Nhà báo Trần Mai Anh: "Tôi và Thiện Nhân phải tiết kiệm nước mắt, nỗi đau. Bởi không ai khổ giùm mình cả"

Toàn Nguyễn, Theo Trí Thức Trẻ 16:01 11/01/2018
Chia sẻ

Mẹ con tôi sống rất tiết kiệm. Thứ nhất là tiết kiệm nước mắt. Chẳng bao giờ khóc khi cảm thấy đau khổ cả. Vì khóc xong mệt vô cùng, nhưng nỗi đau khổ đó mình vẫn phải trải qua, chẳng ai đau khổ hộ mình cả. Kiệt sức lắm, mà còn đau hơn.

Sáng ngày 5/1, tại trường Đại học Hoa Sen, buổi trò chuyện cảm hứng dành cho giới trẻ -WeTalk đã được diễn ra với thông điệp Bình tĩnh sống. Mở đầu phần chia sẻ với chủ đề "Vì tôi còn sống", nhà báo Trần Mai Anh đã kể lại một câu chuyện về sự bình tĩnh của Thiện Nhân trước những đau đớn của ca mổ thay đổi cuộc đời cậu bé, để rồi từ cơ duyên đó, hàng trăm đứa trẻ khác cũng đã được thay đổi cuộc đời.

Thiện Nhân - đứa trẻ sơ sinh xấu số của 11 năm về trước đã sống sót một cách kỳ diệu 72 giờ đồng hồ trong rừng khi bị thú dữ ăn mất một phần cơ thể. Chuyện của Thiện Nhân hôm nay không còn là những giọt nước mắt đau buồn mà hoàn toàn mang một gam màu tươi vui hơn. Và đây là những câu chuyện, những cảm xúc mà chị Trần Mai Anh đã chia sẻ trong buổi giao lưu ngày hôm ấy:

Nhà báo Trần Mai Anh: Tôi và Thiện Nhân phải tiết kiệm nước mắt, nỗi đau. Bởi không ai khổ giùm mình cả - Ảnh 2.

Nhà báo Trần Mai Anh là người sáng lập, điều phối chương trình "Thiện Nhân và những người bạn". Tại WeTalk năm nay, chị Mai Anh sẽ chia sẻ về cuộc hành trình với 1.000 hồ sơ những em bé chờ được thay đổi số phận mà chị đang mỗi ngày cùng các cộng sự cố gắng tạo ra điều kỳ diệu cho các em.

Chuyện bé Thiện Nhân thì mọi người đều đã biết, ngay từ khi con ra đời thì đã bị thú ăn mất rất nhiều phần cơ thể với thương tật 75%. Thiện Nhân sống được hôm nay phải hết sức bình tĩnh. 

Ca phẫu thuật nặng nhất của Thiện Nhân kéo dài 9-10 tiếng ở Ý nhằm tái tạo lại toàn bộ cơ quan sinh dục của con. Sau ca phẫu thuật thừa sống thiếu chết ấy, là đến khoảnh khắc bác sĩ bắt đầu cắt băng, thì đau vô vàn. Tôi rất sợ, nỗi đau của Nhân lây sang cả mẹ và những người xung quanh nữa. Nhưng Nhân vẫn nằm im bất động trên bàn cho bác sĩ cắt băng, mồ hôi đầm đìa nhưng con không nói một lời và không khóc một tiếng. 

Sau đó tôi mới hỏi Nhân rằng: Nhân ơi! Sao lúc đó con bình tĩnh đến mức độ như thế? Không đau à? 

Nhân bảo: Con đau lắm chứ, nhưng lúc đấy khóc lên hét lên để mà chết à, các bác sĩ cắt luôn cái con chim xinh xinh thì mẹ mất luôn 1 tỷ rưỡi. 

Có những khoảnh khắc trong cuộc đời bắt buộc chúng ta phải trải qua một cách bình thản nhất. Lúc đấy không phải là sống chậm, mà là bình tĩnh để sống, bình tĩnh để trải qua những khoảnh khắc của cuộc đời mà mình không có cách nào lựa chọn khác đi. Chỉ có một cách là bước đi làm sao cho bớt đau thương nhất thôi. 

Cả hành trình của Thiên Nhân cũng vậy, chúng tôi đã trải qua cuộc sống này một cách bình tĩnh và thản nhiên, nhưng không hoàn toàn là vô tư. Bởi vì chẳng ai hồn nhiên đến mức vô tư với sống - chết cả. Chính vì vậy tại sao các bạn luôn nhìn thấy Thiện Nhân là một thằng bé tươi cười, một gương mặt luôn hồ hởi phấn khởi. 

Nhà báo Trần Mai Anh: Tôi và Thiện Nhân phải tiết kiệm nước mắt, nỗi đau. Bởi không ai khổ giùm mình cả - Ảnh 3.

Tôi nghĩ rằng mỗi khoảnh khắc trong cuộc đời là những khoảnh khắc vội vã. Tôi đến đây với các bạn cũng rất vội vã, và sau khi kết thúc cuộc trò chuyện này tôi lại chuyển sang một khung cảnh mới. Thế nhưng gọi là bình tĩnh sống không? Có. Bởi mỗi một giây phút đứng ở đâu tôi đều trải nghiệm một cách đầy đủ nhất.

Tôi nhớ có một lần lúc bé, tôi làm vỡ cái cặp nhiệt độ của mẹ, thuỷ ngân văng tung toé lên mặt đất. Tôi đã đi gom nhặt tất cả chúng lại và cuối cùng chúng đã kết lại thành một. Sau này khi lớn lên tôi thấy rằng cuộc sống của mỗi con người giống như những viên thuỷ ngân bé tí xíu. Mình nhìn kỹ dưới ánh nắng mặt trời hay trong bóng tối đều thấy có những tia sáng lấp lánh, nếu vội vã thì không nhìn thấy đâu.

Trong hành trình này, từ một em bé Thiện Nhân, đã có thêm rất nhiều những đứa trẻ khác nữa. Và mỗi số phận bất hạnh trên cuộc đời này đều có ý nghĩa, nó luôn luôn là sự khởi đầu cho một câu chuyện khác. Thế nên tôi chưa bao giờ nghĩ rằng mình sẽ đóng cửa cuộc đời của mình lại cả. Tôi và Thiện Nhân khi mổ xong lại mở cuộc đời ra để đón những đứa trẻ khác. Và tiếp tục mở ra câu chuyện của những em bé cần phẫu thuật khác nữa.

Có hàng nghìn em bé đang chờ đề tái tạo lại cơ quan sinh dục để có thể đến trường. Tôi chia sẻ ờ đây không phải để các bạn thương những đứa nhỏ đấy mà để các bạn hiểu rằng làm hành trình như chúng tôi đang đi là vô cùng thú vị, không vất vả tí nào cả. Vì tôi chọn lựa cuộc sống làm điều mình thích. Mỗi một lần gặp một con người lại trải nghiệm một cuộc sống mới, thì mình thấy cuộc sống lại mở ra trên một khía cạnh mới.

Thiện Nhân dạy cho tôi rất nhiều điều. Nhân luôn luôn là người một người rất lạc quan. Mọi người thường hỏi :"Tại sao cháu một chân đấy?" . Nhân bình thản trả lời rằng: "Cháu bị tai nạn". Tôi nghĩ rằng mọi người luôn đau khổ với bất hạnh của mình, như thế khiến cuộc sống trôi qua một cách quá nhanh, mình không thể nắm bắt được.

Mẹ con tôi sống rất tiết kiệm. Thứ nhất là tiết kiệm nước mắt. Chẳng bao giờ khóc khi cảm thấy đau khổ cả. Vì khóc xong mệt vô cùng, nhưng nỗi đau đó mình vẫn phải trải qua, chẳng ai đau khổ hộ mình cả. Kiệt sức mệt lắm, mà còn đau hơn. 

Nhà báo Trần Mai Anh: Tôi và Thiện Nhân phải tiết kiệm nước mắt, nỗi đau. Bởi không ai khổ giùm mình cả - Ảnh 4.

Và tiết kiệm nỗi đau nữa. Có những điều mình nghĩ là tốt hơn, nhưng mình sẽ lựa chọn có làm hay không. Ví dụ như em Nhân hiện tại đang đi nạng, nhiều người bảo rằng tôi giúp cho rất nhiều em bé tại sao không giúp cho con trai mình có một chiếc chân giả. Với tâm lý của một người mẹ tôi ước mơ con mình chạy thật nhanh là đằng khác. Việc lắp chân giả tôi hoàn toàn có thể làm được, nhưng tôi có làm không? Không. 

Vì Thiện Nhân bị thú ăn chân lên rất là cao, nên để lắp được một chiếc chân giả như vậy thì cần phải cưa nối tăng chiều cao của xương còn lại, mỗi lần cắt xẻ là một lần đau đớn. Đau đớn đấy trải qua nhiều năm mới đủ xương để kẹp một chiếc chân giả vào. Thế mình có trả giá cuộc đời mình với cái ước mơ đó, bằng nỗi đau đó không? Không nên. Đó là một cách mà chúng tôi sống chậm rãi và tiết kiệm cả những nỗi đau. Bởi vì cái gì ở cuộc đời này cũng có trả giá cả. Để đạt được điều này thì phải trả giá bằng một cái khác. 

Cuộc đời này đối với tôi có rất nhiều lựa chọn, giống như chúng tôi đã không chọn chân giả mà chọn một đôi nạng. Nhân đi đôi nạng rất linh hoạt, sải đôi nạng đấy đi trên trường thì không bạn nào đuổi kịp. Và các bạn gọi Nhân là: Mũi tên vàng vì Nhân lao đi như mũi tên. Rồi khi tôi đèo 3 cậu con trai trên xe máy, mỗi lần lên xe là vô cùng vất vả, thì Nhân lấy cái nạng gạt chân chống cho mẹ rất nhanh, trong khi hai anh ngồi trên xe thì không thể nào với tới được. 

Tôi nghĩ rằng cuộc đời này là vậy. Nếu có 5 cánh cửa trước mặt, mình nghĩ nát óc chọn 1 cánh cửa tốt nhất cho cuộc đời mình, nhưng không thể đoán được sau cánh cửa đó sẽ mở ra một nơi tốt hơn hay không tốt hơn cho bản thân mình. Nên chúng tôi sống mỗi giây phút đều có giá trị. 

Con người sinh ra phải có buồn vui hỷ nộ ái ố. Mỗi lần tôi gặp bất hạnh, tôi không bao giờ than vãn rằng sao mình bất hạnh quá. Chẳng ai sinh ra trên đời mà chỉ có hạnh phúc, may mắn. Nên tôi nghĩ rằng, đời mình sao "phong phú" đến vậy, người khác không được đau khổ tột cùng, vui sướng tột cùng như tôi đâu. Tôi thấy vô cùng thú vị và nghĩ rằng đời mình thế là không phí.

Thiện Nhân và Hải Minh là hai anh em chênh nhau 1 tuổi. Hải Minh được tặng một đôi giày nhân ngày sinh nhật, mà đôi giày đấy thì Nhân rất thích. Thế thì Hải Minh mới bảo: Giày của anh nhưng chúng mình sẽ dùng chung. Thế là Nhân đi luôn một chiếc giày vào chân, Hải Minh còn mỗi một chiếc, đâu đi được nữa. Lúc đấy Hải Minh mới cảm thấy... bất hạnh vì mình có tận 2 chân. Mẹ con chúng tôi đã cười rất nhiều về cái khoảnh khắc "có một chân quá là may, quá là vui" của Nhân. 

Tôi nghĩ cuộc sống này cũng vậy,  đừng cân bằng quá, nó luôn luôn hụt hẫng, mình được trải qua các cung bậc cảm xúc thì mới giá trị.

Nhiều người ngại làm việc tốt vì sợ phải hy sinh nhiều, sợ khổ, và chẳng biết bắt đầu từ đâu? Với tôi thì trước khi làm người tốt, thì mình phải làm con người đã. Mà con người thì phải có tốt có xấu, chẳng ai hoàn hảo. Mình cứ cố phải sống tốt thì vô tình bỏ quên một phần con người của mình. Giúp người khác cũng vậy, chúng ta cứ nghĩ là phải bỏ rất rất nhiều công sức, làm cái gì to lớn vĩ đại để giúp người. Nhưng không hẳn là như thế, những điều nhỏ nhắn thôi cũng bắt đầu giúp được một con người rồi. 

Nhà báo Trần Mai Anh: Tôi và Thiện Nhân phải tiết kiệm nước mắt, nỗi đau. Bởi không ai khổ giùm mình cả - Ảnh 5.

Làm từ thiện không có nghĩa là tôi đang thừa điều này, tôi đang có rất nhiều điều này, tôi đem đi cho người khác, mà là mình tặng cho người ta cái họ cần và cái điều mà mình cũng muốn tặng.

Nhưng một điều quan trọng là lòng tốt phải đều đặn. Không phải hôm nay "lên cơn" tự nhiên tốt rồi ngày mai không tốt nữa. Lòng tốt bé thôi, từ tốn thôi, như con lạc đà đi qua sa mạc, chậm rãi trải qua những nắng nóng mệt mỏi để đi đến đích cuối cùng.

Nhà báo Trần Mai Anh: Tôi và Thiện Nhân phải tiết kiệm nước mắt, nỗi đau. Bởi không ai khổ giùm mình cả - Ảnh 6.

Có một kỷ niệm mà tôi luôn nhớ mãi đó là vào 11 năm trước, lúc đó tôi đang kêu gọi quyên góp 1,5 tỷ cho ca phẫu thuật của Thiện Nhân. Vào một buổi chiều muộn, có một anh phụ hồ bấm chuông cửa và đưa cho tôi 50.000 đồng tiền ủng hộ cho bé Thiện Nhân. Tôi đã mời bạn ấy vào nhà nhưng bạn nhất định không vào, vì sau giờ làm quần áo khá lấm lem. 50.000 với bạn ấy đáng giá nhiều bữa ăn nhưng 50.000 đối với gia đình chúng tôi đôi khi không đủ một buổi đi chợ. Nhưng tôi không được quyền từ chối vì đó là tấm lòng anh tặng cho Thiện Nhân, là chắt chiu của một con người muốn giúp cho 1 đứa trẻ được sống làm người và cho những đứa trẻ khác. 

Tôi đã nhận 50.000 đồng ấy và mang trọng trách cho đến tận bây giờ. Có lẽ người phụ hồ hôm đó không hề biết rằng hành động nhỏ đó của bạn ấy đã truyền cảm hứng cho tôi rất nhiều, và cho tôi bài học về con người và tình cảm.

Nhà báo Trần Mai Anh: Tôi và Thiện Nhân phải tiết kiệm nước mắt, nỗi đau. Bởi không ai khổ giùm mình cả - Ảnh 7.

Trong phần giao lưu với Thùy Minh và trả lời câu hỏi của khán giả, chị Mai Anh cũng kể lại một câu chuyện vào một buổi tối mùa đông Hà Nội, 4 mẹ con chị cùng ngồi làm thiệp để gây quỹ: 

Dù buồn ngủ lắm rồi nhưng công việc vẫn chưa đâu vào đâu mà nhà cửa lung tung cả lên. Tôi cũng nản, nhưng không thể tỏ ra chán nản trước mặt các con, thế là tôi mới nói với các con rằng:

- May quá các con ạ mình đang được trong nhà êm ấm như thế này, ngoài kia có rất nhiều người phải lao động giữa trời giá rét.

Tôi nghĩ đó là một bài học giáo dục bình thường, nhưng lúc đó, các bạn biết thằng bé Thiện Nhân nói gì với tôi không?

- Thôi mẹ ạ, chúng ta không cần phải nói về bài học giàu nghèo giáo dục ở đây đâu, mẹ chỉ cần nói các con ơi cố làm nhanh lên rồi đi ngủ.

Các bạn ạ, nếu muốn thuyết phục người khác tin vào điều mình nói thì phải thuyết phục được bản thân mình trước. Và nếu mình muốn thuyết phục được bản thân mình thì mình đừng có đạo đức giả. Cuộc sống nó như thế nào thì nó hãy đúng là như vậy, mọi cái đẹp đẽ mình tô lên thì cũng vẫn là sắc màu mà mình tô, chứ không phải màu tự nhiên của cuộc sống.

Nhà báo Trần Mai Anh: Tôi và Thiện Nhân phải tiết kiệm nước mắt, nỗi đau. Bởi không ai khổ giùm mình cả - Ảnh 8.

Đón xem tập 2 vào ngày 13/1/2018 với phần chia sẻ của diễn giả, họa sĩ Đỗ Hữu Chí (Bút Chì).

WeChoice Awards" - giải thưởng thường niên do Công ty cổ phần VCCorp tổ chức, với mong muốn tôn vinh những con người, kể những câu chuyện truyền cảm hứng nhất, những sự kiện, sản phẩm và công trình có ảnh hưởng tích cực tới cộng đồng - đã quay trở lại với thông điệp mới: Bình Tĩnh Sống.

Hơn cả sự lạc quan và tinh thần bền bỉ vượt qua khó khăn của cuộc đời, "Bình tĩnh sống" còn có thể hiểu là một lời khích lệ cũng như nhắc nhở về cách sống và cách đối diện với cuộc đời của mỗi người.

Hãy cùng chúng tôi tôn vinh và bình chọn cho những câu chuyện và những nhân vật mà bạn thấy xứng đáng tại WeChoiceAwards 2017. Thời gian bình chọn từ ngày 21/12/2017 đến ngày 20/01/2018.

Truy cập wechoice.vn để lan toả niềm cảm hứng ngay hôm nay.

Trân trọng cảm ơn Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (VietinBank) đã đồng hành cùng giải thưởng WeChoice Awards 2017 và giúp lan tỏa thông điệp Bình tĩnh sống đến cộng đồng.

Nhà báo Trần Mai Anh: Tôi và Thiện Nhân phải tiết kiệm nước mắt, nỗi đau. Bởi không ai khổ giùm mình cả - Ảnh 11.

 Xin cảm ơn ĐH Hoa Sen (TPHCM) đã tài trợ địa điểm cho WeTalk.

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày