Trường học miền Trung khẩn trương dọn dẹp đón trò sau mưa lũ

Nhóm PV, Theo Giáo dục và Thời đại 17:54 17/10/2023

Các trường được yêu cầu phải bảo đảm an toàn tính mạng cho học sinh và giáo viên khi tổ chức hoạt động dạy học.

Hiệu trưởng trường học ở vùng thấp trũng, sạt lở… được trao quyền chủ động phối hợp với chính quyền địa phương quyết định thời gian nghỉ học của học sinh tùy theo diễn biến của thời tiết.

Trông trời, trông đất, trông mây

Trường học miền Trung khẩn trương dọn dẹp đón trò sau mưa lũ - Ảnh 1.

Phòng học ở tầng 1 của Trường Tiểu học Phú Tân (phường Thuận An, TP Huế) bị nước tràn vào khi học sinh đang trong giờ học. Ảnh: Đại Dương.

Tại Thừa Thiên - Huế, mưa lớn từ tối 12 đến ngày 13/10 khiến hoạt động dạy - học ở trường học bị gián đoạn. Nhiều điểm trường tại các huyện Phong Điền, Phú Vang phải cho trò nghỉ học. Vào 9 giờ 30 phút sáng 13/10, khi các lớp của Trường Tiểu học Phú Tân (phường Thuận An, TP Huế) đang trong giờ thì nước bất ngờ tràn vào phòng học ở tầng 1.

Giáo viên đứng lớp vừa đẩy nước ra ngoài, nhắc nhở học sinh ngồi nguyên vị trí, tránh đi lại phòng trường hợp bị trơn trượt. Nhà trường thông báo khẩn cho phụ huynh đến đón các em về nhà. Mưa lũ cũng làm đổ một đoạn tường phía ngoài Trường THPT Hương Trà, thị xã Hương Trà. May mắn không ảnh hưởng đến học sinh và người dân qua lại.

Ông Nguyễn Thanh Lịch - Trưởng phòng GD&ĐT quận Liên Chiểu (Đà Nẵng) cho biết, phòng yêu cầu các trường học trên địa bàn nắm danh sách học sinh có gia đình ở vùng bị ngập nước để biết mức độ ảnh hưởng, thiệt hại. Ngày 17/10, ưu tiên cho học sinh trở lại trường học đầy đủ. Trong trường hợp áo quần đồng phục, sách vở bị ướt, hư hỏng, nhà trường sẽ có phương án hỗ trợ.

Từ chiều 13/10, học sinh toàn tỉnh Thừa Thiên - Huế nghỉ học để bảo đảm an toàn do mưa lớn. Các giáo viên trường vùng thấp trũng chủ động di chuyển vật dụng, đồ dùng phục vụ dạy và học từ tầng 1 lên tầng 2 để phòng nước lũ dâng cao gây hư hỏng.

Trong ngày 16/10, nước lũ đã rút, học sinh các trường ở Thừa Thiên - Huế cơ bản đến trường. Tuy nhiên còn một số trường, điểm trường do nước lũ rút chậm nên học sinh vẫn nghỉ học.

Có thể kể đến: Trường Mầm non Phong Bình II; Trường Tiểu học Phong Bình cơ sở 3 - Vân Trình và Trường Tiểu học Phong Chương cơ sở 2 (huyện Phong Điền). Huyện Phú Vang có Trường Mầm non Phú Lương; Trường Tiểu học Phú Lương 1; Trường THCS Phú Lương; Trường Mầm non Phú Hồ; Trường Tiểu học Phú Hồ; Trường THCS Phú Hồ. Thị xã Hương Thủy chỉ có cơ sở chính của Trường Mầm non Thủy Thanh chưa tổ chức dạy học trở lại. Huyện Quảng Điền có Trường Mầm non Xuân Dương và Trường Mầm non Quảng Phước.

Thầy Lê Văn Hổ - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Phú Lương 1 (huyện Phú Vang, Thừa Thiên - Huế) cho biết: “Nước vào sân trường từ 0,3 đến 0,4m, mấp mé tràn vào các phòng học. Trong ngày 16/10, cán bộ giáo viên đã tổng vệ sinh toàn trường từ trong lớp đến hành lang và ngoài sân, đồng thời phun thuốc sát trùng ở các lớp.

Dự kiến ngày 17/10, học sinh trường đi học trở lại, tuy nhiên còn phụ thuộc vào việc có mưa lớn hay không và hồ Tả Trạch tại Huế xả nước. Chúng tôi thông báo cho phụ huynh theo dõi thông tin từ nhà trường, nếu nước rút thì ngày 17/10 tiến hành dạy học; còn nếu nước lũ lên lại sẽ cho nghỉ học để bảo đảm an toàn cho học sinh”.

Học sinh điểm Phước Hòa của Trường Tiểu học xã Bình Trị (huyện Bình Sơn, Quảng Ngãi) nghỉ học ngày 16/10 do nước mưa gây ngập cục bộ sân trường. Mực nước cao nhất tầm trên đầu gối người trưởng thành. Nhà trường đã chủ động đưa thiết bị, đồ dùng dạy học, sách vở lên cao từ hôm trước nên không thiệt hại gì. Trường cũng lên kế hoạch dạy bù sau khi nước trút.

Tại các huyện miền núi Quảng Ngãi, ngành Giáo dục địa phương đã lên phương án chủ động ứng phó với tình huống do mưa lũ, sạt lở có thể xảy ra. Hiện, trường học vùng núi vẫn theo dõi tình hình thời tiết cũng như chỉ đạo từ cấp trên.

Chia sẻ của thầy Bùi Tấn Binh - Hiệu trưởng Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học & THCS Đinh Thanh Kháng (huyện Sơn Tây, Quảng Ngãi), nhà trường chủ động các phương án bảo đảm an toàn. Trong trường hợp học sinh phải ở lại trường vào cuối tuần do mưa lũ chia cắt, trường có giáo viên trực và dự trữ sẵn nhu yếu phẩm. Do phần lớn thầy cô dạy học xa nhà nên được bố trí ở nhà công vụ nên công tác giảng dạy cũng như việc di chuyển không bị gián đoạn.

Trường học miền Trung khẩn trương dọn dẹp đón trò sau mưa lũ - Ảnh 3.

Một dãy nhà trọ của sinh viên tại TP Huế (Thừa Thiên - Huế) bị ngập trong nước. Ảnh: Hoàng Hải

Linh hoạt hình thức tổ chức dạy học

Để bảo đảm an toàn, từ chiều 13/10, các trường đại học trên địa bàn TP Đà Nẵng đã thông báo cho sinh viên nghỉ học. Các trường thành viên của ĐH Đà Nẵng đều chuyển sang dạy học trực tuyến vào ngày 16/10. Đối với các lớp học phần có lịch thi giữa kỳ, Trường ĐH Bách khoa, ĐH Đà Nẵng yêu cầu giảng viên chủ động bố trí lịch thi trực tiếp trước ngày 30/10 để bảo đảm kế hoạch học tập của học kỳ I. Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật, ĐH Đà Nẵng tổ chức dạy trực tuyến ngày 16/10 đối với những học phần phù hợp.

Sinh viên các cơ sở giáo dục đại học ở Thừa Thiên - Huế cũng không đến trường từ chiều ngày 13/10. Một số trường đại học chuyển sang học online để bảo đảm an toàn. Sinh viên Nguyễn Thái Quốc (năm 3, Trường ĐH Luật, ĐH Huế) kể mưa to và ngập lụt nhiều nơi nên nhà trường cho toàn bộ sinh viên nghỉ học vào chiều và tối ngày 13/10. Lịch học được trường bố trí vào một buổi khác.

Trong khi đó, Trường ĐH Kinh tế, ĐH Huế tổ chức học online từ ngày 13/10 do mưa to. Sinh viên Mỹ Linh cho biết: “Chúng em học online qua điện thoại, máy tính. Nếu chưa hiểu, em sẽ hỏi thầy, cô ngay tại giờ học online hoặc hôm sau có thể đến trường để trao đổi trực tiếp”.

Những dãy phòng ở tuyến đường Nguyễn Hữu Cảnh, phường An Tây, TP Huế có lẽ bị ngập sâu nhất. Vào Huế học được khoảng 2 tháng, sinh viên Cù Huy Bắc - năm nhất Trường ĐH Kinh tế, ĐH Huế cho hay: “Đợt mưa vừa qua, khu trọ bị ngập sâu, nước vào tận phòng trọ, dâng cao khoảng 1,2m. Đồ đạc em phải kê lên cao, xe máy đi gửi nơi khác. Tối đến, em qua nhà bạn ngủ nhờ, đợi nước rút rồi hôm sau mới về dọn dẹp lại phòng. Nếu mưa tiếp tục, khu trọ này sẽ bị ngập lại”.

Trường học miền Trung khẩn trương dọn dẹp đón trò sau mưa lũ - Ảnh 4.

Giáo viên và phụ huynh Trường Tiểu học Hồng Quang (Đà Nẵng) dọn bùn non sau khi nước rút. Ảnh: Hoàng Hải

Bảo đảm phương châm 4 tại chỗ

Đồng thời với thông báo nghỉ học, chị Trần Thị Hồng Vân, có con học tại Trường Tiểu học Phan Thanh (Tam Kỳ, Quảng Nam) cũng được cô giáo lưu ý về việc bảo đảm an toàn cho con em khi ở nhà. Theo đó, phụ huynh không cho con em đến gần khu vực ngập nước, không vớt củi, bắt cá trên các sông, suối, ao hồ… để phòng tránh đuối nước. Đặc biệt, với những hộ gia đình ở vùng thấp trũng, có khả năng nước tràn vào nhà, cần bảo đảm an toàn về điện.

Ngày 16/10, học sinh các trường mầm non, tiểu học, THCS phố Tam Kỳ nghỉ học để phòng tránh mưa to, ngập lụt. Sau ngày 16/10, hiệu trưởng các trường tùy vào tình hình thực tế tại địa phương, nếu xét thấy cần thiết cho học sinh nghỉ học tiếp để bảo đảm an toàn cho học sinh thì báo cáo về phòng GĐ&ĐT thành phố để theo dõi, chỉ đạo.

Bà Lê Thị Bích Thuận - Giám đốc Sở GD&ĐT Đà Nẵng cho biết: “Trong phòng chống bão lụt, các trường học ở Đà Nẵng quán triệt phương châm 4 tại chỗ. Đơn vị, trường học cần chủ động xây dựng phương án bảo vệ con người và tài sản”. Trước mỗi năm học mới, các trường học đều triển khai rà soát, tu bổ cơ sở vật chất.

Thời điểm này cũng gần sát với mùa mưa bão ở miền Trung nên các trường đều tổ chức cắt tỉa cây xanh trong khuôn viên. Những cây có nguy cơ gãy cành, ngã đổ được xử lý. Hệ thống điện, thiết bị điện, cáp viễn thông được kiểm tra, bảo đảm độ cao an toàn, không gây nguy hiểm khi đi lại trước khi học sinh tựu trường.

Năm nay, dù bị nước tràn vào tận lớp học, nhưng Trường Tiểu học Hồng Quang (quận Liên Chiểu, TP Đà Nẵng) đã giảm thiểu thiệt hại đến mức tối đa. Cô Trịnh Thị Thu Thanh - Phó Hiệu trưởng nhà trường thông tin: “Khi có mưa lớn kéo dài, chiều 13/10, trường bọc tất cả sách vở của học sinh và đưa lên tầng 2. Đồ dùng, thiết bị, máy móc cũng được di dời lên trên để tránh bị ngập như năm trước”.

Sau mưa, Trường Tiểu học Hồng Quang huy động 70 cán bộ, giáo viên nhân viên cùng sự hỗ trợ của khoảng 100 phụ huynh để dọn bùn non ở sân trường và các phòng học tầng trệt.

Theo ông Nguyễn Minh Anh - Trưởng phòng GD&ĐT huyện Sơn Tây (Quảng Ngãi), huyện đã chủ động lên kịch bản ứng phó với các tình huống do mưa lũ gây ra; lập danh sách các điểm trường có nguy cơ sạt lở và điểm trường kiên cố, an toàn làm nơi lánh nạn cho học sinh, người dân khi xảy ra thiên tai. Phân quyền cho hiệu trưởng các trường cho học sinh nghỉ học trong trường hợp xảy ra thiên tai bất ngờ.