Trượt đại học, nữ sinh Hà Nội tự rèn tiếng Trung, giành học bổng trường top đầu Thượng Hải: Bật mí loạt câu hỏi phỏng vấn quá bất ngờ

Hiểu Đan, Theo Phụ nữ Việt Nam 11:24 08/08/2022

Sinh ra trong gia đình bố mẹ đều là nông dân, bố mất sớm, Linh quyết tâm vào đại học không chỉ vì tương lai mà còn muốn thấy nụ cười tự hào của mẹ. Nhưng kết quả, Linh trượt cả hai trường.

Cứ vào mùa thi, đặc biệt là thời điểm các trường đại học thông báo điểm thi tuyển sinh, các chuyên gia tâm lý, hướng nghiệp lại nhận được không ít cuộc gọi của thí sinh tâm sự "tuyệt vọng vì mọi thứ đã chấm hết khi trượt đại học".

Tuy nhiên, bên cạnh những thất vọng, buồn bã, vẫn có những bạn trẻ gạt nỗi đau để tiếp tục đứng lên bởi một niềm tin: "Cánh cửa" này đóng lại sẽ có "cánh cửa" khác mở ra... Và biết đâu, đó lại chính là cánh cửa bước ra chân trời rộng mở mà mình từng hằng mong ước?

Nguyễn Thị Linh, cô gái sinh năm 2002 (Hà Nội) cũng từng trải qua cảm giác "muốn quên đi" đó. Sinh ra trong gia đình bố mẹ đều là nông dân, bố mất sớm, dưới Linh còn 1 em trai đang đi học trung học cơ sở, Linh quyết tâm vào đại học không chỉ vì tương lai mà còn muốn thấy nụ cười tự hào của mẹ, là tấm gương cho em noi theo. Kỳ thi tốt nghiệp năm 2020, Linh đăng ký hai nguyện vọng là Đại học ngoại ngữ và Đại học Khoa học xã hội và nhân văn với hy vọng tràn trề. Kết quả, Linh trượt cả hai.

Trượt đại học, nữ sinh Hà Nội tự rèn tiếng Trung, giành học bổng trường top đầu Thượng Hải: Bật mí loạt câu hỏi phỏng vấn quá bất ngờ - Ảnh 1.

Khoảng thời gian sau đó là những ngày cô gái 2k2 trải nghiệm qua đủ loại công việc: Nhân viên phục vụ; Chăm sóc khách hàng; Giáo viên tình nguyện dạy tiếng Anh... Nhưng chưa bao giờ Linh lơ là chuyện duy trì việc học.

Có nền tảng tiếng Trung nhờ tự học từ năm lớp 11 (năm 2019), Linh tận dụng khoảng nghỉ giữa trưa để tiếp tục trau dồi ngoại ngữ. Sau vài tháng thử sức làm phiên dịch trong công ty Trung Quốc, Linh quyết định nghỉ việc, ở nhà tự học. Cô tự apply và nhận được học bổng CIS (Học bổng Khổng Tử) trường Đại học Sư phạm Hoa Đông - top 4 trường hàng đầu Thượng Hải.

Học vấn và kinh nghiệm làm việc của Nguyễn Thị Linh

2020: - Tốt nghiệp trường Trung học phổ thông Yên Lãng/ Trượt đại học

2020 - 4/2021: Nhân viên phục vụ trong quán Nhật/ Nhân viên chăm sóc khách hàng cho một shop trên shopee

4/2021 - 7/2021: Làm phiên dịch trong công ty Trung Quốc

7/2021 - 2022: Nghỉ việc ở nhà tự học

7/2022: Nhận được Học bổng Khổng Tử trường Đại học Sư phạm Hoa Đông

Profile: GPA 8.4 8.3 8.1 - HSK 6: 254 - HSKK (kỳ thi trình độ khẩu ngữ tiếng Trung) cao cấp: 68

"Năm 2021 mình có ý định apply nhưng đến lúc tìm hiểu về học bổng Trung Quốc thì đã hết hạn nên phải đợi đến năm nay. Trong mấy tháng mùa đông, mình đã tham gia rất nhiều hoạt động ngoại khóa do trường bên Trung tổ chức như trại đông. Tầm tháng 2, 3 mình phải bắt đầu nộp hồ sơ học bổng, tháng 10 mới bắt đầu ôn thi HKS 6 (mức cao nhất trong tiếng Trung) trong vòng 2 tháng. Do dịch nên đợt thi lùi đến tháng 1. Mình thi được 254/300 và vừa kịp đợt apply", cô gái 2k2 chia sẻ.

