Trò lừa trúng thưởng
Có một câu nói nổi tiếng là nếu điều gì đó nghe có vẻ tốt đến mức khó tin thì khả năng chỉ là cạm bẫy.
Điều này đã ứng nghiệm với một sinh viên 22 tuổi ở Singapore, người tham gia chương trình tặng quà vào ngày 8/8 do tài khoản Instagram có tên tagsn_bags tổ chức.
Ngày hôm sau, cô được thông báo mình đã nhận được một mặt dây chuyền hàng hiệu Hermes Mini Pop H miễn phí.
April, nạn nhân giấu tên kể lại, tagsn_bags thông báo rằng nếu muốn nhận giải thưởng, cô cần nhấn nút chấp nhận tải xuống một ứng dụng và trả phí giao hàng 10 SGD để mặt dây chuyền chuyển đến tận tay.
Vui mừng vì giành được mặt dây chuyền trị giá khoảng 730 SGD (khoảng 13 triệu đồng), April kể lại sự sơ suất khi ấy: "Bất chấp những nghi ngờ ban đầu, tôi quyết định ấn vào và cung cấp thông tin chi tiết ngân hàng trên ứng dụng".
Tuy nhiên, April đã không nhận được mặt dây chuyền như đã hứa và tài khoản 'tagsn_bags' đã biến mất khỏi Instagram ngay sau khi cô trả 10 SGD.
Không chỉ vậy, cô cho biết số dư ngân hàng cũng bị lấy mất gần như sạch sẽ vào sáng ngày 22/8. Tất cả những gì còn lại chỉ là 10 xu.
Viết trên mạng xã hội Lemon8 vào ngày 23/8, nữ sinh viên cho biết: "Hôm nay tôi thức dậy và thấy một tin nhắn SMS liên quan đến ngân hàng, nhưng tôi không nghi ngờ bất cứ điều gì cho đến khi bạn học nhắn tin và nói về một khoản tiền chuyển kỳ lạ".
April nói với AsiaOne rằng 400 SGD đã được chuyển ra khỏi tài khoản và cô ngay lập tức gọi cho ngân hàng để đóng băng mọi thứ.
Với 10 xu còn lại, nữ sinh viên nói phải xin cha một số tiền để trang trải chi phí đi lại và ăn uống.
"Vụ việc khiến tôi tổn thương. Mỗi lần kiểm tra dịch vụ ngân hàng trực tuyến, tôi lại hồi tưởng mọi chuyện", cô bày tỏ, đồng thời cho biết đã trình báo cảnh sát.
April sau đó đăng câu chuyện trên trang Instagram cá nhân và kêu gọi mọi người thận trọng khi tham gia các chương trình trực tuyến và chia sẻ thông tin cá nhân với người lạ.
"Những kẻ lừa đảo ngày càng sáng tạo hơn và điều quan trọng là chúng ta phải luôn cảnh giác và bảo vệ chính mình", nữ sinh viên cảnh báo.
Cư dân mạng Singapore cũng cảm thấy sốc khi nữ sinh viên April gặp phải tình huống này, trong đó có một người dùng còn bình luận rằng: "lại thêm một nỗi sợ mới trong cuộc đời".
Đặt hàng trực tuyến bị lừa
Trong trường hợp khác, một phụ nữ đã mất gần 40.000 SGD (hơn 700 triệu đồng) sau khi vô tình tải phần mềm độc hại xuống điện thoại, cho phép kẻ lừa đảo truy cập vào tài khoản ngân hàng.
Zheng cho biết cô tình cờ thấy một quảng cáo trên Facebook về dịch vụ giao hàng vào tháng 7.
"Tôi muốn đặt bữa tối cho tôi và em gái. Cửa hàng này cho phép đặt bữa ăn cho một tuần, bao gồm ba món và một món súp với giá 78 SGD", người phụ nữ 48 tuổi cho hay.
"Tôi nghĩ nó không tệ và đã liên hệ với họ. Họ bảo tôi tải ứng dụng xuống để đặt hàng".
Ngày 23/7, Zheng tải ứng dụng xuống theo hướng dẫn. Tuy nhiên, cô không thể hoàn tất giao dịch vì liên tục gặp trục trặc.
"Tôi thậm chí còn hỏi xem họ có phương thức thanh toán nào khác không. Nghĩ lại thì kẻ lừa đảo chỉ muốn tôi tải phần mềm độc hại để chúng có thể hack vào tài khoản ngân hàng".
Mặc dù ban đầu Zheng không cảm thấy bất thường nhưng hai ngày sau, cô nhận được cuộc gọi từ ngân hàng thông báo về các giao dịch trái phép được thực hiện.
Ngân hàng cũng hỏi liệu cô có tải xuống ứng dụng nào không và khuyên cô nên gọi cảnh sát.
Zheng yêu cầu ngân hàng đóng băng tài khoản, sau đó tiến hành sao kê. Vài ngày sau, Zheng phát hiện 23.285 SGD đã bị chuyển khỏi tài khoản và 16.591 SGD khác bị tính vào thẻ tín dụng. Tổng thiệt hại phát sinh là 39.876 SGD.
Cô cho biết ngân hàng đã xóa khoản phí từ thẻ tín dụng nhưng số tiền còn lại gần như không thể lấy lại.
Zheng nói đã học cách chuyển tiền ngân hàng trong thời kỳ Covid-19 và thấy nó rất tiện lợi. Cô cũng mua hàng trên mạng khá nhiều lần nhưng không ngờ lại bị lừa.
"Tôi đã đóng băng tài khoản ngân hàng và sẽ không bao giờ mua sắm trực tuyến nữa", người phụ nữ bộc lộ sự cảnh giác.
Mặc dù cảnh sát đã giúp xóa phần mềm độc hại và cài đặt lại điện thoại nhưng Zhen vẫn lo lắng và dự định mua điện thoại mới thay thế.