Từ bỏ công việc ổn định, cô gái ở nhà làm búp bê và ấp ủ giấc mơ mở triển lãm

Hải My/ Thiết kế: Thành Đạt, Theo Trí Thức Trẻ 09:33 12/09/2022
Chia sẻ

Từ những bé búp bê đất sét thủ công, Sương Ngọc đã kể vô vàn câu chuyện thú vị, lưu giữ những kỉ niệm đặc biệt của mỗi người.

Búp bê hay còn gọi thân thương với tên cúp bế là món đồ chơi yêu thích của trẻ con, đặc biệt là những bé gái. Chẳng thể chạy vèo vèo như ô tô đồ chơi bằng điện, muốn chơi búp bê, tụi nhỏ phải điều khiển bởi bộ máy "chạy bằng cơm". Thế nhưng đôi khi, chỉ cần đứng im một chỗ, những bé búp bê vẫn mang đến sức hút riêng khiến ai nhìn cũng thích.

Mà chẳng cứ trẻ con, người lớn cũng mê mẩn món đồ chơi này, nhiều lúc chỉ mua về để trưng bày, để ngắm thôi cũng thấy vui. Tuy nhiên với Ngọc Sương lại khác, cô nàng mê mẩn những em bé búp bê xinh xắn và muốn tạo ra phiên bản đặc biệt cho món đồ chơi ngày bé của mình. Cũng từ đây, Sương Ngọc mày mò, tự làm búp bê bằng đất sét và kiếm được tiền từ niềm đam mê của tuổi thơ này.

Từ bỏ công việc ổn định, cô gái ở nhà làm búp bê và ấp ủ giấc mơ mở triển lãm - Ảnh 1.

Sương Ngọc - cô gái có niềm đam mê làm búp bê bằng đất sét

Từ bỏ công việc ổn định để theo đuổi đam mê

Sương Ngọc hiện đang sinh sống và làm việc tại TP.HCM, được nhiều bạn trẻ biết đến với sản phẩm như búp bê, tượng làm từ đất sét. Trước đó, Sương Ngọc tốt nghiệp chuyên ngành thiết kế đồ họa của trường Đại học Mỹ thuật TP.HCM. Ngay sau khi ra trường, cô nàng đã có công việc ổn định, làm về thiết kế, vẽ minh họa đúng với ngành học của mình.

Nói về tình yêu với búp bê, Sương Ngọc cho biết từ nhỏ đã rất thích món đồ chơi này nhưng khi lớn hơn thì vô tình bẵng quên chúng. Tuy nhiên trong một lần bắt gặp hình ảnh những bé búp bê xinh xắn trong một cuốn tạp chí, niềm đam mê của Sương Ngọc trỗi dậy khiến cô quyết định "nâng cấp" cho món đồ chơi này. Còn năng khiếu hội họa, cô nàng cho hay đã có từ bé, thậm chí còn sớm kiếm ra tiền nhờ vẽ tranh đi bán.

"Bước ngoặt của mình có lẽ là vào khoảng thời gian dịch năm 2021. Khi đó mình nghỉ hẳn công việc đang làm, dành nhiều thời gian hơn để tập luyện nặn đất sét, điêu khắc. Những sản phẩm đầu tay mình đăng tải trên trang cá nhân và một số hội nhóm được mọi người hưởng ứng rất nhiều. Từ đó mình mới thành lập một trang riêng nhưng cũng chỉ nghĩ là nơi chia sẻ, giao lưu. Không biết có duyên hay sao, mình được nhiều người đặt hàng và mình cứ thế cuốn vào làm nên cũng 'quên' luôn bản thân phải đi tìm việc mới cho đến tận bây giờ", Sương Ngọc chia sẻ.

Từ bỏ công việc ổn định, cô gái ở nhà làm búp bê và ấp ủ giấc mơ mở triển lãm - Ảnh 2.

