Những cô gái mặc trang phục hở hang đứng nhảy múa trước màn hình điện tử, phía sau hiện lên chân dung người đã khuất cùng dòng chữ: "Chúng tôi hết sức chia buồn với gia đình của ông..." đang trở thành một tiết mục khá phổ biến trong các lễ tang ở Trung Quốc.
Nó còn được ủng hộ tới mức, cứ lần nào đoàn vũ công có động tác uốn éo, khoe thân hình nóng bỏng thì đám đông xung quanh lại không ngừng hò hét vui mừng, huýt sáo, vỗ tay hoặc chửi tục liên miên.
Những cô gái mặc trang phục hở hang đứng nhảy múa trước màn hình điện tử.
Cuối tháng 1/2018 vừa qua, Bộ Văn hóa Trung Quốc đã ra thông báo về việc tiến hành một chiến dịch mới tại khu vực bốn tỉnh Hà Nam, An Huy, Giang Tô và Hà Bắc nhằm xóa bỏ tình trạng biểu diễn phản cảm, thô tục trong khi làm lễ cưới, lễ tang cũng như các hoạt động lễ hội công cộng khác vào dịp xuân Mậu Tuất.
Đường dây nóng đặc biệt cũng được lập ra với mục đích cung cấp cho người dân một kênh liên lạc, giúp họ có thể thông báo chuỗi hành vi vi phạm tới chính quyền theo cách nhanh chóng nhất.
Thuê vũ nữ biểu diễn trong lễ tang
Từ lâu, nhiều khu vực hẻo lánh ở Trung Quốc đã có truyền thống thuê đoàn hát về biểu diễn trong các lễ tang nhằm thu hút thêm nhiều cá nhân tới chia buồn và bày tỏ lòng tiếc thương sâu sắc đối với người quá cố.
Tình trạng này càng trở nên nghiêm trọng khi mà gần đây, không ít hộ gia đình tại nông thôn đang thể hiện sự khá giả của mình bằng cách bỏ ra rất nhiều tiền để thuê đoàn diễn viên ca sĩ, hay thậm chí là vũ nữ thoát y đến biểu diễn với mục đích an ủi thân quyến và cung cấp công cụ giải trí cho đám đông.
Một người dân trên địa bàn tỉnh An Huy cho biết: "Tôi thấy việc ăn mặc hở hang, trình diễn màn nhảy múa đầy khiêu khích trước mặt quan khách có sức hút hơn hẳn so với nghệ thuật kịch hát truyền thống. Thật đáng buồn!".
Vũ nữ có động tác uốn éo, khoe thân hình nóng bỏng ngay trước sự chứng kiến của người già và trẻ nhỏ.
Hồi năm 2015, một số ngôi làng tại tỉnh Hà Bắc và Giang Tô đã trở thành tâm điểm chỉ trích trên mạng xã hội ngay sau sự xuất hiện của nhiều hình ảnh phản cảm cho thấy việc vũ nữ mời những người đàn ông đang "đau buồn" lên sân khấu để múa thoát y.
Theo Tân Hoa Xã, những màn biểu diễn phản cảm này thường do vài nhóm nhảy nghiệp dư thực hiện với mức tiền công khoảng 2.000 nhân dân tệ (tương đương khoảng 7 triệu đồng). Họ thường chạy được khoảng 20 tới 30 tang lễ khác nhau trong một tháng.
Xóa bỏ màn biểu diễn phản cảm
Từ năm 2015, Bộ Văn hóa Trung Quốc đã từng tuyên bố kế hoạch xóa bỏ toàn bộ những màn biểu diễn quái dị đang làm bại hoại giá trị văn hóa cốt lõi trong xã hội.
Phía chính quyền nhấn mạnh: "Chúng tôi sẽ tiến hành nhiều đợt truy quét liên tục nhằm nhắc nhở người dân về sự bất hợp pháp của hành vi khiêu dâm nơi công cộng.
Bất kỳ ai thuê vũ nữ thoát y về phục vụ giải trí cho công chúng đều phải chịu mức hình phạt nghiêm minh từ pháp luật".
Phía sau hiện lên chân dung người đã khuất cùng dòng chữ: "Chúng tôi hết sức chia buồn với gia đình của ông".
Trên các trang mạng xã hội, nhiều nhà phân tích cho rằng, thuần phong mỹ tục truyền thống tại các vùng quê của Trung Quốc đang dần bị những yếu tố thiếu văn hóa và thô tục xâm lấn.
Song một số ngôi làng hẻo lánh lại không nghĩ như thế. Họ lầm tưởng nếu mọi người đều cảm thấy vui vẻ thì mọi chuyện chẳng có gì là xấu xa cả, thậm chí còn tiếp tục thực hiện truyền thống ma chay theo phong cách "cải biên" khiến dư luận vô cùng phẫn nộ.
Phóng viên thuộc hãng thông tấn Tân Hoa Xã nhận xét: "Sự xuất hiện của những màn biểu diễn kích dục trong tang lễ đang cho thấy vấn đề tiềm ẩn của xã hội hiện đại, khi mà thói hưởng thụ xa hoa vẫn ngang nhiên chà đạp lên giá trị văn hóa cốt lõi".
Hệ quả
Cư dân tại Trung Quốc đã có truyền thống thuê người về mua vui cho khách khứa trong các lễ tang ngay từ đời nhà Thanh. Điều này đặc biệt đúng đối với nhiều dân tộc thiểu số như người Thổ Gia, bởi họ có truyền thống "vui trong lễ tang, nhưng buồn trong lễ cưới".
Tuy nhiên, sự xuất hiện của các vũ nữ thoát y chỉ mới nhen nhóm vào những năm 1990.
Một số chuyên gia xã hội học cho rằng, đây chính là hệ quả tất yếu của tín ngưỡng phồn thực: "Việc thu hút được nhiều cá nhân tới tham gia lễ tang cũng phần nào thể hiện được người đã khuất có đông con cháu".
Nhiều dân tộc thiểu số tại Trung Quốc có truyền thống "vui trong lễ tang, nhưng buồn trong lễ cưới".
Người dân vùng quê không có nhiều cơ hội để lấp đầy nhu cầu về mặt tâm linh hoặc sinh lý của bản thân. Nó đã tạo điều kiện cho thứ văn hóa thấp kém, điển hình là việc trình diễn thoát y trong lễ tang có thể xâm nhập và tìm được chỗ đứng nhất định.
Tuy nhiên, một số chuyên gia lại cho rằng, hiện tượng này vốn không xuất hiện tại Trung Quốc đại lục mà có nguồn gốc từ Đài Loan – nơi tình trạng thuê vũ công góp vui trong tang lễ thường diễn ra tương đối phổ biến kể cả ở khu vực thành thị, và đã tồn tại từ trước những năm 1980.
Chưa thu được hiệu quả đáng kể
Chính quyền Trung Quốc từng đầu tư 20 tỷ nhân dân tệ (tương đương khoảng 70.000 tỷ đồng) nhằm xây dựng khoảng 600.000 "nhà sách nông thôn" tại các địa phương nhằm mục đích nâng cao dân trí, đồng thời giải quyết sớm các nhu cầu về văn hóa - giải trí cho người dân.
Song cho tới nay, kế hoạch ấy vẫn chưa thu được hiệu quả đáng kể nào.
Chính quyền Trung Quốc từng đưa ra các biện pháo nhằm nâng cao dân trí cho người dân nhưng không thành công.
Một chuyên gia nhận định: "Nhiều nhà sách nông thôn dường như được sử dụng như thùng rác tái chế, bởi đó chính là nơi tập trung của những cuốn sách kém chất lượng và khó tiêu thụ trên thị trường bình thường.
Tôi đã ghé thăm một số nhà sách nông thôn điển hình, sau đó nhận ra có rất ít cuốn sách được trưng bày thực sự phù hợp với nhu cầu đọc cũng như tìm hiểu kiến thức của người dân địa phương.
Điển hình là sự xuất hiện của cuốn ‘Nghệ thuật dự tiệc công sở’ hay ‘Hướng dẫn sử dụng Windows XP BIOS nâng cao’. Thật không thể hiểu nổi!".
Tình trạng thuê vũ nữ biểu diễn trong đám tang ở Trung Quốc.
Một chuyên gia khác lại chỉ ra rằng, không nên coi việc thuê vũ nữ thoát y tại tang lễ là "thiếu văn hóa, thiếu đạo đức" bởi trên thực tế, chúng là di sản của nền văn hóa truyền thống địa phương nhưng lại bị bóp méo vì người dân nơi đây phải chịu sự thiếu thốn quá lớn về mặt tinh thần.
Do vậy, chính quyền khó có thể trực tiếp xóa bỏ tình trạng này một cách thô bạo. Họ cần phải thay đổi chậm rãi phương thức truyền đạt, ví như giới thiệu cho người dân biết tới những sản phẩm tâm linh cao cấp hơn.