Trường THPT Thủ Đức bị tố nợ gần 7 tỉ đồng

Bài và ảnh: Đặng Trinh, Theo Người Lao động 00:57 25/07/2019
Chia sẻ

Rắc rối từ năm 2012 không thể giải quyết đang gây ảnh hưởng tới việc dạy và học của hàng trăm giáo viên, học sinh

Trường THPT Thủ Đức (quận Thủ Đức, TP HCM) bị kiện đòi gần 7 tỉ đồng tiền thi công công trình nhưng sự việc kéo dài từ năm 2012 đến nay vẫn chưa được giải quyết.

Thắng kiện nhưng không lấy được tiền

Văn phòng UBND TP HCM vừa có văn bản giao cho Chi cục Thi hành án dân sự TP kiểm tra, báo cáo đề xuất cho UBND TP để giải quyết vụ việc liên quan đến Trường THPT Thủ Đức (TP HCM). Trước đó, UBND TP đã nhận được công văn của Chi cục Thi hành án dân sự quận Thủ Đức kiến nghị UBND TP và các sở, ngành TP hỗ trợ việc thi hành bản án số 337/2018/DS-ST ngày 20-7-2018 liên quan đến Trường THPT Thủ Đức bị tố nợ 7 tỉ đồng nhưng không chi trả.

 Trường THPT Thủ Đức bị tố nợ gần 7 tỉ đồng  - Ảnh 1.

Trường THPT Thủ Đức, nơi đang diễn ra lùm xùm nợ nần

Phản ánh với Báo Người Lao Động, ông Trần Quang Bá, Giám đốc Công ty TNHH Xây dựng Quang Đức, cho biết đã kiện Trường THPT Thủ Đức ra tòa để đòi lại gần 7 tỉ đồng tiền xây dựng, sửa chữa trường. Và dù thắng kiện nhưng họ vẫn không biết bao giờ mới lấy lại được tiền. Sự việc bắt đầu từ năm 2010, khi Trường THPT Thủ Đức (chủ đầu tư) ký kết với công ty để thi công sửa chữa và xây dựng mới một số phòng học cho trường. Tổng giá trị của hợp đồng là hơn 27,9 tỉ đồng, tiến độ thanh toán theo từng đợt khối lượng hoàn thành. Công trình chính thức nghiệm thu vào tháng 5-2012. Trong quá trình thi công, Trường THPT Thủ Đức có yêu cầu điều chỉnh, thay đổi 28 hạng mục có sự đồng ý bằng biên bản của các bên như giám sát thi công, chủ đầu tư, thiết kế... trước khi thực hiện. Tuy nhiên, sau khi công trình hoàn thành và nghiệm thu, phía chủ đầu tư không quyết toán chi phí phát sinh đó.

Theo tính toán phía nhà thầu, tổng giá trị công trình đã hoàn thành là hơn 31 tỉ đồng (tính cả 28 hạng mục phát sinh, tiền bù giá nhân công và vật tư). Tuy nhiên, tổng số tiền trường giải ngân thanh toán mới hơn 26,5 tỉ đồng, tức số tiền phía nhà trường còn thiếu nợ đến nay là hơn 4,6 tỉ đồng. Ngoài ra, tiền lãi phát sinh do chậm trả từ đó đến nay hơn 2 tỉ đồng. Tổng cộng hai khoản này là hơn 6,7 tỉ đồng.

Sau khi chờ đợi đòi lại tiền không được, phía chủ thầu đã kiện Trường THPT Thủ Đức ra tòa để giải quyết. TAND quận Thủ Đức đã đưa vụ việc ra xét xử công khai ngày 20-7-2018.

Trường không chấp nhận?

Theo hồ sơ bản án, tại tòa, bị đơn là ông Lê Ngọc Khái, Hiệu trưởng Trường THPT Thủ Đức, thừa nhận trường là chủ đầu tư dự án sửa chữa và xây dựng mới một số phòng học với tổng kinh phí được ngân sách cấp gần 36,7 tỉ đồng, trong đó chi phí xây lắp là hơn 26,1 tỉ đồng. Tuy nhiên, người đại diện chủ đầu tư khi đó là ông Nguyễn Hữu Diệu (hiệu trưởng cũ, nay đã nghỉ hưu). Đến tháng 7-2017, ông Khái mới được bổ nhiệm làm hiệu trưởng trường này nên không nắm rõ vấn đề xây dựng thời gian đó.

Ngoài ra, ông Khái còn cho rằng không chấp nhận các kết luận kiểm định giá trị công trình và cũng không chấp nhận trả lãi phát sinh vì cho rằng trường không vay tiền của công ty. Tuy nhiên, sau quá trình xét xử, TAND quận Thủ Đức chấp nhận yêu cầu của nguyên đơn, buộc Trường THPT Thủ Đức phải thanh toán hơn 6,7 tỉ đồng như yêu cầu của nguyên đơn (gồm tiền thi công xây dựng còn thiếu và tiền lãi phát sinh do chậm thanh toán) cho phía nhà thầu.

Trong khi đó, ông Lê Ngọc Khái tiếp tục không chấp nhận phán quyết của tòa. Ông Khái cho rằng tòa chỉ xét xử dựa trên hợp đồng tranh chấp hai bên chứ không căn cứ quy định về đầu tư công. Cụ thể, hợp đồng xây dựng này sai quy định, tức vượt hạn mức cho phép mà chưa có sự phê duyệt của các cơ quan quản lý cao hơn. Chưa kể, dự án này thuộc đầu tư công nên việc tính lãi phát sinh là không đúng. Cụ thể, theo ông Khái, dự án này của trường được Sở Xây dựng TP HCM phê duyệt từ năm 2009 với tổng kinh phí được ngân sách cấp gần 36,7 tỉ đồng. Trong đó, chi phí xây lắp (được đấu thầu rộng rãi) chỉ hơn 26,1 tỉ đồng, số còn lại chi cho các hạng mục khác. Thế nhưng, hợp đồng ban đầu giữa bên nhà thầu và đại diện chủ đầu tư ký năm 2010 lại có giá trị gần 28 tỉ đồng, tức đã vượt mức ngân sách khoảng 1,9 tỉ đồng, cộng với chi phí phát sinh trong quá trình thi công khiến công trình lên đến hơn 31 tỉ đồng mà chỉ do hai bên tự ký kết biên bản với nhau. "Tất cả những khoản vượt mức này đều chưa được cơ quan cấp trên phê duyệt nhưng vẫn thi công là sai quy định. Cái sai này thuộc về trách nhiệm cá nhân hai bên, không thể bắt trường dùng ngân sách để chi trả được" - ông Khái nói.

Ông Khái cũng cho rằng thời gian qua, trường đã nhiều lần gửi văn bản kiến nghị lên Sở Xây dựng TP HCM và Sở Giáo dục - Đào tạo TP HCM để có hướng giải quyết nhưng vẫn chưa thấy hồi âm. Nếu trường vẫn phải trả, trường cũng không biết khi nào có kinh phí để trả vì tất cả phụ thuộc vào ngân sách.

Giải quyết sớm để ổn định dạy, học

Theo ông Lê Ngọc Khái, vụ việc kéo dài khiến ông và nhà trường rất mệt mỏi nhiều năm qua, ảnh hưởng quá trình dạy và học vì thường xuyên phải báo cáo, giải trình. Nên ông mong các ban ngành vào cuộc giải quyết để trường tập trung vào chuyên môn dạy và học cho tốt hơn.

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày