Từ câu chuyện về thuốc lá đến sức mạnh "che mờ mắt dư luận" của các doanh nghiệp trên thế giới

Thiên Dung, Theo Trí Thức Trẻ 00:00 01/11/2016

Bạn có biết, trong quá khứ có những tập đoàn đã chủ tâm che giấu những sự thật khủng khiếp để đạt được mục đích không?

Năm 1979, một văn bản thuộc dạng tuyệt mật của ngành sản xuất thuốc lá đã bị phơi bày trước công chúng. Nó đã cho chúng ta biết những sự thật chấn động về các chiến dịch che lấp thông tin đến người tiêu dùng.

Sự thật trong những chiến dịch marketing thuốc lá đến người dùng chính là: truyền bá những thông tin sai sự thật để bán được sản phẩm, mặc kệ sức khỏe người tiêu dùng.

Ngành công nghiệp thuốc lá và thứ ẩn sau nó

Văn bản này đã thu hút sự chú ý của Robert Proctor - một nhà khoa học thuộc ĐH Stanford (Mỹ). Ông đã tiếp tục tìm kiếm, đào sâu hơn vào các hoạt động trong ngành công nghiệp thuốc lá, và tìm hiểu xem họ đã gieo rắc những ý niệm sai lầm "công dụng" của hút thuốc lá như thế nào.

Proctor đã nhận ra rằng các doanh nghiệp thuốc lá không muốn khách hàng biết đến tác hại của sản phẩm của mình, và họ đã bỏ ra hàng tỷ đô la để che giấu đi sự thật này. Những nghiên cứu của Proctor đã dẫn đến việc tạo ra một lĩnh vực học thuật mới về sự chủ tâm che giấu thông tin: agnotology (tạm dịch là "mờ mắt hóa", hoặc... ngu muội hóa).

Từ câu chuyện về thuốc lá đến sức mạnh che mờ mắt dư luận của các doanh nghiệp trên thế giới - Ảnh 1.

Từ Agnotology có nguồn gốc từ 2 phần, agnosis – một từ Hi Lạp cổ mang nghĩa là "sự ngu dốt", và một phần kia là otology – một nhánh của chủ nghĩa siêu hình chuyên nghiên cứu về bản chất của sự việc. Agnotology là ngành nghiên cứu về phương thức tuyên truyền sự bất an và giả dối, thường dùng để bán một món hàng hoặc để giành được sự yêu thích.

"Tôi đã nghiên cứu về việc các ngành công nghiệp có thể mạnh như thế nào khi gieo rắc những thông tin sai lệch để bán được sản phẩm. Thông tin là sức mạnh... và agnotology chính là lĩnh vực nghiên cứu về sự chủ ý tạo ra thông tin sai lệch sự thật" – Proctor cho biết.

Từ câu chuyện về thuốc lá đến sức mạnh che mờ mắt dư luận của các doanh nghiệp trên thế giới - Ảnh 2.

Có hẳn một lĩnh vực khoa học mang tên "ngu muội hóa"

Những văn bản chiến lược năm 1969 của ngành công nghiệp thuốc lá trở thành một minh chứng hoàn hảo cho sự "ngu dốt hóa".

Theo Proctor: "Bạn thiếu thông tin không hẳn là vì bản thân không chịu tìm hiểu, mà đó còn là một mánh khóe được cố ý tạo ra bởi những người có sức ảnh hưởng lớn - những người lúc nào cũng muốn bạn chẳng biết gì cả."

Nghệ thuật cân bằng

Proctor giải thích rằng thông tin sai có thể được nguỵ trang dưới dạng những cuộc tranh luận khách quan và cân bằng.

Có thể lấy ví dụ trong ngành công nghiệp thuốc lá: họ sử dụng khoa học - một yếu tố khách quan - để khiến cho sản phẩm của họ trông có vẻ vô hại.

Những doanh nghiệp bán thuốc lá có cái cớ để cho rằng một vấn đề lúc nào cũng có 2 mặt, và "sự phản đối của chuyên gia" đã đưa ra một cái nhìn sai lầm về sự thật.

Từ câu chuyện về thuốc lá đến sức mạnh che mờ mắt dư luận của các doanh nghiệp trên thế giới - Ảnh 3.

Con người đã bị che mắt suốt bấy lâu

Nhiều nghiên cứu đưa ra mối quan hệ giữa các chất có trong thuốc lá gây ra ung thư ở chuột. Còn ngành công nghiệp thuốc lá phản hồi bằng cách cho rằng nghiên cứu trên chuột không có nghĩa là con người đang bị đe dọa, mặc kệ sự thật là những người hút thuốc đang phải gánh chịu những hậu quả khôn lường.

Proctor nhận ra, thông tin sai lệch được truyền đi nhanh hơn dưới 2 điều kiện sau: thứ nhất, quá nhiều người không hiểu được bản chất vấn đề. Và thứ hai, khi một số thành phần đặc biệt như bộ phận marketing của hãng thuốc lá chẳng hạn, làm việc cật lực để tạo ra những hiểu lầm về một chủ đề nào đó.

Điều này khiến nhiều người nghĩ đến công bố gây sốc về đường trước đó. Cụ thể, nhà sản xuất đường đã "đi đêm" với các chuyên gia của Harvard nhằm che giấu tác động xấu của đường lên sức khỏe con người.

Từ câu chuyện về thuốc lá đến sức mạnh che mờ mắt dư luận của các doanh nghiệp trên thế giới - Ảnh 4.

Vào thập niên 1950, nhiều nhà sản xuất đã nghi ngờ rằng đường và chất béo là thủ phạm gây ra bệnh tim mạch vành, với rất nhiều bằng chứng thực tế.

Thế nhưng, giám đốc nghiên cứu của Hiệp hội nghiên cứu đường - John Hickson đã "đi đêm" với 2 nhà nghiên cứu D. Mark Hegsted và Robert McGandy bằng một khoản đầu tư lên tới 6.500 USD (có giá trị tương đương gần 50.000 USD thời điểm hiện tại).

Từ câu chuyện về thuốc lá đến sức mạnh che mờ mắt dư luận của các doanh nghiệp trên thế giới - Ảnh 5.

Nhiều người từng tin rằng, cách duy nhất để tránh bệnh tim mạch là loại bỏ chất béo chứ không phải đường.

Kết quả, dự án đã đưa ra kết luận cholesterol mới là thủ phạm gây nên những căn bệnh về tim mạch chứ không phải đường mía. Cách duy nhất để tránh bệnh tim mạch là loại bỏ chất béo bão hòa trong khẩu phần ăn chứ không phải đường.

Và thế là, người người tin theo chế độ ăn ít béo, nhiều đường để rồi lượng người béo phí và tiểu đường ngày càng tăng.

Quyết định là của chúng ta

Một nhà nghiên cứu khác tên là David Dunning từ ĐH Cornell, đã cảnh báo rằng mạng internet đang góp phần lan truyền những tin đồn thất thiệt. "Internet là một nơi mà mọi người đều có cơ hội trở thành một chuyên gia, điều đó khiến họ lan truyền các thông tin sai lệch để thỏa mãn nhu cầu được chú ý" – David nói.

Cũng theo David: "Trong khi một số người thông minh có thể sẽ thu thập được nhiều kiến thức chỉ với một cái click chuột, phần lớn người còn lại sẽ bị dắt mũi vào những khái niệm sai lầm. Điều khiến tôi lo lắng không phải chúng ta không có khả năng tự quyết định, mà là chúng ta tự quyết định một cách quá hời hợt".

Vậy thì phải làm sao? Câu trả lời là thật tỉnh táo. Những thông tin được lan truyền trên mạng đều chưa được kiểm chứng. Có thể rất ít cơ sở khoa học, thậm chí là do ai đó... bịa ra.

Vì vậy, hãy quyết định một cách dứt khoát khi tiếp nhận một thông tin nào đó. Đánh giá xem nguồn tin có thực sự đáng tin cậy, và học cách tìm bằng được cơ sở khoa học để chứng minh thông tin nếu như bạn cho nó là đúng.

Nguồn: BBC