Trong set 1 của ngày diễn ra Wetalk với chủ đề "Vì tôi còn sống", thì TS Đặng Hoàng Giang - một trong những diễn giả của chương trình - đã mở đầu bài chia sẻ của mình trong vỏn vẹn câu nói: "Tôi thấy chúng ta nên nói về cái chết".
Và nó thật sự khiến cả khán phòng giật mình, khi nhận ra điều mà họ không để ý, hoặc cố tình lờ nó đi trong suốt thời gian qua. Cái chết cơ hồ là thứ con người rất ít khi nghĩ đến, nếu không muốn nói là họ "sợ" nghĩ đến. Với người trẻ, cái chết lại là một cái gì đó rất mơ hồ bởi họ đang ở độ tuổi sung mãn nhất, dồi dào năng lượng nhất, được gieo vào đầu ý niệm "họ còn cả tương lai" phía trước.
Đó là cú sốc thật sự cho phần lớn những người trẻ "đặc biệt" mà tiến sĩ Đặng Hoàng Giang đã tiếp xúc trong chuyến hành trình cuối đời của họ. Đó là những mảnh đời "bị ẩn" dưới mọi lớp cắt của xã hội, bị đè nặng bởi 2 chữ: ung thư, là khoảng không gian của những sinh mệnh trẻ đang dằn vặt, hối tiếc, lo toan cho mục đích sống cuối cùng trong những giờ, những phút sau cùng ấy.
"Em sẽ sống để nhắc nhở người khác biết là họ may mắn và qua đó cho họ có động lực để họ sống tốt hơn" – đó là tâm nguyện cuối đời của Liên, một cô gái trẻ ở Đà Nẵng sau những tháng ngày chìm sâu trong ý nghĩ mình là gánh nặng của xã hội, gánh nặng của gia đình.
Clip: TS Đặng Hoàng Giang sau "Hành trình cận tử": Chúng ta nên nói về cái chết nhiều hơn
Là câu chuyện của Hùng, chàng trai trẻ ở Bắc Giang quyết từ chối số tiền của tiến sĩ Giang khi ông ngỏ lời mua thuốc giảm đau cho cậu bé trong giai đoạn cuối. Vì nhà cậu rất nghèo nên tâm nguyện cuối đời của Hùng là muốn dành số tiền đó cho bố mẹ, còn cậu cứ thế cắn răng chịu đựng cơn đau 24/7 trong những tháng ngày còn lại.
Là câu chuyện của bà mẹ trẻ Hoàng Vân, dành phần sức lực cuối cùng của mình để ghi âm vào điện thoại những lời dặn dò dành cho 2 đứa con 8 tuổi và 3 tuổi. Tất cả tình yêu của người mẹ trong vòng 18 năm tới dồn cả vào đoạn ghi âm 30 phút ấy. Bà mẹ ấy cũng đã chấp nhận sống trong mù lòa ở những ngày cuối đời sau khi thực hiện tâm nguyện để hiến giác mạc còn lành lặn cho những người còn sống.
Là chuyện của cô gái tên Huế, khi cuộc đời của cô đang dần dừng lại ở tuổi 21 vẫn đang cố gắng hoàn thành lớp đại học, và cố mang lại niềm vui cho gia đình, cho bạn bè khi còn có thể…
Mỗi câu chuyện, mỗi hoàn cảnh đều là những tình huống mà những người may mắn trong điều kiện bình thường như chúng ta hiếm khi nghĩ đến. Cuộc nói chuyện về cái chết của TS. Đặng Hoàng Giang dễ khiến người ta chạnh lòng bởi hóa ra cuộc sống không dài như chúng ta tưởng. Vì vậy, hầu như không ai có chuẩn bị gì cho "điểm đến của cuộc đời", tức là… cái chết. Nhưng nó cũng giúp chúng ta nhận ra thêm nhiều thông điệp về cuộc sống và biết cách để sống sao cho tốt hơn, cho xứng đáng hơn với cái may mắn mà ta đang có.
