Một cô gái 27 tuổi ở Trung Quốc được chẩn đoán mắc chứng lo âu trầm trọng do cha mẹ không ngừng tạo áp lực về việc tìm đối tượng kết hôn.
Câu chuyện của cô gái xuất hiện trên nhiều trang tin Trung Quốc và lan truyền trên mạng xã hội, nhận được 260 triệu lượt xem trên Weibo, một nền tảng giống Twitter của Trung Quốc.
Cha mẹ giục kết hôn
Cô gái 27 tuổi đến từ Tế Nam, tỉnh Sơn Đông (miền đông Trung Quốc), gần đây đã nhập viện sau khi trải qua cơn hoảng loạn với các triệu chứng khó thở, tê người và co giật, hãng tin Shanhai Video đưa tin. Cô được chẩn đoán mắc chứng lo âu, còn tình trạng khó thở là do nhiễm kiềm đường hô hấp vì nồng độ CO2 trong máu thấp do thở nhanh.
Bác sĩ Chen Liang, người điều trị cho cô gái, cho biết các triệu chứng xuất hiện sau cuộc tranh cãi dữ dội giữa cô và cha mẹ về việc kết hôn. "Cô ấy nói với chúng tôi rằng cha mẹ cô ấy đã nhiều lần ép cô ấy kết hôn. Cuối cùng, cô ấy không thể chịu đựng được nữa và cãi nhau với họ. Sau cuộc tranh cãi, cô ấy cảm thấy tức ngực, vì vậy cô ấy hít thở nhanh và sâu", bác sĩ Chen cho biết.
Một người bình luận: "Tôi đã gửi video đó cho mẹ tôi rồi. Hy vọng rằng tôi có thể có một vài ngày bình yên và yên tĩnh". Một người khác hỏi: "Ở thời buổi này, độc thân ở tuổi 27 hay 28 có phải là bình thường không? Cha mẹ nên cho con cái quyền tự do hơn".
"Việc bố mẹ thúc giục kết hôn thực sự rất đáng sợ. Tôi vừa trải qua điều đó sáng nay, nó quá ngột ngạt. Tất cả đều chỉ trích bạn. Tôi đã nói rằng tôi không muốn kết hôn. Mọi người muốn bạn kết hôn nhưng không để ý đến việc bạn hạnh phúc hay không", một cư dân mạng chia sẻ. "Khi gặp phải chuyện như thế này, hãy ích kỷ đi, hãy nhớ cuộc sống là của chính mình, đừng quan tâm ai nói gì, chỉ cần mình thấy vui thì đó là hạnh phúc", một tài khoản đề xuất.
Tỷ lệ kết hôn giảm
Việc kết hôn muộn ở Trung Quốc đang trở nên phổ biến hơn và số lượng các cặp đôi đăng ký kết hôn cũng giảm dần trong gần một thập kỷ. Sau khi đạt đỉnh với 13,5 triệu cuộc hôn nhân vào năm 2013, số lượng người kết hôn ở quốc gia này đã giảm dần trong 8 năm qua. Theo số liệu của Bộ Dân sự, năm 2021, Trung Quốc chỉ có 7,6 triệu cuộc hôn nhân được đăng ký, cho thấy trong 1.000 người thì chỉ có khoảng 5 người kết hôn.
Theo Sixth Tone, tỷ lệ kết hôn của Trung Quốc đã giảm 40% từ năm 2013 đến năm 2020, do thế hệ thiên niên kỷ từ chối các quan điểm xã hội truyền thống cho rằng cần phải ổn định cuộc sống sớm. Theo ước tính của chính phủ, số người sống một mình ở Trung Quốc đạt 92 triệu người vào năm 2021 - nhiều hơn tổng dân số của Đức.
Mặc dù Trung Quốc ngày càng có nhiều người độc thân, nhưng họ vẫn phải đối mặt với vô số rào cản. Xã hội vẫn còn nặng kỳ thị với người chưa lập gia đình, đặc biệt là phụ nữ sống độc thân được coi là "thặng nữ" (phụ nữ còn sót lại).
Ở Trung Quốc, ngày nay xu hướng "kết hôn muộn" đối với những người trong độ tuổi từ 25 đến 29 đã trở thành thông lệ. Trước đây, hầu hết mọi người kết hôn từ 20 đến 24 tuổi. Tuy nhiên ở Trung Quốc, sớm thành gia lập thất được coi là một phần quan trọng trong việc hoàn thành nghĩa vụ của con cái với cha mẹ, một kỳ vọng phổ biến nhất ở các thế hệ lớn tuổi. Kết quả là áp lực kết hôn của con cái thường là nguyên nhân chính gây những cuộc cãi vã trong gia đình.
Năm 2016, một cô gái 28 tuổi vì không chịu nổi áp lực kết hôn và sinh con từ gia đình đã tự đâm vào bụng mình sau một cuộc tranh cãi dữ dội với mẹ ruột.
Nguồn: SCMP