Chần thịt qua nước sôi là một thói quen rất phổ biến được các bà nội trợ Việt áp dụng. Mỗi lần đi mua thịt về, nhiều người còn cẩn thận đun sôi nước, sau đó rót lên ngập tràn miếng thịt để loại bỏ chất bẩn, chất độc hại rồi mới tiến hành chế biến thịt thành món này món kia.
Chần thịt qua nước sôi trước khi chế biến - Thói quen của nhiều người trong nhà bếp
Khi nước sôi được dội lên, nhiều người còn đợi chờ đến vài phút sau mới vớt thịt ra. Không ít người cho rằng thói quen này sẽ giúp loại bỏ chất độc hại, chất bẩn có trong miếng thịt theo nguyên lý đơn giản: dội nước sôi vào, chất bẩn, chất độc cũng bị trôi ra ngoài theo dòng nước nóng xối xả. Chưa kể, nước sôi ở nhiệt độ cao giúp giết chết vi khuẩn, virus... Thế là yên tâm việc luộc thịt, rang thịt được ngon lành, đảm bảo sức khỏe hơn.
Không biết hiệu quả của việc làm này đến đâu nhưng rất nhiều bà nội trợ hiện vẫn đang tâm đắc với cách này. Nhất là trong cuộc sống hiện đại, thịt lợn có nguy cơ nuôi tăng trọng, miếng thịt mua về không có được mùi thơm đặc trưng. Thậm chí, có thể bạn mua phải thịt lợn có mùi hôi rõ rệt. Lúc này, giải pháp cứu cánh được chị em một lần nữa truyền tai nhau vẫn là chần thịt qua nước sôi trước khi chế biến.
Chần qua nước sôi cũng trở thành giải pháp khử khuẩn, khử mùi được nhiều người trong hội chị em bếp núc truyền tai nhau. Hiệu quả của phương pháp này đến đâu, chúng ta hãy cùng nghe chuyên gia chia sẻ!
Chần qua nước sôi cũng trở thành giải pháp khử khuẩn, khử mùi được nhiều người trong hội chị em bếp núc truyền tai nhau
Theo PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh (Nguyên giảng viên Viện Công nghệ Sinh học và Thực phẩm, Đại học Bách khoa Hà Nội), chần thịt qua nước sôi là một trong những cách làm sạch thịt trước khi chế biến rất phổ biến được nhiều người ưa chuộng. Mặc dù vậy, cách này không có tác dụng loại bỏ chất độc, chất bẩn ra khỏi miếng thịt như chúng ta đang nghĩ. Thậm chí, hành động đun sôi nước rồi dội lên thịt để chần còn khiến miếng thịt càng trở nên độc hơn.
Theo chuyên gia, "đây là suy nghĩ hoàn toàn sai lầm bởi do đặc tính của thịt, miếng thịt đang ở trạng thái bình thường, gặp nhiệt độ cao sẽ khiến protein bề mặt miếng thịt đóng vón lại, nghiễm nhiên chất độc hại, chất bẩn ở bên trong không thể thoát ra ngoài được".
Chần thịt bằng cách cho miếng thịt vào nước đun sôi sẽ làm cho miếng thịt biến tính co lại.
"Hay nói cách khác, chần thịt bằng cách cho miếng thịt vào nước đun sôi sẽ làm cho miếng thịt biến tính co lại. Lúc này, thịt có nguy cơ ngấm thêm các chất bẩn chứ không hề đào thải ra bên ngoài như nhiều người đang nghĩ. Thậm chí khiến miếng thịt trở nên độc hơn", chuyên gia khẳng định.
Theo PGS.TS Thịnh, thay vì cho thịt vào nước sôi chần qua trước khi chế biến, bạn nên rửa thịt nhiều lần bằng nước sạch sau khi mua ngoài chợ về. Trong quá trình rửa có thể bóp qua với muối một vài lần, hoặc có thể rửa bằng nước muối pha loãng và sau đó rửa lại bằng nước sạch.
Để thịt thơm ngon, tránh mùi hôi, bạn nên cho thêm hành, sả… đập vào nồi thịt để thịt thơm hơn, ngọt hơn
Để thịt thơm ngon, tránh mùi hôi, bạn nên cho thêm hành, sả… đập vào nồi thịt để thịt thơm hơn, ngọt hơn. Đối với thịt luộc, bạn có thể cho thịt vào nồi nước đang sôi để luộc chín thay vì cho miếng thịt vào nước lạnh ngay từ ban đầu. "Cho thịt vào nước đang sôi để luộc thịt sẽ giúp miếng thịt khi ăn có cảm giác ngọt hơn, hương vị cũng thơm ngon hơn", TS Từ Ngữ (Tổng Thư ký Hội Dinh dưỡng Việt Nam) nhận định.
Giới chuyên gia cho biết thêm, khi luộc thịt, nấu thịt… nếu thấy có hiện tượng nổi bọt, nổi váng thì nên dùng thìa để hớt bỏ đi cũng sẽ giúp giảm tối đa chất bẩn, độc hại thôi ra trong quá trình nấu thịt.
Theo PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh, thịt lợn ngon là thịt đang khỏe mạnh thì rất tươi màu sắc miếng thịt hồng tự nhiên, phần mỡ trắng. Còn thịt con lợn bị bệnh sẽ có màu sắc bất thường. Đặc biệt, với thịt lợn có dấu hiệu hỏng thì màu sắc thường nhợt nhạt, tím tái, thâm đen. Thịt lợn khi chết đã chết thường có mùi nên rất dễ nhận ra thịt lợn bệnh. Cụ thể:
- Màu sắc: Thịt lợn sạch có màu hồng tươi, khi ấn tay vào miếng thịt sẽ thấy ấm và không rỉ nước. Thịt lợn đã tiêm thuốc để bơm nước thì thịt không còn màu hồng, màu nhạt hơn, khi ấn tay vào miếng thịt thì cảm thấy lạnh và nước rỉ ra ngoài.
- Độ săn chắc: Thịt lợn tươi ngon khi sờ vào thớ thịt có cảm giác đàn hồi, màng bên ngoài khô và dính. Trong khi đó, lợn đã bị tiêm thuốc, miếng thịt thường nhão, không có sự đàn hồi.
- Khi chế biến: Thịt lợn ngon khi chế biến sẽ săn lại, khi tẩm ướp gia vị thịt khô ráo, không ra nước. Thịt đã bị tiêm thuốc thì khi nấu, miếng thịt quắt lại, ra nhiều nước, ăn không ngon, mất đi hương vị đặc trưng và mau bị ôi thiu.
- Xem lớp mỡ bên dưới da miếng thịt, nếu lớp mỡ mỏng và lỏng lẻo nên tránh: Thông thường lợn siêu nạc được ăn hóa chất nên lớp mỡ mỏng hẳn đi, có khi dày chưa đến 1cm, trong khi lớp mỡ của thịt lợn bình thường khoảng 1,5-2cm.
- Thịt lợn có chứa các độc chất ractopamine và clenbuterol thường có màu đỏ tươi khác thường, sáng và bóng.
- Thái miếng thịt ra từng đoạn dày bằng 2-3 ngón tay, nếu thấy thịt mềm, không đứng thẳng được trên bàn rất có thể thịt đã nhiễm chất tăng trọng.
- Quan sát xem chỗ liên kết giữa phần nạc và mỡ, nếu thấy tách rời rõ rệt, đồng thời có nước dịch màu vàng rỉ ra, chắc chắn đó là thịt siêu nạc.
Ngoài ra, để tránh nguy cơ mua phải thịt lợn bẩn, người tiêu dùng cũng nên mua thịt lợn ở những cơ sở uy tín, có đóng dấu kiểm dịch rõ ràng của cơ quan chức năng, tránh mua ở những hàng quán vỉa hè, không rõ nguồn gốc và không đảm bảo an toàn. Để mua được thịt lợn tươi ngon tốt nhất nên đi chợ vào buổi sáng, vì buổi chiều thường có những loại thịt tồn lại trong ngày.