Việt Nam đã có kế hoạch đặt mua bổ sung 20 triệu liều vaccine để đáp ứng đủ tiêm cho trẻ từ 12 - 18 tuổi (khoảng 9 - 10 triệu trẻ em). Bộ Y tế cho biết, trước ngày 15/10 sẽ ban hành hướng dẫn tiêm vaccine phòng Covid-19 cho trẻ em từ 12 - 18 tuổi.
Chương trình Tiêm chủng Quốc gia đang xây dựng tài liệu tập huấn về việc tiêm vaccine cho trẻ em. Cơ quan chuyên môn của Bộ Y tế cũng đang thảo luận về hình thức triển khai tiêm chủng (ở trường học hay ở địa phương lưu trú). TS Nguyễn Huy Luân - Trưởng đơn vị tiêm chủng, Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM đã có những chia sẻ về vấn đề này.
Quan điểm của bác sĩ về tiêm vaccine cho trẻ em 12 - 18 tuổi như thế nào?
TS Nguyễn Huy Luân: Theo tôi ở thời điểm hiện tại, với biến chủng Delta lây lan nhanh, nguy hiểm thì việc tiêm ngừa cho trẻ em là cần thiết nhưng theo từng thời điểm của dịch Covid-19.
Khi dịch bệnh lan rộng thì khả năng trẻ con nhiễm bệnh sẽ càng tăng lên. Hiện nay, nhiều nơi đang giãn cách nên tỷ lệ trẻ em mắc bệnh thấp hơn người lớn. Tại Việt Nam, ước chừng khoảng hơn 20.000 trẻ em nhiễm Covid-19 và tỷ lệ tử vong vô cùng thấp, chủ yếu trẻ béo phì hay có kèm bệnh lý nền, bệnh bẩm sinh.
Nhưng tại Mỹ, tính đến 7/10/2021 có khoảng 6 triệu trẻ đã có kết quả xét nghiệm dương tính với Covid-19 kể từ khi đại dịch bùng phát, chiếm 16% tổng số ca mắc Covid-19. Tuy nhiên, khi Mỹ mở cửa trở lại thì tỷ lệ trẻ em mắc Covid-19 tăng lên tới 24,8%.
Vì vậy, theo tôi nếu Việt Nam mở cửa, hết giãn cách, trẻ em đi học lại thì số trẻ nhiễm Covid-19 có thể cũng tăng lên.
Trước đây, chúng ta chưa chú trọng tiêm vaccine cho trẻ em vì nguy cơ bệnh nặng của trẻ thấp hơn, ưu tiên tiêm cho người lớn hơn. Nhưng hiện tại, tỷ lệ người lớn tiêm chủng nhiều hơn, nếu số vaccine nhiều hơn, dự trữ vaccine đã có thì cần nghĩ tới tiêm ngừa cho trẻ.
Tiêm vaccine cho người dân tại TP.HCM
Có nhiều khuyến cáo cha mẹ không phải quá lo lắng về nguy cơ trẻ em bệnh nặng do Covid-19, trừ khi trẻ em béo phì hay có bệnh nền. Vậy, theo bác sĩ có nên khuyến cáo tiêm vaccine cho trẻ có bệnh lý nền, ví dụ như nước Anh chỉ đồng ý tiêm mũi 2 cho nhóm 12 - 15 trong trường hợp có bệnh nền?
TS Nguyễn Huy Luân: Như tôi đã nói, tỷ lệ mắc bệnh Covid-19 của trẻ em thấp hơn người lớn. Theo thống kê của CDC, tỷ lệ nhập viện và tử vong ở trẻ em thấp hơn rất nhiều so với nhóm người lớn tuổi. Người trên 65 tuổi có tỷ lệ nhập viện gấp 5 lần và tử vong 90 lần so với trẻ dưới 18 tuổi.
Như vậy, điều này còn tùy theo về nguồn lực về tài chính, tùy theo mối nguy cơ, đặc biệt tính an toàn, hiệu quả vaccine với trẻ em là yếu tố quan trọng do trẻ em có nhiều điểm khác với người lớn. Ngoài ra còn tùy thuộc vào đồng thuận của người dân, tùy từng phụ huynh muốn cho con em mình tiêm hay không.
Theo tôi việc tiêm cho trẻ em nên khuyến cáo nhưng không nên bắt buộc trẻ phải tiêm. Nhưng tôi được biết đa phần phụ huynh sẽ cho trẻ tiêm. Trong thời gian qua tôi đã nhận được rất nhiều cuộc điện thoại xin tư vấn tiêm vaccine Covid-19 cho con, có người còn thắc mắc tại sao lại không tiêm cho trẻ em. Đây cũng là tâm lý của bố mẹ đều muốn bảo vệ cho con mình. Trẻ em khi nhiễm bệnh thường có triệu chứng nhẹ, ít có biến chứng nặng nhưng không có phụ huynh nào muốn con mắc bệnh.
Ngoài ra, khi trẻ mắc Covid-19, người lớn phải chăm sóc cho trẻ và ảnh hưởng tới công việc, kinh tế của gia đình. Trẻ bị cách ly có thể ảnh hưởng tâm lý. Nếu trẻ bị cách ly sẽ không được đến trường, ảnh hưởng tới học tập của trẻ. Đôi khi điều này có thể ảnh hưởng tâm lý tới trẻ nhỏ.
Có rất nhiều ảnh hưởng của trẻ khi mắc Covid-19 chứ không riêng vấn đề khả năng mắc bệnh nặng, do đó việc tiêm vaccinelà cần thiết.
Do vậy, việc sử dụng vaccine Covid-19 cho trẻ nhỏ chủ yếu là để giảm tối đa tỷ lệ trẻ bị biến chứng khi mắc bệnh và để chúng không trở thành nguồn lây trung gian cho những người khác trong cộng đồng, nhất là những người có nguy cơ cao như ông bà, cha mẹ lớn tuổi chưa chích vaccine.
So với người lớn, trẻ em tiêm vaccine có tác dụng phụ hay biến chứng gì không?
TS Nguyễn Huy Luân: Hiện nay có nhiều vaccine phòng ngừa Covid-19 nhưng chỉ có 3 vaccine Comirnaty của Pfizer, vaccine bất hoạt Sinopharm của Trung Quốc, vaccine Soberana 02 của Cu Ba có chỉ định tiêm cho trẻ em dưới 18 tuổi.
TS BS Nguyễn Huy Luân
Các vaccine này đều được thử nghiệm lâm sàng trên đối tượng trẻ em. Hiện tại chỉ có vaccine Comirnaty của Pfizer được FDA và WHO chấp thuận. Số liệu nghiên cứu được tuyên bố rộng rãi. Vaccine được nghiên cứu thử nghiệm ngẫu nhiên, mù đôi có nhóm đối chứng giả dược với 2.260 trẻ tham dự từ 12 - 15 tuổi. Đến nay vaccine này được sử dụng ở nhiều quốc gia nên có nhiều số liệu nhất.
Các phản ứng phụ như đau tại vị trí tiêm, mệt mỏi và nhức đầu, đau cơ và ớn lạnh, đau khớp và sốt thường tự khỏi sau vài ngày. Nhưng vaccine này đã được báo cáo có thể có liên quan tới việc tăng nhẹ nguy cơ gặp các phản ứng phụ hiếm gặp như viêm cơ tim, đặc biệt ở bé trai khi tiêm liều thứ hai. Tuy nhiên các trường hợp nhẹ và hầu hết đều đã bình phục sau điều trị đơn giản và nghỉ ngơi.
Còn vaccine Sinopharm của Trung Quốc có nghiên cứu tại các quốc gia UAE trên khoảng 900 trẻ thì báo cáo tác dụng phụ ít hơn, không có biến chứng viêm cơ tim. Chưa có nhiều số liệu về sử dụng vaccine này trên trẻ em ở các quốc gia khác.
Vaccine Soberana 02 được nghiên cứu chỉ ở Cuba trên 350 trẻ, không có nhóm đối chứng để đánh giá đầy đủ, chỉ so sánh nhóm trẻ em với người lớn. Kết quả nghiên cứu cho thấy vaccine an toàn khi dùng cho trẻ em. Tuy nhiên nghiên cứu chỉ có báo cáo trong nước, không có báo cáo quốc tế. Vaccine này chưa được WHO chấp thuận chỉ định cho trẻ em.
Khi tư vấn cho phụ huynh, nhân viên y tế cần cung cấp đầy đủ thông tin của từng vaccine để họ có thể tùy chọn vaccine tiêm cho con mình.
Hiện tại, vaccine tiêm ngừa Covid-19 là miễn phí. Trong tương lai, chúng ta nên thực hiện giống chương trình tiêm chủng quốc gia, có nhiều dòng vaccine miễn phí hoặc thu phí để phụ huynh lựa chọn loại vaccine nào phù hợp với con mình và đồng thời giảm gánh nặng cho ngân sách quốc gia.
Trẻ nhỏ mắc Covid-19 tại TP.HCM
Tôi có đọc một vài chia sẻ rằng nếu tiêm cho trẻ em nên chọn vaccine Covid-19 công nghệ cũ thay vì vaccine công nghệ mới mRNA? Điều này có đúng không thưa bác sĩ?
TS Nguyễn Huy Luân: Quan điểm này cũng có ý đúng hoặc chưa đúng bởi vì các lý do sau:
Thứ nhất, vaccine công nghệ cũ tính ổn định cao hơn, nghiên cứu lâu dài, áp dụng lâu dài nên khả năng tạo ra đáp ứng miễn dịch và hiệu quả ổn định, ít phản ứng phụ. Tuy nhiên, hiệu quả đối với bảo vệ vaccine như thế nào cần thực tế chứng minh thêm chứ không thể dựa vào công nghệ. Cần số liệu hiệu quả bảo vệ trên thực tế nữa. Đó là lý do tại sao phải có số liệu đánh giá an toàn và hiệu quả khi sử dụng cho trẻ em.
Thứ hai, vaccine theo công nghệ mới hoạt động theo cách đưa mã di truyền trên mRNA vào trong tế bào, tạo ra protein gai của virus SARS-CoV-2, từ đó kích thích cơ thể tạo ra đáp ứng miễn dịch. Người ta lo lắng có ảnh hưởng tới bộ gen hay không? Điều này không xảy ra vì quá trình chỉ xảy ra ở tế bào chất không ảnh hưởng tới DNA trong nhân của tế bào nên không thể làm thay đổi bộ gen của người.
Vì vậy, phụ huynh hoàn toàn yên tâm có thể chọn vaccine để tiêm cho con, không nên quá lo lắng các dòng vaccine bất hoạt hay vaccine công nghệ mới.
Vâng xin cảm ơn ông!