Và đây là những gì TS Đặng Hoàng Giang đã chia sẻ, sau chuyến "Hành trình cận tử" mà tiến sĩ đã đi qua:
"Tại sao tôi bước vào hành trình này?
Bố mẹ tôi cũng đã gần 80 tuổi nên tôi đã chuẩn bị tâm thế để chấp nhận được sự ra đi của họ và giúp họ chấp nhận sự ra đi của họ. Tôi không biết thần chết có thể đến với tôi, với vợ tôi hay với con tôi? Chúng ta sẽ đối mặt với nó như thế nào, chúng ta suy sụp, giận dữ, hoang mang, hay là chúng ta hiểu được quy luật của cuộc sống để xem nó như một trải nghiệm hoặc thử thách trong cuộc sống của chúng ta.
Và sau một năm đi cùng với chị Hà, Vân, Liên, Huế thì tôi đã thấy điều gì?
Tôi thấy sự dịch chuyển của 2 thế giới khác nhau, 1 thế giới đông đúc ngoài ánh sáng của những người bình thường và 1 thế giới đau đớn, cô đơn của những người bệnh, tôi cảm thấy rất bất lực. Tôi cũng có lúc cảm giác tội lỗi vì mình là người sống sót trong khi người khác lại bị chết.
Tôi đã nhìn thấy những nỗi đau rất kinh khủng
Điển hình là khi đứa con của chị Hà nói với mẹ: "Con chỉ cần mẹ thôi, con không sợ chết, đi đâu có mẹ là được", cái tuổi của bé, chưa hiểu nỗi đau của sự chia ly với cái chết.
Tôi đã nhìn thấy nỗi đau thân xác hết sức kinh khủng của mọi người, như cô Vân bị liệt toàn thân, tất cả xương khớp đều đau, cảm giác giống như bị tra tấn, tra tấn 24/7 và 9 tháng liền như vậy.
Cậu Hùng thì bị ung thư bàng quang, nên cậu chỉ có thể nhịn đói mà thôi. Buổi đêm cậu ấy ngồi ngoài sân, ngắm sao, hút 1 điếu thuốc và... đói. Khi cậu ấy thiếp đi ngủ, thì toàn mơ thấy thức ăn. Những món ăn, những bữa tiệc rực rỡ hiện ra.
Và tôi cũng thấy được nhu cầu của chúng ta cần nói chuyện về cái chết. Hiện nay xã hội rất ngại nói về cái chết, người nhà và bác sĩ không dám nói về cái chết, sợ xui xẻo. Nhưng chúng ta cần nói về cái chết và có một khái niệm đó là "Những trao đổi cuối đời". Chúng ta sẽ xem những bệnh nhân có nguyện vọng gì, mong muốn gì vào những ngày cuối đời của họ, họ muốn làm gì, và họ cần làm một số việc để khép lại cuộc đời của họ cho có ý nghĩa. Ví dụ họ cần tha thứ cho ai đấy và cần được xin tha thứ từ ai đấy. Họ phải nhìn lại cuộc đời của mình và cho nó một ý nghĩa.
TS Đặng Hoàng Giang - một trong những diễn giả của chương trình WeTalk
Khi chúng ta không có những đàm thoại cuối đời như vậy thì người ta sẽ chết với một tâm thế không thanh thản, còn vướng bận. Như vậy là chúng ta đã tước đi cơ hội có được cái chết đàng hoàng của người thân của chúng ta. Đây là 1 bài học và tôi sẽ sử dụng bài học này với bố mẹ và người thân của tôi khi họ sắp chết, và thậm chí tôi sẽ làm tất cả những chuyện này trước khi họ bắt đầu ốm, càng sớm càng tốt!
Trong xã hội hiện đại thì người ta sẽ hành hạ người bệnh bằng những ca mổ, xạ trị, thuốc men cho đến phút cuối cùng bởi vì triết lý còn nước còn tát, nếu như dừng có nghĩa là đầu hàng. Làm như vậy, là chúng ta đã khước từ cái chết của người bệnh, đến khi người ta chết, mọi người vẫn không thể chào từ biệt nhau, không thể nói lời vĩnh biệt nhau được.
Người ta hay nói, anh hùng là người chống chọi với bệnh tật. Cũng có cái đúng, nhưng mặt khác chúng ta cũng cần thay đổi quan điểm về anh hùng. Người anh hùng là người nhận ra rằng đây là lúc cần phải đón chào cái chết, bắt tay với cái chết và chấp nhận nó, chứ không thể chống chọi 1 cách vô vọng.
Bạn Liên ở Đà nẵng đã làm được điều đó 1 cách tuyệt vời, bạn chỉ mới 28 tuổi, khi ung thư bị di căn thì bạn không hóa trị tiếp, vì bạn nói rằng: "Tôi muốn chất lượng cuộc sống của tôi, nếu tôi được sống 6 tháng bình yên, tôi có thể cười và nói rằng tôi không đau, không bị các biến chứng phụ, nó tốt hơn là trải qua 2 năm đầy những đau đớn".
Và đấy là cái quan niệm rất là mới mà y học không chấp nhận, và bạn ấy bị coi là người chống đối lại y học. Nhưng với tôi bạn ấy là một anh hùng, đã bình tĩnh nhìn vào cái chết của mình, chấp nhận nó, dùng thời gian cuối của mình một cách hợp lí nhất, vui vẻ nhất, thậm chí còn hài hước nữa cơ. Và khi bạn ấy chấp nhận cái chết và hài lòng với nó thì bạn ấy là con người tự do.
Và tôi đã học được gì? Có rất nhiều bài học:
- Người ta không có tự do để khước từ bi kịch, không thể chạy trốn bi kịch, nhưng có tự do để lựa chọn thái độ của mình. Và chị Hà, mẹ của cháu Nam đã mất là người đã chấp nhận được bi kịch của mình. Chị nói: "Trời đất đã cho chị 10 năm sống với đứa con là đã mãn nguyện lắm rồi, chị không thể yêu cầu điều gì khác nữa, chỉ có thế chấp nhận, đón nhận và vẫn tin vào ý nghĩa của vũ trụ". Một người bạn khác của chị cũng rơi vào hoàn cảnh như vậy, đứa con 10 tuổi bị chết, 1 năm sau chị ấy tự tử, bởi vì chị ấy không chấp nhận được sự ra đi của con, không chấp nhận một tình huống mới, một cuộc đời mới, chị khước từ nó và chị chọn cái chết.
TS Đặng Hoàng Giang và những chuyện phía sau "Hành trình cận tử"
- Sống có nghĩa là vượt qua những thử thách mà cuộc đời đưa cho mình với sự đàng hoàng, nhân phẩm và lòng tự trọng. Một người học hành ít, không có tiền, nhưng cách người đó đi qua thử thách của cuộc đời như thế nào sẽ nói lên phẩm chất của người đó.
- Một người mẹ khác có đứa con 3 tuổi bị chết, và trong khoảnh khắc đứa con ngừng thở, cô này vừa khóc, vừa lau chùi cho đứa con và vừa nói là: "Mẹ hứa với con, mẹ sẽ sống cho cả cuộc đời của con, sẽ cố gắng gấp 2 lần để có ích cho xã hội". Khi mà bi kịch cá nhân xảy ra kinh khủng nhất, thì đấy cũng là lúc trỗi dậy mong muốn làm việc có ích cho xã hội để chữa lành cho bản thân mình, để cho cuộc sống của mình có ý nghĩa.
- Tiếp xúc hằng ngày hằng giờ với những con người đấy cho tôi thấy sự trân quý của từng giây từng phút. Khi sáng dậy, bạn nhận được tin nhắn trong điện thoại là :"Chú ơi cháu bị mù 1 mắt rồi", "Tai cháu điếc rồi", hay "Cháu bị liệt đến đây rồi"... thì lúc đó bạn sẽ thấy quý vô cùng những cái mà bạn đang có, những tin nhắn đó nhắc nhở là bạn đang may mắn một cách khủng khiếp như thế nào.
Tôi hiểu rằng tôi cần dùng thời gian sống để chuẩn bị cho cái chết của mình, có thể 30 năm nữa, cũng có thể chỉ là 3 ngày nữa, nhưng chúng ta cũng phải chuẩn bị để có được cái chết tốt đẹp.
Kết thúc hành trình 1 năm này thì gia đình tôi đi đăng ký hiến tạng, trong đó có cả đứa con gái 11 tuổi của tôi. Chúng tôi cũng nói chuyện rất nhiều với nó, khi mà nó đặt bút xuống, tick vào những ô như "gan", "phổi", và đến "tim" thì nó ngừng lại, bảo là: Con sợ. Nhưng cuối cùng nó cũng vượt qua được nỗi sợ và tick vào ô đấy, nó cũng hiểu rằng đến lúc nào đấy tôi sẽ biến mất, nó sẽ biến mất. Có một buổi tối, nó chạy vào giật cuốn sách trên tay tôi và bảo là "Bố phải chơi với con, vì bố không còn nhiều thời gian nữa." Tôi hỏi nó là vậy khi bố chết đi thì con sẽ như thế nào, nó bảo "Buồn, khóc nhưng không gục ngã".
Và tôi cũng thấy những cái chuyển biến trong bố mẹ tôi. Cách đây một năm tôi cũng không dám nói đến chuyện chết chóc. Thế nhưng một năm vừa rồi tôi nói rất nhiều về những cái mà tôi trải qua đó, mua 1 loạt những cuốn sách khác nhau như "Khi hơi thở hóa thành thiên không" và đem đầy nhà các cụ đọc. Bây giờ bố mẹ tôi nói về cái chết một cách bình thường hơn.
Hôm trước mẹ tôi vừa mới nói là: Mẹ tôi 78 tuổi, sắp tới nếu mẹ bị bệnh nặng thì sẽ không chữa chạy nữa, không xạ trị không mổ nữa, chỉ giảm đau mà thôi. Khi mẹ tôi nói câu đấy thì tôi hiểu ngay là mẹ tôi đã được tự do. Điều đó cũng làm cho những người thân khác rất dễ chịu, hơn là biết người thân mình sẽ bấu víu, sẽ hoảng sợ, sẽ mong muốn làm mọi cách giữ được hơi thở của mình. Lúc ấy sẽ tạo một gánh nặng cực kỳ lớn cho những người thân. Cho nên khi mẹ tôi nói câu ấy thì tất cả mọi người đều đồng ý luôn chứ không bảo là còn nước còn tát và tôi biết được mẹ tôi đã đạt được trạng thái tự do như thế. Đấy là điều rất là tốt.
Tiến sĩ Đặng Hoàng Giang đã có những chia sẻ giúp chúng ta nhận ra thêm nhiều thông điệp về cuộc sống
WeChoice Awards" - giải thưởng thường niên do Công ty cổ phần VCCorp tổ chức, với mong muốn tôn vinh những con người, kể những câu chuyện truyền cảm hứng nhất, những sự kiện, sản phẩm và công trình có ảnh hưởng tích cực tới cộng đồng - đã quay trở lại với thông điệp mới: Bình Tĩnh Sống.
Hơn cả sự lạc quan và tinh thần bền bỉ vượt qua khó khăn của cuộc đời, "Bình tĩnh sống" còn có thể hiểu là một lời khích lệ cũng như nhắc nhở về cách sống và cách đối diện với cuộc đời của mỗi người.
Hãy cùng chúng tôi tôn vinh và bình chọn cho những câu chuyện và những nhân vật mà bạn thấy xứng đáng tại WeChoiceAwards 2017. Thời gian bình chọn từ ngày 21/12/2017 đến ngày 20/01/2018.
Truy cập http://wechoice.vn/wechoice.vn để lan toả niềm cảm hứng ngay hôm nay.
Trân trọng cảm ơn Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (VietinBank) đã đồng hành cùng giải thưởng WeChoice Awards 2017 và giúp lan tỏa thông điệp Bình tĩnh sống đến cộng đồng.
Xin cảm ơn ĐH Hoa Sen (TPHCM) đã tài trợ địa điểm cho WeTalk.