Nước nào cũng có một loại trang phục truyền thống, các nhà làm phim luôn cố gắng đưa nó lên màn ảnh, không chỉ để để tăng tính quen thuộc mà còn góp phần quảng bá văn hóa với khán giả thế giới.
Thế nhưng, sẽ là thử thách lớn nếu bộ trang phục đó trở thành chủ đề chính, nhất là ở Việt Nam. Bởi lẽ, đối với Việt Nam, chỉ riêng quốc phục thôi cũng đã có rất nhiều phiên bản, phù hợp với từng hoàn cảnh lịch sử - xã hội. Nếu như không cẩn thận sẽ có thể làm cho nội dung chạy một đằng, hình ảnh đi một nẻo.
Mọi người đang đặt nhiều kỳ vọng vào Cô Ba Sài Gòn vì tác phẩm nói về áo dài. Tuy nhiên, trước Cô Ba Sài Gòn cũng đã không ít lần các đạo diễn, biên kịch cố gắng tạo được ấn tượng với trang phục truyền thống thông qua một tình tiết hoặc nhân vật nào đó.
Có thể coi áo tứ thân và váy đụp là phiên bản đầu tiên của trang phục truyền thống dành cho phụ nữ miền Bắc. Cho đến tận đầu thế kỉ XX, các bà, các cô vẫn mặc nó như trang phục hàng ngày. Dù đi làm đồng, đi chơi, tham gia hội hè… đều rất thuận tiện. Và để tái hiện lại không gian đương thời, các nhà biên kịch không thể thay thế loại áo này bằng bất cứ trang phục nào khác.
Đầu tiên trong Thiên Mệnh Anh Hùng, để có những cảnh quay đẹp mắt nhưng gần gũi với thực tế, ekip của đạo diễn Victor Vũ đã đầu tư khá nhiều thời gian để lựa chọn trang phục. Lên phim, ta dễ dàng nhận ra đây là phim cổ trang Việt Nam chứ không phải phim kiếm hiệp của các nước bạn.
Diễn viên Midu đậm chất dân dã nhưng vẫn toát lên khí chất của cô gái can đảm
Vẫn bộ trang phục đó, nhưng lại đem đến cảm giác dịu dàng của cô gái tròn đôi mươi
Từ phim Lều chõng, những bộ trang phục quen thuộc ấy đã khiến cho khoảng thời gian cuối triều Nguyễn hiện lên rõ nét hơn trong nhận thức của khán giả.
Trang phục khiến cho diễn viên Thu Trang toát lên chất thôn nữ của mình
Cũng bắt đầu trong thời gian này, áo dài đã được định hình, nhưng chỉ được sử dụng trong những dịp quan trọng của đời người như cưới xin, lễ hội…
Áo dài thời kì này thiết kế còn khá đơn giản với dáng suông, chất vải gấm chứ chưa thêu thùa nhiều họa tiết. Tuy vậy vẫn vô cùng tinh tế và đẹp mắt
Với bộ phim Áo lụa Hà Đông, trang phục phổ biến vẫn là áo tứ thân, phù hợp cho hoạt động thường nhật, nhưng nhân vật Hội An có viết trong bài văn của mình rằng: "Mẹ tôi bảo áo dài là biểu tượng của sự chịu đựng vô bờ bến. Của những tấm lòng rộng lượng của người phụ nữ Việt Nam.
Dù trong hoàn cảnh khó khăn, dù cho chiến tranh bom đạn, có tàn phá thế nào đi nữa. Áo dài phụ nữ Việt Nam vẫn tồn tại và vẫn giữ được vẻ đẹp của nó, vẻ đẹp của phụ nữ Việt Nam, không phải là làn da trắng hay má đỏ môi hồng mà phải nhìn qua những tà áo dài thướt tha, dịu dàng thể hiện lên một tâm hồn trong sạch và tính nết đoan trang của nó.", đó dường như là lời nhận định hay nhất về quốc phục Việt Nam.
Áo dài bấy giờ là một trang phục khá đắt đỏ, không phải ai cũng có thể có riêng cho mình một bộ như bây giờ. Nếu như không phải như ca đào, ca nương, thì khó có được một bộ áo dài lung linh, rực rỡ. Điều này thể hiện khá rõ nét trong "Long thành cầm giả ca".
