách xài tiền.
Muốn đầu tư cổ phiếu, chứng chỉ quỹ nhưng không biết bắt đầu từ đâu, đọc thị trường như thế nào. Khởi nghiệp từ mở quán nước, mua bất động sản lại càng là một mảng đầy mơ hồ”.
Ảnh minh hoạ
Khi nhắc đến câu chuyện đầu tư từ khi còn trẻ, Giám đốc điều hành của Blue Ocean Global Wealth ở Gaithersburg cho biết: “Tôi muốn nói với bản thân hồi trẻ rằng: Thật tuyệt khi bạn đang làm việc và gửi tiền tiết kiệm, nhưng hãy chắc chắn rằng bạn hiểu sự khác biệt giữa tiết kiệm và đầu tư. Bạn xây dựng sự giàu có bằng cách đầu tư”.
Trong khi đó, Michael Gruen (Đồng sáng lập và Phó chủ tịch tài năng tại Talent X) từng nói rằng không bao giờ quá trẻ để bỏ tiền ra làm việc cho tương lai bằng cách đầu tư.
Học cách đầu tư đã trở thành bài học phổ biến của nhiều học sinh, sinh viên ở các nước phương Tây. Thế nhưng ở Việt Nam, nhiều người trẻ vẫn còn đang loay hoay tìm cách sinh lời với đồng tiền của họ, hoặc nhầm lẫn chỉ có đi làm mới có thể gia tăng thu nhập.
Dưới đây là 4 gợi ý cơ bản để bạn bắt đầu hành trình đầu tư để sinh lời từ đồng lương.
1. Đừng lãng quên sức mạnh của tiết kiệm
“Không bao giờ cho tất cả trứng vào một giỏ" - một bài học tài chính có lẽ đã được rất nhiều sách vở và bài báo trên mạng nhắc nhở chúng ta.
Chiếc giỏ an toàn nhất vẫn là các ngân hàng. Dù tỷ suất sinh lời thấp, tuy nhiên bạn vẫn cần giữ lại một khoản tối thiểu gửi ngân hàng để phòng ngừa rủi ro.
Theo nguyên tắc tài chính nổi tiếng 50/30/10, một cách lập ngân sách phổ biến và có thể áp dụng với tất cả mọi người là chia 50% dành cho nhu cầu, 30% dành cho mong muốn và 20% dành cho tiết kiệm. Sau khi đã có một khoản tiết kiệm, bạn có thể bắt đầu trích ra một phần lương (khoảng 10 - 20%) để đầu tư dần dần hàng tháng.
Ảnh minh hoạ
2. Học về chứng khoán
Ngày càng nhiều người trẻ chơi chứng khoán như cách để kiếm thêm thu nhập. Bên cạnh những bạn trẻ chốt lời, cũng nhiều người đã chấp nhận trả “học phí thương trường" để trở thành nhà đầu tư tài năng trong tương lai.
Có rất nhiều cách để bạn chơi chứng khoán một cách an toàn, ví dụ như mua cổ phiếu ở những công ty lớn và đáng tin cậy, thay vì hùn tất cả tiền của mình vào một công ty đầy rủi ro (rồi thắng đậm hoặc mất tất cả).
Hãy thử tìm kiếm “Khóa học chơi chứng khoán”, bạn sẽ tìm được không ít kết quả đáng tin cậy. Một khóa học chứng khoán sẽ giúp bạn có khả năng tự kiếm cho mình những đồng lãi có tỉ số cao hơn gửi tiết kiệm ngân hàng khá nhiều, và tới khi bạn thành thục, đây sẽ chính là “ngân hàng thứ hai” của bạn.
3. Đầu tư vào một cửa hàng kinh doanh nhỏ
Nhiều người thường nhầm lẫn mở một cửa hàng không khác gì thương hiệu. Thế nhưng thực tế khi đầu tư mở cửa hàng, số tiền bạn cần bỏ ra ít hơn rất nhiều khi xây dựng một thương hiệu. Đơn cử như kinh nghiệm của những người trẻ đã mạnh dạn đi khởi nghiệp, chi phí để mở một xe đẩy bán đồ ăn, thực phẩm… chỉ khoảng 20 - 30 triệu đồng.
Ảnh minh hoạ
Nói cách khác, từ số tiền 10-50% thu nhập hàng tháng, bạn hoàn toàn có thể tự mình vận hành một cửa hàng kinh doanh nhỏ. Hoặc nếu chưa đủ tự tin, hãy thử xin cùng đầu tư chung với những người đang có ý định mở cửa hàng riêng, và đóng góp thêm vào cửa hàng bằng công việc chuyên môn của mình. Đó là marketing, vận hành hay kế toán thì tùy thuộc ở bạn – miễn rằng đó là một công việc “part-time” không thay đổi quá nhiều đến công việc thường ngày của bạn, thì đó việc đáng làm.
4. Đừng quên đầu tư nâng cao bản thân
Đầu tư cho bản thân cũng là một khoản đầu tư sinh lời cực cao. Trong quá trình tìm kiếm cách nào nhanh chóng để hái ra tiền, bạn cần không ngừng nâng cao kiến thức chuyên môn, chăm sóc sức khỏe để tạo bước đà cho sự nghiệp. Đầu tư vào bản thân, nếu được kết hợp với đủ chăm chỉ và bền bỉ sẽ trở thành khoản đầu tư thu lại lợi nhuận lớn nhất cho tương lai.