Từ 1/7/2025, trợ cấp khi nghỉ hưu tăng gấp 4 lần mức cũ: Trường hợp nào được hưởng lợi?

THANH THANH, Theo phunuso.baophunuthudo.vn 15:53 27/11/2024
Chia sẻ

Ngoài lương hưu hàng tháng, người lao động còn được nhận một khoản trợ cấp 1 lần khi nghỉ hưu.

Hiện nay, với điều kiện đủ 20 năm đóng BHXH để hưởng lương hưu được đánh giá là quá dài, điều này đã làm giảm động lực tham gia, gắn bó lâu dài để hưởng lương hưu của người lao động (NLĐ). Kéo theo đó, rất nhiều NLĐ đã không đủ kiên nhẫn mà rút BHXH 1 lần, làm ảnh hưởng tới cuộc sống sau này, đặc biệt là đối với những người bị mất sức lao động, không có nguồn thu khi về già dù đã có thời gian dài đóng BHXH trước đó.

Để giữ chân NLĐ tham gia hệ thống BHXH cũng như đảm bảo đời sống cho người lao động, Luật BHXH năm 2024 đã được Quốc hội thông qua và chính thức có hiệu lực từ ngày 1/7/2025 với nhiều nội dung quan trọng. Trong đó có điều chỉnh điều kiện hưởng lương hưu cũng như tăng trợ cấp một lần.

Từ 1/7/2025, trợ cấp khi nghỉ hưu tăng gấp 4 lần mức cũ: Trường hợp nào được hưởng lợi?- Ảnh 1.

Ảnh minh họa: Internet

Điều kiện hưởng trợ cấp một lần khi nghỉ hưu từ ngày 1/7/2025

Theo Luật BHXH 2014 hiện hành, NLĐ có thời gian đóng BHXH cao hơn số năm tương ứng với tỉ lệ hưởng lương hưu 75%, khi nghỉ hưu, ngoài lương hưu còn được hưởng trợ cấp một lần.

Như vậy, điều kiện hưởng trợ cấp một lần khi nghỉ hưu theo quy định hiện hành là có thời gian đóng bảo hiểm xã hội cao hơn số năm tương ứng với tỷ lệ hưởng lương hưu 75%.

Mức trợ cấp này được tính theo số năm đóng BHXH cao hơn số năm tương ứng với tỉ lệ hưởng lương hưu 75%, cứ mỗi năm đóng BHXH thì được tính bằng 0,5 tháng mức bình quân thu nhập tháng đóng BHXH.

Tuy nhiên, theo Luật BHXH năm 2024 có hiệu lực từ ngày 1/7/2025, quy định này có sự điều chỉnh. Cụ thể như sau:

Theo quy định tại khoản 1 Điều 68 Luật Bảo hiểm xã hội 2024 (có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2025), lao động nam có thời gian đóng bảo hiểm xã hội cao hơn 35 năm, lao động nữ có thời gian đóng bảo hiểm xã hội cao hơn 30 năm thì khi nghỉ hưu, ngoài lương hưu còn được hưởng trợ cấp một lần.

Như vậy, từ ngày 1/7/2025, điều kiện hưởng trợ cấp một lần khi nghỉ hưu là có thời gian đóng bảo hiểm xã hội cao hơn:

- 35 năm đối với lao động nam.

- 30 năm đối với lao động nữ.

Từ 1/7/2025, trợ cấp khi nghỉ hưu tăng gấp 4 lần mức cũ: Trường hợp nào được hưởng lợi?- Ảnh 2.

Ảnh minh hoạ.

Mức hưởng trợ cấp một lần cũng có sự thay đổi và được quy định tại Khoản 2 Điều 68 Luật BHXH năm 2024, chia thành 2 trường hợp.

Thứ nhất, trường hợp người lao động đủ điều kiện hưởng lương hưu và thực hiện thủ tục hưởng chế độ hưu trí, mức hưởng trợ cấp một lần được tính bằng 0,5 lần của mức bình quân tiền lương làm căn cứ đóng BHXH cho mỗi năm đóng cao hơn quy định tại Khoản 1 Điều 68 Luật BHXH năm 2024 đến tuổi nghỉ hưu theo quy định của pháp luật.

Trường hợp này, mức hưởng trợ cấp một lần giống như quy định hiện hành theo Luật BHXH năm 2014.

Thứ hai, trường hợp người lao động đã đủ điều kiện hưởng lương hưu mà tiếp tục đóng BHXH thì mức trợ cấp bằng 2 lần của mức bình quân tiền lương làm căn cứ đóng BHXH cho mỗi năm đóng cao hơn số năm quy định (kể từ sau thời điểm đủ tuổi nghỉ hưu theo quy định của pháp luật đến thời điểm nghỉ hưu, hưởng chế độ hưu trí).

Trường hợp này, mức hưởng trợ cấp một lần cao gấp 4 lần mức hưởng hiện hành theo Luật BHXH năm 2014.

Từ 1/7/2025, trợ cấp khi nghỉ hưu tăng gấp 4 lần mức cũ: Trường hợp nào được hưởng lợi?- Ảnh 3.

Cách tính mức hưởng trợ cấp một lần khi nghỉ hưu từ 1/7/2025

Bộ LĐ-TB&XH hướng dẫn cách tính trợ cấp một lần như sau:

Ví dụ: ông D. làm việc trong điều kiện lao động bình thường, tại thời điểm đủ tuổi nghỉ hưu có 38 năm đóng bảo hiểm xã hội. Song ông D. không nghỉ việc hưởng lương hưu mà tiếp tục làm việc và đóng bảo hiểm xã hội thêm 3 năm mới nghỉ việc hưởng lương hưu.

Khi nghỉ việc hưởng lương hưu ông D. có tổng thời gian đóng bảo hiểm xã hội là 41 năm. Như vậy, ngoài lương hưu ông D. còn được hưởng trợ cấp một lần, công thức tính như sau:

- 3 năm đóng bảo hiểm xã hội cao hơn 35 năm trước thời điểm đủ tuổi nghỉ hưu, mỗi năm bằng 0,5 lần của mức bình quân tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội: 3 năm x 0,5 = 1,5.

- 3 năm đóng bảo hiểm xã hội cao hơn 35 năm kể từ sau thời điểm đủ tuổi nghỉ hưu, mỗi năm bằng 2 lần của mức bình quân tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội: 3 năm x 2 = 6.

Như vậy, ông D. được hưởng trợ cấp một lần khi nghỉ hưu bằng 7,5 (1,5 + 6) lần mức bình quân tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội.

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày