TS Lê Quốc Hùng: 30 năm trong nghề chưa gặp vụ ngộ độc nào như vụ Pate Minh Chay

Ngọc Anh, Theo Pháp luật & Bạn đọc 12:21 03/09/2020

Hiện tại, Đơn vị Chống độc thuộc khoa Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Chợ Rẫy vừa tiếp nhận và điều trị cho một trường hợp bị nhiễm độc tố Clostridium botulinum có trong sản phẩm Pate Minh Chay.

TS Lê Quốc Hùng: 30 năm trong nghề chưa gặp vụ ngộ độc nào như vụ Pate Minh Chay - Ảnh 1.

Nhầm với bệnh lý khác

Đó là bệnh nhân N.N.D (nam, sinh năm 1966, ngụ Vũng Tàu) được Bệnh viện Bà Rịa - Vũng Tàu chuyển lên Bệnh viện Chợ Rẫy vào ngày 27/8. Qua điều tra bệnh sử, chiều tối 25/8, bệnh nhân N.N.D ăn một lượng khá nhiều thực phẩm Pate Minh Chay.

Người nhà anh D. cho biết họ thấy sản phẩm quảng cáo trên mạng nên nhờ người quen ngoài Hà Nội mua gửi vào để ăn. Vì vị béo khó ăn nên chỉ có anh D. ăn. Tối 25/8, đi làm về muộn, nhà không có thức ăn nên anh D. lấy ăn và kết quả ngày hôm sau anh thấy râm rẩm đau bụng, nôi ói.

Anh D. có biểu hiện nhìn đôi nhưng người nhà chỉ nghĩ là tiền đình. Đi khám không thấy bất thường nên lại về nhà. Về nhà tình trạng sụt mí, nhìn đôi, nói đớt và không uống được nước, sữa. Mọi người nghĩ bị tai biến mạch máu não nên đã chuyển anh đi cấp cứu. Nhưng kết quả chụp CT không thấy dấu hiệu não tổn thương mà thấy tình trạng viêm tuỵ cấp.

TS Lê Quốc Hùng: 30 năm trong nghề chưa gặp vụ ngộ độc nào như vụ Pate Minh Chay - Ảnh 2.

Sản phẩm Pate Minh Chay gây ngộ độc cho hàng chục người

Khi chuyển lên BV Chợ Rẫy, các bác sĩ cũng chẩn đoán nhược cơ và viêm tuỵ cấp tiến hành các xét nghiệm cận lâm sàng. Khi người nhà của bệnh nhân D. thấy trên mạng cảnh báo Pate Minh Chay nên vội vàng gửi mẫu cho bác sĩ và kết quả bệnh nhân ngộ độc do vi khuẩn. Clostridium Botulinum.

30 năm chưa gặp

TS Lê Quốc Hùng - Trưởng khoa Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Chợ Rẫy cho biết bệnh nhân D. chuyển từ khoa Nội thần kinh về khoa Bệnh nhiệt đới đã phải thở máy, các triệu chứng rất điển hình của ngộ độc. Tình trạng hiện tại bệnh nhân tỉnh, không sốt, các triệu chứng liệt chưa cải thiện.

Triệu chứng chủ yếu của ngộ độc Clostridium Botulinum liệt dây thần kinh dẫn tới liệt dây thần kinh. TS Hùng cho biết độc tố Botulinum không mùi, không màu, không vị nên khó phát hiện.

Hơn 30 năm làm trong ngành y, TS Hùng cho biết ông chưa bao giờ gặp ca nào như vậy. Khi ông trao đổi với TS.BS Nguyễn Trung Nguyên ngoài Hà Nội các bác sĩ ở đây cũng nói rất ít khi gặp.

TS Hùng cho biết chỉ các bác sĩ của thế hệ trước đã gặp các trường hợp này từ năm 1975 đến 1980 có gặp lác đác vài ca do đời sống của người dân khó khăn. Lúc đó, người dân có sử dụng đồ hộp để lâu nên dẫn tới ngộ độc.

Chính vì thế, việc bệnh nhân bị chẩn đoán nhầm với nhược cơ cũng là điều dễ hiểu. TS Hùng cho biết khi tiếp nhận bác sĩ thì chẩn đoán ban đầu cũng nghĩ là nhược cơ, phải mất 2,3 ngày mới tìm ra bệnh.

TS Hùng cho biết vi khuẩn Clostridium Botulinum là vi khuẩn yếm khí, sống trong môi trường không có không khí. Vi khuẩn này sống dai, tồn tại trong đất, cát dưới dạng bào tử. Nhưng ở trong môi trường không có không khí thì có thể hoạt động trở lại và sản sinh nhanh chóng, quá trình nhân chia tế bào lên nhanh chóng và sinh ra độc tố Botulinum.

TS Hùng cho biết vi khuẩn Clostridium Botulinum không dễ diệt nhưng độc tố dễ diệt. Nếu nấu trên 80 độ C thì độc tố này bị huỷ ngay.

Vì thế, TS Hùng khuyến cáo người dân cần giữ gìn vệ sinh thực phẩm là ăn chín, uống sôi.

Các thực phẩm đóng hộp các dây chuyền cần đảm bảo an toàn, tiệt khuẩn sau khi đóng hộp. Cần đảm bảo sau khi đóng hộp thì các vi sinh vật có hại sẽ bị tiêu diệt hết. Còn đồ hộp tự đóng bằng tay ở nhà cần vô cùng cẩn trọng vì thức ăn thủ công sẽ là cơ hội tạo môi trường cho vi khuẩn yếm khí phát triển mạnh nên gây ra ngộ độc.

Các sản phẩm đóng hộp bằng tay, bác sĩ Hùng cho rằng mọi người nên tránh không ăn.

Người dân tự nhận biết ngộ độc vi khuẩn Clostridium Botulinum không dễ dàng. TS Hùng cho biết dấu hiệu của ngộ độc trong giai đoạn đầu nó giống như rối loạn tiêu hoá sau khi ăn thực phẩm nhiễm bẩn, bệnh nhân có thể mệt mỏi, nôn ói.

Triệu chứng liệt nhanh, bị sụt mi mắt, khó thở và suy hô hấp chỉ sau 1, 2 ngày. Vì vậy, TS Hùng cho biết nếu người dân thấy sau khi ăn có tình trạng rối loạn tiêu hoá, mi mắt sụt, nói khàn giọng cần đến ngay các cơ sở y tế để can thiệp tránh nguy cơ liệt toàn thân.

Thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Quốc Thái - BV Bạch Mai Hà Nội cho biết việc kiểm soát nha bào trực khuẩn ngộ độc thịt thông thường các cơ sở đóng hộp chuyên nghiệp họ đều phải dùng nồi hấp chuyên dụng, hấp lên bao nhiêu độ, để bao nhiêu thời gian là do họ chỉnh và người dân mua đồ hộp về chỉ việc ăn.

Tuy nhiên, bác sĩ Thái cho biết người tiêu dùng cũng cần biết cách khi ăn đồ hộp:

1. Kiểm tra loại bỏ đồ hộp phồng nắp;

2. Đồ hộp để lâu cần luộc kỹ 15 phút trước mở hoặc hấp cách thuỷ ít nhất 15 phút sau mở. Khi mở các loại đồ hộp mặc dù chưa thấy phồng nắp nhưng nghe có tiếng "xì" thì đều nên hấp/đun lại. Mục đích của việc luộc/hấp/đun là để bất hoạt độc tố nếu có trong thực phẩm.