Mới đây, nhân dịp ngày phụ nữ Việt Nam 20-10, bộ phim Cô Ba Sài Gòn sẽ được chiếu ra mắt thế giới tại liên hoan phim quốc tế Busan. Ekip làm phim đã tung ra một loạt ảnh poster mới để quảng bá cho bộ phim. Trong đó, các nhân vật chụp ảnh với tư thế hướng vai về phía người đối diện và vung nắm đấm lên vuông góc với bắp tay. Phía trên là dòng chữ "Mị làm được" và "Phụ nữ độc lập tự lo hạnh phúc!".
Không quá khó để nhận ra rằng việc sử dụng kiểu tạo dáng này lấy cảm hứng trực tiếp từ áp phích cổ động "Rosie the Riveter" của Mỹ thời chiến tranh thế giới lần thứ 2. Hình ảnh của Rosie đại diện cho những người phụ nữ làm việc trong nhà máy và xưởng đóng tàu thời kỳ đó. Khi hầu hết đàn ông và sức lao động trẻ đều đã ra mặt trận, công việc lao động chân tay của họ bị bỏ lại trong các nhà máy thì phụ nữ là những người đứng ra tiếp quản nhiệm vụ duy trì nền công nghiệp. Đôi khi, họ còn sản xuất ra cả những hàng hoá tiếp tế quân sự để phục vụ cho mặt trận.
Tấm áp-phích Rosie the Riveter của Mỹ kinh điển, nguồn cảm hứng của rất loại hình văn hóa nghệ thuật sau này
Những áp phích khác với ý nghĩa tương tự cũng được chính phủ các nước như Anh và Australia sử dụng để vận động nữ giới tham gia sản xuất. Sử dụng ngoại hình của một nữ công nhân khoẻ khoắn, giàu năng lượng, người phát minh ra hình ảnh của Rosie (J. Howard Miller) muốn nói rằng kể cả phụ nữ cũng có thể sắn tay vào làm việc với máy khoan, cờ lê và mỏ lết.
Rosie the Riveter sau đó cũng được nhiều nhà hoạt động nữ quyền dùng làm hình ảnh thể hiện cho vai trò của phụ nữ trong nền kinh tế cũng như sự mạnh mẽ, tự lập ngang hàng với đàn ông.
Để nâng cao hiệu quả truyền thông cho phim sẽ ra mắt tháng 11, nên vào tháng phụ nữ Việt Nam (tháng 10 này), ekip Cô Ba Sài Gòn không giấu giếm việc dùng hình ảnh cổ động này để truyền tải thông điệp nữ quyền đến với khán giả.
Một nữ công nhân Mỹ đang làm việc trong xưởng đóng tàu
Tuy nhiên, ở phía khán giả cũng có một vài ý kiến trái chiều. Một người dùng facebook cho rằng hình ảnh trong poster không phải là biểu tượng của nữ quyền mà là biểu tượng được dùng để sỉ nhục người đối diện trong văn hoá của nhiều quốc gia trên thế giới.
Cụ thể, người này lấy ví dụ về ý nghĩa của cách tạo dáng trên ở các nước Brazil, Thuỵ Sĩ, Pháp, Ý, Mexico, Malta, Bulgaria và các nước nói tiếng Tây Ban Nha. Trong đó, ở Brazil, động tác này được gọi là "Banana", thể hiện sự coi thường những gì người khác vừa nói. Ở Thuỵ Sĩ, Pháp và Ý, động tác này tương đương với "the F* word" trong tiếng Anh. Ở các nước nói tiếng Tây Ban Nha, động tác này có nghĩa là "Sleeve-cut", dùng để lăng nhục người đối diện. Ở Mexico và Malta, đây là từ để xúc phạm đến mẹ người đang đối thoại cùng. Còn ở Bulgaria là để thể hiện sự thất vọng, xúc xiểm thất bại của ai đó.
Có thể thấy, động tác mà khán giả trên nói đến là động tác "Bras d’honneur"ở Pháp, với ý nghĩa là để bày tỏ sự khó chịu, ghét bỏ cực độ với người đối diện. Động tác này cũng xuất hiện ở nhiều châu Âu và các nước thuộc nhóm Mỹ La Tinh với nhiều tên gọi khác nhau. Ở Tây Ban Nha là "corte de manga" hay còn gọi là Iberian slap. Ở Ý là Italian Salute.
Tuy nhiên, tất cả đều có chung ý nghĩa là biểu thị thái độ tiêu cực đối với người khác. Người làm động tác này uốn tay thành hình chữ L, hướng nắm đấm lên trời và đặt tay còn lại lên bắp tay đang hướng. Chúng ta có thể thấy rằng, động tác này có nhiều phần tương tự với cách tạo dáng trong tranh áp phích Rosie the Riveter. Tuy nhiên trong áp phích cổ động, Rosie vén tay áo lên chứ không đặt lên bắp tay như cách của các nước khác.
Động tác "Bras d'honneur"
Với hướng này, nhiều người đang cho rằng ekip Cô Ba Sài Gòn không am hiểu tường tận về nhiều vấn đề sâu xa trong văn hóa, thành ra vô tình trở nên kệch cỡm. Nhưng với số đông, hình ảnh của bức tranh Rosie the Riveter chỉ mang ý nghĩa thể hiện sự độc lập của nữ giới chứ chẳng ai nghĩ đến những ý nghĩa sâu xa mang tính tiêu cực của văn hóa phương Tây. Và Cô Ba Sài Gòn chỉ đang mượn hình ảnh đó để minh chứng cho sức mạnh của nữ giới trong chiếc áo dài Việt Nam.
*Chúng tôi vẫn đang đợi phía Ngô Thanh Vân lên tiếng.