Cùng với Đại học Phúc Đán, Đại học Giao thông Thượng Hải và Đại học Đồng Tế, trường ĐH Sư phạm Hoa Đông được mệnh danh là 4 trường đại học nổi tiếng ở Thượng Hải. Hiện tại, Trường có 4 khoa, 30 trường chính quy, 4 trường cao đẳng, 8 viện nghiên cứu tiên tiến, một trường cao đẳng giáo dục đại học và một trung tâm đào tạo hiệu trưởng cấp quốc gia.

Linh đã tự apply học bổng ra sao?

Về giấy tờ thủ tục

Với dự định apply CSC (Học bổng Chính phủ Trung Quốc là gói học bổng được cấp bởi Bộ Giáo dục Trung Quốc) và CIS (Học bổng Khổng Tử là quỹ học bổng do học viện Khổng Tử Trung Quốc thành lập) nên Linh đã chuẩn bị những tài liệu sau: Bằng tốt nghiệp; Học bạ cấp 3; Thư giới thiệu; Giấy khám sức khỏe; Lý lịch tư pháp; Hoạt động ngoại khóa; Chứng chỉ HSK + HSKK; KHHT....

Thư giới thiệu của Linh gồm: Thư của cô chủ nhiệm cấp ba + thư giới thiệu của hiệu trưởng cấp ba + thư giới thiệu của một thầy của một trường đại học bên Trung (Tuy nhiên, sau này Linh không apply học bổng CSC nên những thư này cũng không dùng đến).

Riêng CIS thì bắt buộc có thư giới thiệu của Viện Khổng Tử. Linh không kịp xin của Ulis (Trường Đại học Ngoại ngữ – ĐHQGHN) nên đã xin luôn cô giáo ở trường Đại học Sư phạm Hoa Đông và được cô cho thư giới thiệu, đẩy hồ sơ Linh lên bước sau.

Trượt đại học, nữ sinh Hà Nội tự rèn tiếng Trung, giành học bổng trường top đầu Thượng Hải: Bật mí loạt câu hỏi phỏng vấn quá bất ngờ - Ảnh 3.

Hoạt động ngoại khóa: Giấy chứng nhận trại đông (2 cái), chứng nhận của hoạt động của một tổ chức phi chính phủ. Nhưng lúc apply Linh đã quên upload lên nên "có cũng như không".

Chứng chỉ HSK (mức cao nhất trong tiếng Trung) + HSKK (kỳ thi trình độ khẩu ngữ tiếng Trung): Tùy vào ngôi trường mà bạn apply, mỗi trường sẽ có yêu cầu khác nhau.

Kế hoạch học tập: Linh tự viết, mình có nhờ một số bạn Trung sửa lại. KHHT cực kì quan trọng, nếu GPA hoặc HSK của bạn không được lý tưởng lắm thì KHHT là thứ mà bạn có thể thuyết phục thầy cô cho mình cơ hội.

Trong bản kế hoạch, Linh kể sơ qua về quá trình tự học tiếng Trung của bản thân, lý do mình chọn Hoa Đông, lý do chọn Trung Quốc mà không phải quốc gia khác, lý do mình học chuyên ngành đó. Hãy cố gắng viết có mạch, đừng như liệt kê, chăm chút từng câu từng chữ. Nếu bạn chưa có ý tưởng gì hãy thử đặt mình vào vị trí của thầy cô, nếu bạn là thầy cô với lý do như vậy tại sao thầy cô phải chọn bạn, lý do của bạn có đủ thuyết phục không hay nó rất chung chung, bạn có nhìn thấy được cái passion của người viết trong bản KHHT đó không,…

Nếu tự viết tự apply thì bạn có thể nhờ các thầy cô bạn bè người Trung mà bạn quen check lỗi chính tả cho, nên chọn đúng người vì không phải ai cũng check được. Với Linh, cô đã nhờ một bạn học thạc sỹ sửa KHHT và check giùm lỗi chính tả và một vài bạn nữa.

Trượt đại học, nữ sinh Hà Nội tự rèn tiếng Trung, giành học bổng trường top đầu Thượng Hải: Bật mí loạt câu hỏi phỏng vấn quá bất ngờ - Ảnh 4.

Tất cả những giấy tờ trên đều phải dịch sang tiếng Trung hoặc tiếng Anh, nhớ tìm bên phiên dịch uy tín. Áng chừng, tất cả công dịch thuật, khám sức khỏe, làm lý lịch tư pháp, thi HSK, phí báo danh (của trường Linh là 800 tệ) rơi vào tầm 10 triệu đổ xuống, nếu không phải dịch lại tài liệu thì sẽ ít hơn.

Về việc chọn trường

Theo Linh, chọn trường và chọn chuyên ngành cực kì quan trọng. Nếu profile của bạn rất ok nhưng bạn apply một ngành mà trường đó không có học bổng thì trượt là điều đương nhiên. Chọn trường đừng chỉ chọn thứ hạng, bạn có thể tham khảo vị trí của trường, mức độ quan tâm chăm sóc du học sinh của trường nữa.

Linh apply Học bổng Khổng tử và để hai nguyện vọng: Đại học Sư phạm Hoa Đông, Đại học Ngoại ngữ Thượng Hải. Do đã trúng tuyển nguyện vọng 1 là Đại học Sư phạm Hoa Đông nên nguyện vọng 2 của Linh họ không xét nữa.

Về phỏng vấn

Theo Linh, Sư phạm Hoa Đông có phần thi viết và phỏng vấn:

- Thi viết giáo viên sẽ cho hai từ, sau đó phải đặt câu với hai từ đó, chụp lại và nộp cho cô. Ttất cả các bạn phỏng vấn cùng đợt đó đều thi viết cùng lúc.

- Phỏng vấn trước và phỏng vấn từng bạn riêng. Có hai cô, một cô hỏi Linh trước về cách học tiếng Trung. Linh đã nói với cô mình tự học như thế nào. Sau đó là phỏng vấn, Linh được hỏi khoảng 3 câu:

1. Câu 1: Gấu trúc ăn được hay nho ăn được. Linh mới nghe hơi choáng (vì buồn cười) rồi mình vẫn bình tĩnh trả lời. Sau cô bảo chắc mấy câu này dễ với em quá nên đổi câu khác.

2. Câu 2: Có những phương pháp giảm cân khoa học nào?

3. Câu 3: Nói về một số vấn đề môi trường còn tồn tại ở quốc gia mình?

Linh cho biết, khẩu ngữ cực kì quan trọng, giả sử bạn có HSK 5, HSK 6 nhưng mà đến lúc cô nói gì, hỏi gì bạn cũng không hiểu, trả lời ngắc ngứ thì tờ giấy kia liệu có chứng minh được gì không? Vì thế Linh luôn khuyên các bạn khác không nên học lệch, học chỉ để lấy chứng chỉ thôi. Nếu bạn có thời gian hãy dành thời gian nhiều hơn để nâng cao trình độ sử dụng ngôn ngữ của mình.

Trượt đại học, nữ sinh Hà Nội tự rèn tiếng Trung, giành học bổng trường top đầu Thượng Hải: Bật mí loạt câu hỏi phỏng vấn quá bất ngờ - Ảnh 5.

Về kinh nghiệm học tiếng Trung, cô gái 2k2 cho biết, giáo trình quan trọng nhưng tư duy học càng quan trọng hơn: "Bản thân mình không học theo bất cứ cuốn giáo trình nào một cách cứng nhắc mà học cái mình thích (Ví dụ là video, nhạc, thơ, nói chuyện với người khác,...). Nhờ sự kết hợp linh hoạt mà mình đã tự học thành công khi chẳng một ai tin rằng cách này sẽ đem lại hiệu quả cả".

Linh nhận định, không có một phương pháp nào là tối ưu nhất, chỉ có phương pháp phù hợp với bạn nhất. Không ngừng thử sức và khám phá, bạn sẽ sớm tìm được cách học tiếng Trung có hiệu quả cho bản thân.

https://afamily.vn/truot-dai-hoc-nu-sinh-ha-noi-tu-ren-tieng-trung-gianh-hoc-bong-truong-top-dau-thuong-hai-bat-mi-loat-cau-hoi-phong-van-qua-bat-ngo-20220807221240309.chn