Những bé búp bê được Sương Ngọc tỉ mỉ tạo nên từ đất sét

Sau khi từ bỏ công việc ổn định, Sương Ngọc hiện đang là chủ một tiệm hàng online, nhận tạo hình búp bê, tượng bằng đất sét theo yêu cầu. "Thời gian đầu, vì dịch mà nghỉ làm nữa, mình cũng gặp chút khó khăn về tài chính. Nhưng trộm vía, mình có những người khách dễ thương, bạn bè và người thân cũng ủng hộ nhiệt tình nên mình cứ từng bước, từng bước hoàn thiện. Và cũng thật may mắn mình đã không bỏ cuộc giữa chừng", cô nàng thở phào nói.

Mỗi bé búp bê đều là phiên bản giới hạn, chứa đựng một câu chuyện riêng

Búp bê bằng đất sét, nghe thôi cũng có thể mường tượng ra quá trình làm tỉ mỉ, kì công cỡ nào. Thông thường, với những mẫu đơn giản, Sương Ngọc sẽ mất từ 1 - 2 tuần để hoàn thiện. Còn với những bé búp bê yêu cầu cao hơn với nhiều chi tiết hoặc những bộ sưu tập tự sáng tác, thời gian có thể sẽ kéo dài từ 3 - 4 tuần cho tới vài tháng. Cũng chính vì vậy mà một tháng Sương Ngọc chỉ nhận làm nhiều nhất là 10 sản phẩm, còn lại cô dành cho việc sáng tác.

Để hoàn thiện một tác phẩm cần trải qua nhiều công đoạn cầu kì, tỉ mẩn từng chi tiết

Để có một "em bé cúp bế" hoàn chỉnh gửi đến người đặt, Sương Ngọc phải trải qua rất nhiều công đoạn. Từ việc lên ý tưởng, phác thảo ra giấy sau đó mới lên khung, nặn hình, vẽ màu và lắp ráp các chi tiết. Bên cạnh đó, Sương Ngọc còn dày công trong việc tìm nguyên liệu để làm phụ kiện, trang phục cho các bé búp bê để giống thật nhất có thể. Tất cả các bước đều được cô nàng thực hiện thủ công khiến ai nhìn cũng trầm trồ, ngưỡng mộ.

Tuy nhiên, điều quan trọng nhất và cũng là khó nhất đối với cô không phải tìm ra phong cách riêng mà là làm thế nào thổi được cái hồn vào trong từng sản phẩm. Cô nói: "Mình nghĩ việc tạo ra một tác phẩm có cảm xúc thật sự rất khó. Một tác phẩm đẹp chưa chắc có hồn, nhưng tác phẩm có hồn đem lại cảm xúc cho người nhìn thì với mình, cỡ nào nó cũng đẹp. Nên nhiều lúc làm xong rồi đập đi làm lại mấy lần là chuyện thường".

Đôi lúc, Sương Ngọc sẽ tạo những video hoạt hình tĩnh vật từ chính những tác phẩm của mình

Sương Ngọc cũng cho biết thêm, trước khi bắt tay vào làm, cô phải dành thời gian để trò chuyện, lắng nghe tâm sự của mỗi người: "Các bạn ấy sẽ gửi cho mình 1 tấm hình để mình dựa vào đó tạo nên búp bê đất sét. Nhưng mình sẽ hỏi chuyện thêm để hiểu rõ hơn về sở thích, tính cách của mẫu cần làm. Như vậy mình mới gửi gắm được trọn vẹn tinh thần, câu chuyện mà họ muốn kể qua các bé búp bê.

Có thể nói, mình chỉ là người thông qua từng câu chuyện, từng kỉ niệm mà nặn ra mỗi em bé khác nhau. Mỗi bé đều sẽ là một phiên bản duy nhất mà mình tỉ mỉ đặt tâm huyết vào. Dù có nói mình làm lại 1 tác phẩm cũng có thể giống y hệt được, tất cả đều có một câu chuyện riêng hết đó.

