Trước đó hóa thạch 163 triệu năm tuổi của loài sinh vật này được tìm thấy ở phía Đông Bắc Trung Quốc.
Hóa thạch xuất hiện từ kỉ Jura này cung cấp những manh mối mới đáng kinh ngạc liên quan đến sự tiến hóa đặc trưng của một loài khủng long bay.
Hình ảnh tái hiện về khủng long Ambopteryx longibrachium. Ảnh: Smithsonian Magazine.
Loài khủng long mới có tên là Ambopteryx longibrachium, có chiều dài 32cm, nặng chỉ hơn 300gram, với đôi cánh được hỗ trợ bởi một xương hình que dài, giống như cấu trúc xương ở cánh dơi. Điều này tạo nên sự khác biệt bởi hầu hết những loài khủng long có cánh được khám phá từ trước tới giờ đều có cấu trúc cánh tương tự như loài chim hiện nay. Nó được xác định thuộc về loài Scansoriopterygidae - một loài khủng long được biết đến với khả năng leo trèo và chao liệng trên không.
Ông Vương Dân, tác giả của nghiên cứu về loài khủng long mới này, đồng thời cũng là nhà cổ sinh vật học hàng đầu tại Viện Cổ sinh học thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Trung Quốc, cho biết phát hiện mới hé lộ nhiều thông tin thú vị.
"Chúng tôi tìm thấy một chiếc xương giống hình que dài ở chân trước của loài khủng long này, vốn không được phát triển ở các loài khủng long thông thường khác. Vì vậy, điều này cho thấy đôi cánh có lông vũ có lẽ không phải yếu tố duy nhất giúp loài sinh vật thời tiền sử này biết bay theo như cách chúng ta vẫn nghĩ trước đây”, ông Vương Dân nói.
Phát hiện mới thu hút sự quan tâm của không ít các nhà khoa học đang theo đuổi hướng nghiên cứu mới liên quan đến quá trình tiến hóa về khả năng bay lượn của động vật. Đặc biệt, loài khủng long biết bay vẫn còn nhiều điều bí ẩn chưa được khai phá.
(Nguồn: CCTV)