Một phụ huynh có con theo học tại trường cho rằng, sau thời gian nghỉ dịch, nhà trường dạy học trực tuyến phập phù, không hiệu quả nhưng lại phớt lờ quy định về chính sách học phí của Việt Nam là phải thoả thuận mức thu với phụ huynh mới được thu.
Cụ thể, ở đây, trong thông báo gửi tới phụ huynh ngày 8/5, Trường quốc tế Singapore đơn phương thông báo sẽ thu học phí học trực tuyến 80%, hoàn trả phụ huynh 20%. Tuy nhiên, mức hoàn trả đó cũng sẽ trừ vào học phí năm học tới. “Điều này có nghĩa nếu năm tới, con tôi không học ở đây nữa sẽ mất 100% học phí. Đây là điều rất vô lý, làm trái quy định của ngành giáo dục Việt Nam”, phụ huynh này nói.
Cũng theo phụ huynh này, điều phụ huynh không hài lòng nhất là việc dạy trực tuyến của trường không hiệu quả, do không có kế hoạch, không gửi thời khoá biểu cho phụ huynh. Trong thời gian ngắn, con phải học trên 2 nền tảng, phần mềm khác nhau, chưa làm quen được phần mềm này đã thay đổi nên các con chán nản. Bài tập con gửi giáo viên không chấm, không phản hồi. Do đó, phụ huynh đã nhiều lần gọi điện, gửi thư tới nhà trường nhưng không nhận được câu trả lời thoả đáng.
Trước đó, sáng 11/5, nhóm phụ huynh trường này cũng cho rằng, chất lượng học trực tuyến không hiệu quả nhưng thu tới 80% học phí nên đã cầm biển đứng cổng trường phản đối.
Trước đó, nhóm phụ huynh cũng phản đối chính sách học phí trường này
Chị N.T, phụ huynh lớp 2C, trường Quốc Tế Singapore (Hà Nội) chia sẻ, học phí cả năm của con là 270 triệu đồng bao gồm 4 học phần. Số tiền đó chỉ là tiền học phí, chưa bao gồm tiền ăn, tiền xe đưa đón học sinh. Ngày 8/5, nhà trường gửi thông báo tới toàn thể phụ huynh là thu 80% học phí học trực tuyến, hoàn trả 20% học phí của học phần 3 với điều kiện học sinh tiếp tục học ở trường vào năm học tới.
Phụ huynh này cho rằng, chất lượng học trực tuyến mù mờ, giáo viên đổi liên tục, không có chương trình học cụ thể nên các bài học đưa ra chưa phù hợp với học sinh. Do đó, phụ huynh này không chấp nhận mức học phí trường này đưa ra. “Trường dạy trực tuyến từ cuối tháng 3 nhưng đến tháng 4 mới ổn định. Giáo viên thay đổi liên tục, phụ huynh không rõ giáo viên từ đâu đến, bằng cấp, chứng chỉ ra sao”, chị N.T nói.
Điều mà nhóm phụ huynh này bức xúc chính là dù Bộ GD&ĐT Việt Nam, Sở GD&ĐT Hà Nội đã có quy định, việc thu học phí dạy học trực tuyến các trường ngoài công lập phải được thống nhất với phụ huynh thì Trường quốc tế Singapore hoàn toàn tự quyết mà không hề có buổi họp phụ huynh để trao đổi.
Sau khi nhóm phụ huynh cầm biển đứng cổng trường phản đối chính sách học phí, đòi trả lại tiền, đã được trường mời nào nói chuyện. Tuy nhiên, các phụ huynh này cho rằng, nhà trường lý giải một cách chung chung, không thoả đáng. Vì thế, họ sẽ tiếp tục kiến nghị để bảo vệ quyền lợi học sinh, phụ huynh.
Trường nói đã cân nhắc kỹ
Trước đó, trả lời báo chí, bà Ngô Thị Chi, Giám đốc Vận hành, công ty cổ phần KinderWord Việt Nam, (Trường Liên cấp Quốc tế Singapore trực thuộc công ty) cho hay, trong thời gian học sinh nghỉ phòng chống dịch, trường tổ chức ôn tập kiến thức và kết hợp dạy kiến thức mới cho học sinh trên Google classroom, Microsoft Team.
Tỷ lệ học sinh tham gia học online hàng ngày cho cấp tiểu học tăng dần từ trung bình 50% trong những tuần đầu tiên đến 90% và 100% trong một số ngày học và tuần học của tháng 4.
Do thời gian triển khai gấp, vừa thử nghiệm, vừa rút kinh nghiệm nên nhà trường có lúng túng một vài tuần đầu. "Tuy nhiên, với thái độ hết sức cầu thị, triển khai nghiêm túc, kết quả học tập online của nhà trường rất thành công và tạo được sự thay đổi trong nhận thức của giáo viên, học sinh về phương thức học tập mới”, bà Chi cho biết.
Cũng theo bà Chi, để dạy trực tuyến, nhà trường phải làm việc gấp 2-3 lần bình thường. Ban giám hiệu nhà trường phải cố gắng nỗ lực đảm bảo công ăn, việc làm, tiền lương cho giáo viên, cán bộ của nhà trường (trong đó có nhiều giáo viên nước ngoài), đảm bảo duy trì cơ sở vật chất sẵn sàng cho ngày học sinh quay trở lại.
Về việc thu học phí trực tuyến, theo bà Chi, nhà trường đã cân nhắc rất kỹ, phù hợp hướng dẫn của Bộ GD&ĐT.
Cụ thể với mức thu học phí trên đây, học sinh đã được giảm giá 20% trên học phần 3 cho lớp 1 đến lớp 3 và 15% trên học phần 3 cho lớp 4 đến lớp 5.
Ngoài ra, bà Chi cũng cho hay, kể từ ngày 11/5 khi học sinh đi học trở lại, nhà trường triển khai học bù miễn phí một tiết sau giờ học chính khóa; và học bù sáu ngày thứ Bảy. Thời gian học sẽ như các ngày học bình thường trong năm học. Học phí năm học mới 2020 - 2021 thay vì tăng 5-10%, nhà trường quyết định sẽ giữ nguyên. “Với mức thu học phí trên, theo chúng tôi là hợp lý, về cơ bản đã nhận được sự đồng thuận của phụ huynh học sinh bởi đã có sự chia sẻ khó khăn giữa người học và nhà trường”, bà Chi nói.
Trường không được phép thu khi chưa có thoả thuận
Ông Lê Ngọc Quang, Phó giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội cho rằng, trường ngoài khối công lập chỉ được thu học phí dạy học trực tuyến khi nào đạt được thoả thuận với phụ huynh. “Với các trường khối công lập đương nhiên dạy học trực tuyến không được thu đồng nào, còn trường ngoài công lập khi chưa thoả thuận được với phụ huynh không được phép thu”, ông Quang nói.
Cũng theo ông Quang, trước đó Sở GD&ĐT Hà Nội đã có văn bản gửi các cơ sở giáo dục về việc hướng dẫn thu học phí dạy học trực tuyến, trong đó nêu rõ vấn đề này. Tuy nhiên, đối với các trường ngoài công lập, thông thường phụ huynh hay đóng tiền học phí một cục cho cả học kỳ hay cả năm học từ đầu năm. Khi học sinh nghỉ học vì dịch bệnh, các nhà trường dạy học trực tuyến được phép thu phí nhưng hai bên phải có trao đổi, thống nhất với phụ huynh không được tuỳ tiện khấu trừ số tiền phụ huynh đã nộp trước đó.
Để giải quyết vấn đề thu học phí dạy học trực tuyến, ngày 11-5, Bộ GD&ĐT có văn bản gửi UBND các tỉnh, thành phố trên cả nước về việc thực hiện các khoản thu trong lĩnh vực giáo dục. Theo Bộ GD&ĐT, trong giai đoạn phòng chống dịch, việc thực hiện các khoản thu đối với năm học 2019-2020 phải bảo đảm các nguyên tắc công khai, minh bạch và thỏa thuận thu trên cơ sở triển khai thực tế công tác dạy học.