Và có lẽ, được nghe những câu chuyện của mọi người là điều khiến mình muốn gắn bó với công việc này. Mình có thể ngồi tỉ mẩn làm búp bê ngày đêm không chán. Chưa kể, mình cũng học được cách nhẫn nại, bớt nóng tính hơn".

Từ bỏ công việc ổn định, cô gái ở nhà làm búp bê và ấp ủ giấc mơ mở triển lãm - Ảnh 7.

Sương Ngọc dựa vào những bức ảnh, câu chuyện có thật để tạo nên các "em bé cúp bế"

Ấp ủ ước mơ mở triển lãm để kể thật nhiều kỉ niệm của những con búp bê đất sét

Ngắm một vòng những sản phẩm của Sương Ngọc, nhiều người nhận thấy cô nàng tạo hình nhiều cặp đôi, cô dâu - chú rể cực dễ thương, ngập tràn sự hạnh phúc, tích cực. Tuy vậy cô nàng lại bật mí có rất nhiều người tìm đến với mong muốn lưu giữ lại kí ức, kỉ niệm về một người thân, một con vật đã mãi mãi đi xa.

"Có một lần, chị khách nhắn gửi rằng muốn làm hình về người mẹ đã mất của chị ấy. Sau khi làm xong, mình lại có thêm một vị khách khác với câu chuyện y hệt về người mẹ đã khuất. Hỏi ra mới biết, người đặt đơn hàng sau lại chính là em gái của chị khách kia. Lúc mình cảm thấy xúc động lắm! Cảm giác bản thân mình đang tạo ra những giá trị tinh thần cho mọi người, giúp họ có thể giữ những kí ức quý giá nhất. Với những yêu cầu đặc biệt như vậy, mình đặt rất nhiều tình cảm vào trong quá trình làm. Có vui, có hạnh phúc nhưng cũng có chút buồn, rưng rưng", Sương Ngọc kể.

Mỗi tác phẩm là một câu chuyện riêng

Ngoài những câu chuyện của người lạ, Sương Ngọc cũng gói những tâm sự của mình vào các bộ sưu tập. Mới đây nhất, cô cho ra mắt bộ sưu tập "To the moon - we are not alone" (Tạm dịch: Đặt chân đến mặt trăng, chúng ta không cô đơn) với nhiều mẩu chuyện nhỏ, xoa dịu những tâm hồn cần được yêu thương. Mục đích của cô là ai đó khi nhìn vào những "em bé cúp bế" của mình có thể thấy vui, hạnh phúc, tràn đầy năng lượng tích cực.

Đó cũng chính là ước mơ trong tương lai của Sương Ngọc. Thay vì mong muốn mở một cửa hàng để kinh doanh, cô lại ấp ủ tạo một không gian trưng bày hay triển lãm để mọi người có thể đến ngắm và trò chuyện.

Từ bỏ công việc ổn định, cô gái ở nhà làm búp bê và ấp ủ giấc mơ mở triển lãm - Ảnh 9.

Sương Ngọc ấp ủ mở một triển lãm nhỏ để có thể trưng bày tất cả các sản phẩm của mình

"Trước nhất mình muốn có đủ sức và ý tưởng để làm nên nhiều tác phẩm đẹp, câu chuyện ý nghĩa lan tỏa tới nhiều người hơn. Ngoài ra mình cũng sẽ cố gắng tìm một chất liệu mới mà mình có thể chủ động được trong mọi tình huống. Còn xa hơn nữa, mình mong có thể mở triển lãm nhỏ, mình sẽ kể thật nhiều câu chuyện về các em bé của mình cho mọi người nghe. Vả lại, mình còn nhiều cái hẹn gặp mặt với khách hàng đã đặt búp bê của mình lắm mà chưa thực hiện được. Nên một không gian trưng bày hẳn sẽ rất hợp lý", Sương Ngọc nói.

Ảnh: NVCC

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày