1. Tình cảm vợ chồng cảm động của Odysseus và Penelope
Yêu xa ư? Mới nghĩ thôi mà hầu hết mọi người cũng lắc đầu rồi chứ nói gì đến chuyện thử. Những câu chuyện vợ chờ chồng đi làm xa giờ chỉ còn xuất hiện trong lời kể của ông bà, bố mẹ chúng ta. Thế nhưng lịch sử đã ghi lại chuyện một cặp đôi "yêu xa" tận 20 năm liền mà vẫn gắn bó và quay về; đó chính là câu chuyện giữa Odysseus và Penelope.
Theo sử thi Odyssey, Penelope cưới Odysseus khi mới chỉ ở tuổi 18, đôi mươi. Sau đó cặp đôi nhanh chóng có một người con trai, tên là Telemachus. Ngày vui ngắn chẳng tày gàng, chàng Odysseus phải lên đường tham gia cuộc chiến thành Trojan. Kể từ đây, nàng Penelope bắt đầu chuỗi ngày dài vò võ trông con và chờ chồng về kéo dài 20 năm.
Trong vòng 20 năm đó, không phải Penelope không có chàng trai nào tán tỉnh; ngược lại có đến 108 chàng trai thay nhau đến trước cửa nhà nàng cầu hôn. Thế nhưng, nàng Penelope đã kiên quyết từ chối tất cả bọn họ và chỉ chung thủy với mình chồng. Nàng đã từng nghĩ ra đủ mọi cách khó khăn để tất cả mấy người đó chịu thua, thậm chí mang cả cây cung của chồng ra để thử thách bọn họ.
Cặp đôi vô địch về yêu xa: Odysseus & Penelope
Về phần Odysseus, xét trên một phương diện nào đó, chàng cũng luôn chung thủy với người vợ tào khang. Trong suốt bao nhiêu năm phiêu bạt, gặp đủ rào cản gian nan hay cám dỗ mê hoặc, chàng vẫn luôn hướng về quê nhà, nơi có người vợ và đứa con trai bé nhỏ. Mặc dù nữ thần Calypso quyến rũ dùng sự bất tử và trẻ trung để níu chân, chàng vẫn không mảy may động lòng mà chỉ muốn nhanh chóng quay về.
Odysseus cũng có những giây phút "yếu lòng" do nhu cầu sinh lý; thế nhưng lúc nào thì trái tim chàng cũng chung thủy với gia đình, với người vợ Penelope xinh đẹp. Cuối cùng, sau 20 năm gian khổ, cặp vợ chồng Odysseus và Penelope cũng được đoàn tụ với nhau ở thành Ithaca và sống trọn đời hạnh phúc.
Sau này, nàng Penelope trở thành biểu tượng của lòng chung thủy, sắt son của người phụ nữ và câu chuyện của nàng đã tiếp thêm động lực, hy vọng cho rất nhiều cặp đôi không may phải chịu cảnh yêu trong xa cách.
2. Tình yêu của cặp đôi quyền lực Cleopatra và Mark Antony
Cuộc gặp gỡ đầu tiên trên thuyền
Nàng là nữ hoàng thông minh, sắc sảo của vương quốc Ai Cập còn chàng là vị tướng tài năng của đế chế La Mã hùng mạnh. Để bảo vệ địa vị của mình, nàng bắt buộc phải trở thành người tình của Hoàng đế La Mã thời bấy giờ là Ceasar; còn chàng lúc đó chỉ là tướng quân dưới quyền Hoàng đế. Thế nên dù yêu nàng tha thiết nhưng chàng chỉ có thể đứng đằng sau dõi theo từng bước đi của nàng.
Phải cho đến khi Hoàng đế qua đời, chàng tướng quân Antony mới tìm được cách đến với Nữ hoàng Cleopatra xinh đẹp. Nhân một dịp gặp gỡ ở Tasus, trên chiếc du thuyền xa hoa lộng lẫy của Nữ hoàng, trái tim của đôi trai tài gái sắc đã hoàn toàn thuộc về nhau. Sau đó, Antony chuyển đến sống ở Alexandria để có thể ở bên cạnh người tình và cặp đôi đã có những ngày tháng chìm đắm trong hạnh phúc.
Sự thông minh, sắc sảo của Cleopatra đã hoàn toàn làm cho Mark Antony đắm say
Tình yêu của cả hai đẹp là vậy, hạnh phúc là vậy, nhưng nó lại chính là mối đe dọa lớn đến sự toàn vẹn của đế chế La Mã. Thêm vào đó, người dân La Mã lúc này đã nghe theo Augustus và ngày càng trở nên bất mãn với Mark Antony. Thế là chiến tranh nhanh chóng nổ ra, và Cleopatra không còn cách nào khác ngoài việc rút quân tháo chạy về Ai Cập.
Lúc này, Mark Antony cũng cùng chạy theo nàng. Sau đó, trong một trận chiến Antony nghe tin rằng Cleopatra đã bị giết chết. Quá đau khổ và tuyệt vọng, chàng rút kiếm và đâm vào giữa ngực mình. Nàng Cleopatra khi nghe tin tình nhân đã bị sát hại thì cũng tự tử bằng cách để con rắn cắn vào cổ tay để đoàn tụ với chàng ở thế giới bên kia.
Cleopatra khóc thương trước xác chàng Antony
3. Câu chuyện tình yêu ngang trái giữa Tristan và Isolde
Tristan đem lòng yêu vị hôn thê của chú mình, nàng Isolde
Câu chuyện tình yêu ngang trái của Tristan và Isolde được lưu truyền qua rất nhiều thế hệ và làm bao trái tim thổn thức.
Chàng hiệp sĩ Tristan tìm đến vương quốc Ireland để cầu hôn công chúa Ireland, Isolde cho chú chàng là vua Mark xứ Cornwall. Lo sợ con gái mình sẽ không yêu nhà vua và có cuộc hôn nhân không hạnh phúc, hoàng hậu xứ Ireland đã chuẩn bị sẵn một loại rượu tẩm bùa để hai người uống trong hôn lễ. Thứ rượu đó sẽ khiến công chúa yêu nhà vua suốt đời.
Tình yêu của Tristan và Isolde vẫn tiếp tục dù cả hai đều kết hôn với người khác
Thế nhưng, trên đường về xứ Cornwall, chàng Tristan và nàng Isolde đã uống nhầm thứ rượu kia, và như định mệnh họ yêu nhau say đắm. Khi biết chuyện này, vua Mark đã rất tức giận, định xử tử Tristan khiến cho đôi trẻ phải cùng nhau chạy trốn vào rừng Maurrouis. Thế nhưng sau này, vì lòng trung thành với vua, chàng Tristan đã đem nàng Isolde trả lại cho vua, còn bản thân thì đi biệt xứ.
Tristan cuối cùng cũng cưới vợ, là nàng Iseult vì nàng ta có cái tên đọc gần giống với tên tình yêu đích thực của đời chàng. Trong một lần đấu kiếm, Tristan chẳng may bị thương nặng. Biết mình khó qua khỏi, chàng cho người đưa nàng Isolde đến để gặp mặt lần cuối. Khi Isolde đến, Tristan đã tắt thở. Quá đau khổ, nàng Isolde ôm lấy thân xác lạnh lẽo của Tristan, than khóc rồi cũng tự tử để đoàn tụ cùng chàng.
Tristan và Isolde sống chết có nhau, mãi chẳng xa rời
4. Romeo & Juliet phiên bản Trung Đông: Pyramus & Thisbe
Câu chuyện giữa Pyramus và Thisbe mang rất nhiều nét tương tự với chuyện tình Romeo & Juliet của đại văn hào Shakespeare. Hai người là con cái trong hai gia đình vốn có nhiều mối thâm thù và xung đột kịch liệt. Lớn lên, Pyramus được mệnh danh là chàng trai hào hoa phong nhã bậc nhất thành Babylonia còn Thisbe là hoa khôi trong các hoa khôi.
Như lẽ dĩ nhiên, trai tài tìm đến gái sắc, Pyramus và Thisbe nhanh chóng phải lòng nhau và bất chấp sự tranh đấu giữa hai dòng tộc, họ tìm mọi cách để bảo vệ tình yêu đôi lứa. Trong một lần hẹn hò bí mật bên bờ hồ, nàng Thisbe đến trước và ngồi ở đó chờ tình nhân. Lúc đó, một con sư tử vừa mới săn mồi cũng đến bên hồ uống nước.
Đôi tình nhân xấu số Pyramus và Thisbe
Nàng Thisbe nhanh chóng chạy trốn sau một cái hang nhưng lại bất cẩn đánh rơi chiếc khăn. Con sư tử bắt gặp chiếc khăn rồi ngoạm chiếc khăn trong cái miệng đầy máu. Lúc sau khi Pyramus đến bờ hồ thì đã nhìn thấy chiếc khăn thấm đẫm máu con sư tử bỏ lại đó. Ngay lập tức chàng nghĩ rằng, tình nhân đã bị hãm hại; quá đau đớn chàng bèn rút kiếm đâm vào giữa ngực.
Khi nàng Thisbe quay về thì phát hiện ra chàng Pyramus đã chết rồi. Nàng rút con dao từ ngực chàng ra và kết liễu đời mình, đi theo tiếng gọi của tình yêu.
5. Tình yêu thầy trò giữa nàng Heloise và chàng Abelard
Khác với những câu chuyện trên, câu chuyện về tình yêu giữa Heloise và Abelard là một câu chuyện hoàn toàn có thật, xảy ra vào thế kỷ 12 ở châu Âu. Pierre Aberlard là nhà triết học và thần học lừng danh còn Heloise là cháu ruột của Fulbert - một giáo sĩ giàu có và thế lực. Nàng được hưởng một nền giáo dục tốt từ nhỏ và đến tuổi trăng tròn thì trở nên thông tuệ hơn người.
Như duyên phận sắp đặt, Abelard được Fulbert mời đến làm thầy dạy cho cháu gái mình. Từ đó, hai người dần dần quen nhau, trở thành những người bạn thân thiết nhất và sau cùng là yêu nhau say đắm. Thế nhưng dù cẩn thận đến mấy thì tình yêu này cũng bị chú của nàng, Fulbert phát hiện. Quá tức giận, Fulbert ngay lập tức chia rẽ đôi tình nhân và kể từ đây, họ chỉ có thể trao đổi với nhau qua thư từ.
Tình yêu bị cấm đoán bởi định kiến xã hội Paris lúc đó
Và trong một lá thư gửi đến người tình, Heloise cho chàng biết, bản thân đang mang giọt máu - kết tinh tình yêu của hai người. Abelard tìm mọi cách để đưa tình nhân đến Brittany - quê hương chàng và cũng là nơi nàng hạ sinh con trai của hai người. Thế nhưng đến lúc này Fulbert vẫn không buông tha cho đôi tình nhân. Ông dùng mọi cách để gây áp lực với họ và buộc họ phải chia rời.
Cuối cùng, vào một đêm nọ, Fulbert đã ra lệnh cho gia nhân đột nhập vào nơi Abelard đang say ngủ và đè chàng ra thiến. Nỗi đau khủng khiếp cơ thể không là gì so với nỗi nhục nhã và tuyệt vọng về một hạnh phúc lứa đôi, sau biến cố này, Abelard chính thức trở thành một tu sĩ thuộc dòng tu Benedek ở Saint-Denis. Từ đó, cuộc đời chàng dành trọn cho nghiên cứu triết học, thần học. Còn tình yêu đối với Heloise, thứ tình yêu mà thảm kịch và sự chia lìa cũng không diệt nổi, chỉ được tiếp tục qua những trang thư.
Về phần nàng Heloise, sau này nàng cũng trở thành nữ tu cùng dòng với chàng Abelard. Dù thân thể bị trói buộc nhưng trái tim họ dành cho nhau trọn đời. Cuối cùng, chàng Abelard qua đời ở tuổi 63 và Heloise sống thêm 22 năm nữa rồi cùng ra đi ở tu viện nơi bà gắn bó.
Tình cảm này chỉ còn có thể gửi đến đối phương qua những bức thư
Nguồn: Ancient Origins