Cầm – Đệ nhất ca nương trong Long Thành cầm giả ca
Đến giai đoạn sau 1975, áo dài đã trở nên phổ biến hơn do tình hình kinh tế xã hội đã có những thay đổi nhất định. Áo dài xuất hiện nhiều hơn và cũng được chau chuốt hơn. Tuy nhiên, cùng với sự phát triển của xã hội, thời trang đương thời cũng gặp khá nhiều thách thức, đó là phong trào Tây hóa đang lan rộng khắp cả nước.
Trong bộ phim Trò đời, có thể khẳng định, nhân vật đã được thành hình từ trang phục. Người xem có thể hình dung rất rõ tính cách của các nhân vật điển hình như Xuân tóc đỏ, bà Phó Đoan, cụ cố Hồng, vợ chồng Văn Minh... qua những bộ trang phục được thực hiện vô cùng tỉ mỉ. Không quá sa đà vào thể hiện những lố lăng kệch cỡm mà chỉ thể hiện một cách đúng mực, trang phục trong phim còn những nét đẹp trong đời sống văn hóa của người Hà Nội xưa.
Giữa những chuyển mình của xã hội, áo dài vẫn luôn được người phụ nữ lựa chọn
Mười – bộ phim nhựa kinh dị đầu tiên của Việt Nam đã đưa áo dài vào phim. Tuy nhiên, do gặp phải một số vấn đề trong kiểm duyệt nên phim không đạt được thành công như mong đợi. Mãi đến sau này khi kết hợp với Hàn Quốc, bộ phim mới có thể tới với khán giả. Chính nhờ điều này, cũng đã khẳng định một điều, tuy là quốc phục của Việt Nam , nhưng áo dài không quá kén người mặc.
Các bạn diễn viên Hàn Quốc trong trang phục áo dài
Nhưng có lẽ nhân vật gắn liền với hình tượng chiếc áo dài trắng của điện ảnh Việt, khi nhắc đến là nhớ ngay chính là vai Trúc của Tăng Thanh Hà trong Bỗng dưng muốn khóc. Mặc dù đã thoát hẳn khỏi những kịch bản về khoảng thời gian trong quá khứ, những đạo diễn vẫn quyết định chọn áo dài đặt vào phim để cô thiếu nữ Trúc thể hiện được cái hồn của người con gái Việt Nam.
Hình ảnh một cô gái với nụ cười tươi rói, cùng với tà áo dài trắng dường như đã thổi vào khán giả một làn gió mới giữa những bộ phim phê phán lối sống của giới trẻ bấy giờ. Đặt cạnh chàng công tử Bảo Nam, khí chất của Trúc càng được nhân lên. Bởi chính vì sự thuần khiết của mình, Trúc đã "cảm hóa" thành công anh.
Sau một thời gian, mảng phim Việt Nam thường đề cập tới những vấn đề hiện tại, thì đả nữ Ngô Thanh Vân đã tạo ra một cú huých lớn, khi quyết định làm một bộ phim dành riêng để tôn vinh tà áo dài truyền thống. "Cô Ba Sài Gòn" đã một lần nữa đưa áo dài tới bạn bè quốc tế, cụ thể là trong Liên hoan phim Quốc tế Busan lần thứ 22 và được đánh giá khá cao.
Dàn diễn viên trong tà áo truyền thống
Đây không phải lần đầu tiên, Ngô Thanh Vân cùng ekip làm phim về những giá trị truyền thống của Việt Nam, và điều khiến "Cô Ba Sài Gòn" khác biệt với những phim trước đó, chính là giá trị nhân văn mà nó truyền tải.
Giá trị phụ nữ cũng được tôn vinh
Với tất cả những phim của mình, Ngô Thanh Vân đều rất chú tâm vào từng tiểu tiết. Lần này, trong Cô Ba Sài Gòn, chiếc áo dài thậm chí còn được tỉ mẩn chú trọng từng đường kim mũi chỉ. Với một đoạn trailer ngắn, Ngô Thanh Vân đã khiến khán giả vô cùng tò mò về những bộ trang phục sẽ xuất hiện, đặc biệt là chiếc áo dài đính ngọc của hiệu may Thanh Nữ.
Hãy cùng đón xem Cô Ba Sài Gòn sẽ đem tới những gì cho khán giả trong thời gian tới.