Từ bê bối Seungri đến chuyện phạt 200.000 tội sàm sỡ: Chúng ta đang làm cái gì với phụ nữ vậy?

SKYE, HLWD | DESIGN: Nhật Ánh, Theo Helino 15:49 20/03/2019

Thời điểm #Metoo manh nha ở châu Á, nhiều người chưa thực sự hiểu tại sao lại cần đến phong trào này. Trước scandal bê bối tình dục chấn động làng giải trí Hàn Quốc, người ta nhận ra rằng khi đâu đó vẫn có những người coi xâm hại tình dục là việc bình thường, #Metoo không còn là một dòng hashtag vui đùa trên mạng xã hội.

Xuyên suốt câu chuyện nhiều ngày qua trong bê bối của Seungri đang gây chấn động Hàn Quốc, người ta vẫn không khỏi ám ảnh với một câu nói của ông Lee Moon Ho - CEO hộp đêm Burning Sun, người cùng hợp tác làm ăn với Seung Ri.

"Nếu loạt tin nhắn của Seungri vào 3 năm trước là phạm pháp, thì không phải tất cả đàn ông Hàn Quốc đều là tội phạm hay sao?"

Chưa hết, ông Lee Moon Ho còn ngạo nghễ lớn tiếng.

Từ bê bối Seungri đến chuyện phạt 200.000 tội sàm sỡ: Chúng ta đang làm cái gì với phụ nữ vậy? - Ảnh 1.

"Nếu có nạn nhân bị hiếp dâm, tại sao họ không tố cáo cảnh sát và chỉ nói với báo chí? Nếu họ đệ đơn kiện, kẻ phạm tội sẽ bị bắt, trừng phạt và họ sẽ được bồi thường, vậy tại sao họ không kiện?".

Đọc xong bài phát biểu của ông Lee Moon Ho, nhiều người sẽ tự hỏi, điều gì tương quan giữa bê bối Seungri và đàn ông Hàn Quốc lúc này? 

Điều gì có thể khiến cả nam giới Hàn Quốc rơi vào con đường lao lý?

Đó là những cáo buộc xoay quanh việc lạm dụng tình dục, quay lén, có những lời lẽ dung tục, coi phụ nữ như những món hàng trao đổi qua lại của Jung Joon Young và những người bạn.

Đó là những cáo buộc về các vụ môi giới mại dâm xuyên quốc gia, chuốc thuốc khách nữ ở hộp đêm của Seungri - dù hiện tại cậu vẫn chưa nhận tội nhưng những gì diễn ra trong suốt thời gian vừa qua cũng đủ để công chúng thấy, 8 con người này và rất nhiều người khác coi phụ nữ chỉ là một công cụ để đạt được những mục đích trong cuộc sống. Nếu được xác minh, đó sẽ là một vết nhơ lớn không chỉ của những kẻ lấy mác nghệ sĩ để hành sự mà còn cả xã hội Hàn Quốc, khi ông Lee Moon Ho cũng không phải thiểu số với suy nghĩ như vậy.

Họ là ai: Là nghệ sĩ, doanh nhân, những người có vai vế và tiếng nói trong xã hội - và người ta còn tình nghi trong đó có cả cảnh sát cao cấp. Liệu như vậy đã đủ để gói vo cả một xã hội nam giới Hàn Quốc chưa?

Người ta nói rằng có một "quy tắc ngầm" với đế chế Kpop khi các sao nữ phải lựa chọn con đường tình dục nếu muốn tiến nhanh hơn với sự nghiệp. Tuy nhiên, nhiều người không chấp nhận đi theo con đường ấy thì bị những kẻ ép buộc, nhẹ thì bị xâm hại tình dục, nghiêm trọng hơn có thể bị cưỡng hiếp với những bản hợp đồng nô lệ. Những vụ xâm hại tình dục cứ như một đám mây che phủ ngành công nghiệp giải trí Hàn Quốc - nam giới cho rằng đó là điều bình thường, còn một bộ phận phụ nữ chỉ biết nhẫn nhục chịu đựng.

Từ bê bối Seungri đến chuyện phạt 200.000 tội sàm sỡ: Chúng ta đang làm cái gì với phụ nữ vậy? - Ảnh 2.

CEO Burning Sun Lee Moon Ho trong ngày thẩm vấn, không ngạo nghễ như những phát biểu "bình thường hóa" việc coi rẻ phụ nữ của ông.

Từ bê bối Seungri đến chuyện phạt 200.000 tội sàm sỡ: Chúng ta đang làm cái gì với phụ nữ vậy? - Ảnh 3.

Theo một nghiên cứu bởi Bộ giới tính, bình đẳng và gia đình Hàn Quốc tiến hành vào năm 2016, cứ 10 phụ nữ thì có tới 8 người từng nói đã bị xâm hại tình dục ở nơi công sở. Nhiều người chọn giải pháp im lặng vì biết rằng vấn đề này của họ sẽ không được giải quyết.

Hàn Quốc là một quốc gia với những tư tưởng Nho giáo còn nặng nề. Suốt hơn 500 năm, một hệ thống thứ bậc đã định hình, dựa trên tuổi tác và giới tính tại đất nước này. Nam giới tiếp tục kiểm soát sức mạnh, thể hiện quyền lực với phụ nữ. “Ví dụ tại văn phòng, nếu sếp nói cả phòng đi ăn tối nào, hầu như không nhân viên nữ nào dám từ chối”, ông Jung Myung Shin - trưởng trung tâm tư vấn Sunflower tại Seoul cho biết.

Những câu chuyện xâm hại tình dục không còn hiếm gặp ở Hàn Quốc. Tuy nhiên, tồn tại trong xã hội này một “bức tường im lặng”. Năm 2017, có gần 2000 trường hợp xâm hại tình dục nơi công sở được ghi nhận nhưng chỉ có khoảng 9 trường hợp, nạn nhân dám chỉ mặt đặt tên kẻ đã xâm hại mình. Vì sao? Vì nhiều công ty thay vì đưa vấn đề đến các phòng ban pháp lý, cơ quan có thẩm quyền giải quyết, họ lại chuyển câu chuyện sang cho phòng nhân sự giải quyết.

Từ bê bối Seungri đến chuyện phạt 200.000 tội sàm sỡ: Chúng ta đang làm cái gì với phụ nữ vậy? - Ảnh 4.

Jang Ja Yeon, nữ diễn viên có tin đồn bị ép triệt sản để phục vụ các ông lớn, bị cưỡng bức tập thể và hành hạ, đánh đập chỉ để thỏa mãn thú vui bệnh hoạn của những kẻ máu mặt trong xã hội Hàn Quốc, bao gồm cả cựu chủ tịch tập đoàn Lotte Shin Kyuk Ho.

Không chỉ dừng ở công sở, nam giới Hàn Quốc coi việc xâm hại, hành hung bạn gái mình là chuyện… bình thường! Theo một báo cáo của viện nghiên cứu tội phạm Hàn Quốc, 80% nam giới thú nhận từng hành hạ, đánh đập bạn gái.

Theo giám đốc của đường dây phụ nữ Hàn Quốc, Cho Jae-Yon chia sẻ: “Tại Hàn Quốc, phụ nữ phải thể hiện sự phục tùng trong các mối quan hệ. Nếu không, họ sẽ bị hành hạ và quở trách”.

Tuy nhiên, điều đáng sợ hơn khi nhiều nam giới coi việc quay lại các cảnh quan hệ tình dục của hai người và đăng lên mạng là một xu hướng. Họ coi phụ nữ như trò tiêu khiển và mua vui. Năm 2016, có khoảng 7,000 phụ nữ Hàn Quốc nhìn thấy các đoạn video quan hệ của mình được đăng trên các trang web khiêu dâm. Bệnh hoạn hơn, nhiều kẻ còn đặt các camera quay lén ở những nơi như toilet, khách sạn… để ghi lại hình ảnh phụ nữ.

Có lẽ đó là lý do, ông Lee Moon Ho có thể mạnh miệng tuyên bố, nếu Seungri hay những đồng sự của mình phạm pháp thì cả đàn ông Hàn Quốc phạm pháp. Đây cũng không phải lần đầu tiên, và khả năng chưa phải lần cuối cùng, các vụ xâm hại tình dục trở thành tâm điểm của truyền thông Hàn Quốc. Từ những văn phòng bình thường cho tới cuộc sống của giới idol, ngành điện ảnh Hàn Quốc, thể thao hay cả giới chính khách. Chính trị gia Ahn Hee Jung nổi tiếng tại Hàn Quốc đã chấm dứt sự nghiệp chính trị với 3 năm rưỡi tù giam vì tội xâm hại tình dục cấp dưới.

Từ bê bối Seungri đến chuyện phạt 200.000 tội sàm sỡ: Chúng ta đang làm cái gì với phụ nữ vậy? - Ảnh 5.
Từ bê bối Seungri đến chuyện phạt 200.000 tội sàm sỡ: Chúng ta đang làm cái gì với phụ nữ vậy? - Ảnh 6.

Cưỡng hôn một cô gái trong thang máy, nộp 200 nghìn đồng. Bằng 4 bát phở đầy đặn. Nghe cái sự so sánh thôi đã thấy quá rẻ mạt cho việc làm tổn thương từ vật lý đến tâm lý một con người, chứ không riêng gì phụ nữ. 

Quay lén, phát tán clip nhạy cảm của phụ nữ, chịu vài năm tù giam, nếu bị phát hiện, còn không bị phát hiện thì…? Thì sao nhỉ? Tôi không biết khi những gã đàn ông ngoài kia phát tán đống clip "check hàng" với nhau có bao giờ thấy việc mình đang làm thật là kinh tởm hay không. Nhưng tôi có chắc chắn, họ coi từng đoạn clip, hình ảnh tục tĩu ấy là chiến công, huy chương cho cái "manhood" dở hơi của bản thân. 

Cưỡng bức tập thể, giết người.

Ấu dâm, dâm ô, hãm hiếp, sát hại bé gái.

Có bao giờ xã hội chúng ta nghĩ rằng, với cái giá quá rẻ mạt cho một lần phạm tội, thậm chí để lại ám ảnh kinh hoàng cho nạn nhân như vụ việc này chính là yếu tố khiến những vụ việc đau lòng nhắm tới phụ nữ cứ mãi không có điểm dừng? 

Chính những suy nghĩ “đùa tí, trêu tí, làm gì mà nóng”, “xinh thì người ta mới để ý”, hay "ăn mặc hở hang, đi đêm về hôm mới bị cưỡng hiếp" là mầm bệnh để từ đó, lối sống suy đồi được tiếp tay và cổ vũ và tội ác dần dần nảy sinh. Ôi thôi, họ lấy cái sự tán dương giả tạo ấy để xoa dịu tạm thời tâm lý cho nạn nhân, hòng tìm một ngách để thoát khỏi chỉ trích. 

Từ bê bối Seungri đến chuyện phạt 200.000 tội sàm sỡ: Chúng ta đang làm cái gì với phụ nữ vậy? - Ảnh 7.

Người đàn ông cưỡng hôn nữ sinh trong thang máy tại Hà Nội, bị phạt... 200 nghìn.

Người ta nghĩ ra quá nhiều lí do để biện bạch cho hành vi sai trái như: “Tây nó thế, trên phim ảnh nó thế”. Nâng cao quan điểm hơn nữa thì có: “Cuộc sống ngày càng khắc nghiệt khiến đàn ông khó tìm được đối tượng phối ngẫu, mất cân bằng giới tính dẫn đến các vấn đề xã hội phức tạp”; tại sao bào chữa cho tội ác thì nhanh thế, mà hình phạt thích đáng cho tội ác thì mãi chưa được thiết lập, để dư luận phải bức xúc và lên tiếng hết lần này đến lần khác?

Một trong những lí do mà phong trào #METOO bùng nổ trên toàn thế giới, đó là khi những người phụ nữ nhận ra rằng xã hội sẽ luôn đẻ ra một lí do để khiến việc họ bị lạm dụng trở thành “một phần của cuộc chơi”.

Từ bê bối Seungri đến chuyện phạt 200.000 tội sàm sỡ: Chúng ta đang làm cái gì với phụ nữ vậy? - Ảnh 8.

Và ngoài kia, những gã đàn ông giàu có và thành đạt luôn chuẩn bị sẵn va li tiền, luật sư giỏi và những mối quan hệ đủ để bịt miệng một cô ả “không biết nghe lời”, “không hiểu luật chơi”.

Nếu không có những ngôi sao sẵn sàng đánh đổi cả sự nghiệp của mình để nói lên sự thật như Keisha trong vụ kiện DJ Luke lạm dụng mình suốt 10 năm trời, liệu người ta có ngừng nghĩ rằng phụ nữ “muốn đứng lên” thì phải “chịu nằm xuống”. Hay chịu đựng người khác coi thường trong một vài năm đầu để vươn lên tầng lớp khiến người ta phải cúi đầu kính trọng, đó chính là “luật chơi”?

Chúng ta đang sống trong một xã hội văn minh, thế nhưng sau những vụ việc này - thật bàng hoàng khi nhận ra rằng: Phụ nữ vẫn đang bị đối xử như những công cụ, cưỡng bức/ lạm dụng vẫn đang tồn tại như một sự thật phải chấp nhận và được tìm cách bình thường hoá bằng nhiều lý do. Trong khi nỗi đau bị xâm phạm, bị hạ thấp, bị chà đạp của phụ nữ là có thật, là không thể biện minh bằng bất cứ lý do nào.

Từ bê bối Seungri đến chuyện phạt 200.000 tội sàm sỡ: Chúng ta đang làm cái gì với phụ nữ vậy? - Ảnh 9.

Lướt qua mạng xã hội Việt Nam những ngày này, người ta vẫn nói về câu chuyện Seungri và bê bối tình dục chấn động Hàn Quốc. Giữa muôn vàn tiếng căm hờn, vẫn có những người coi việc đó “có thể chấp nhận được” hoặc “phải đặt mình vào vị trí của họ mới hiểu”. Đa phần đó là những người hâm mộ các thần tượng, nhiều người là nam giới. Không hiểu rằng “đặt mình vào vị trí” của họ thì sẽ thấy được điều gì?

Còn gì biện minh cho hành vi xâm hại tình dục? Quay lén? Xúc phạm phụ nữ?

Từ bê bối Seungri đến chuyện phạt 200.000 tội sàm sỡ: Chúng ta đang làm cái gì với phụ nữ vậy? - Ảnh 10.

Diễn viên phim Trạng Quỳnh cho rằng hành động bình phẩm và quay lén phụ nữ là "bình thường"...?

Đâu đó quanh đây, vẫn có những kẻ xâm hại tình dục nhưng chỉ phải nhận mức án phạt 200 nghìn, có những kẻ cố tình hiếp dâm nạn nhân nhưng chỉ nhận là “dùng tay sờ vùng kín” và được tại ngoại - chúng vẫn nhởn nhơ coi việc xâm hại phụ nữ như một điều bình thường, chẳng hề sợ hãi khi cái giá chỉ là 200 nghìn? 

Không chỉ chờ tới câu chuyện của Seungri, người ta mới thấy câu chuyện coi phụ nữ là đồ vật, đặt nặng định kiến lên phụ nữ trong khi họ không phải nhân vật duy nhất, phổ biến ở nhiều nước. Những người đàn ông coi việc mua dâm là chấp nhận được, là nhu cầu “thiết yếu” của nam giới để giải tỏa nhu cầu trong khi phụ nữ bán dâm thì bị lên án kịch liệt, bị gọi bằng những từ ngữ miệt thị, kinh tởm. Người ta gọi đây là "tiêu chuẩn kép".

Đừng nghĩ rằng câu chuyện cáo buộc mua bán dâm Seungri đó quá to tát, vượt ngoài cuộc sống của mỗi người. Nếu bạn là một nam giới, đã bao giờ bạn có những tin nhắn gửi cho bạn bè, mở đầu với hình ảnh một cô gái đi kèm với những lời nhận xét ngoại hình kệch cỡm: “Trông cũng ngon đấy” chưa? 

Từ bê bối Seungri đến chuyện phạt 200.000 tội sàm sỡ: Chúng ta đang làm cái gì với phụ nữ vậy? - Ảnh 11.

Bạn đã bao giờ lạc vào những group Facebook, nơi có cả một cộng đồng nam giới như vậy - họ bình phẩm, bông đùa, thậm chí là truyền tay nhau những hình ảnh, clip để lộ của các cô gái? Hoặc bạn đã bao giờ cố tình đụng chạm vào một bộ phận nào đó của những phụ nữ quanh mình?

Có những người sẽ nói có, có những người luôn nhận thức được điều ấy là không đúng nhưng vẫn làm, nhiều người vẫn lên tiếng bức xúc nhưng khi họ ngẫm lại và chợt nhớ, cũng có lúc mình đã chia sẻ hình ảnh kiểu thế rồi phải không? Đó không phải điều gì quá xa vời, một câu chuyện đặc quyền của K-pop hay Hàn Quốc.

Hình như, chúng ta đang gían tiếp coi rẻ phụ nữ bằng những hình phạt không thoả đáng. Đã đến lúc, điều này phải thay đổi. Đã đến lúc, những nỗi đau và sự thiệt thòi của người phụ nữ trong những vụ lạm dụng cần phải được nhìn nhận một cách nghiêm túc chứ không phải né tránh. Chúng ta không thể mong một cộng đồng trở nên văn minh hơn với phụ nữ bằng cách khuyên họ mặc váy dài hơn hay đi về sớm hơn. Chúng ta cần những hình phạt thích đáng và sự lên án mạnh mẽ, để truyền thêm sức mạnh và sự can đảm cho những nạn nhân của lạm dụng, của cưỡng bức, thậm chí - là cả của những trò đùa bẩn trên mạng xã hội, những tiếng huýt sáo vô duyên kệch cỡm. 

Hãy nhớ, gốc rễ của việc giảm thiểu các tội tình dục không phải là dạy phụ nữ trở nên "ngoan hiền", mà chính là nhìn nhận được đúng sự nghiêm trọng của lạm dụng và cưỡng bức, cũng như giáo dục tất cả xã hội về sự tôn trọng với người phụ nữ.