Trước khi sinh con, chị Chen Huijiuan chi một khoản không nhỏ cho những sản phẩm chăm sóc da, quần áo và đi chơi với bạn bè. Còn hiện tại, chị thậm chí còn thấy ngần ngại khi mua một chiếc váy mới.
Sinh sống ở Tô Châu, phía đông tỉnh Giang Tô - Trung Quốc, chị Chen kiếm được 5000 tệ (730 USD) mỗi tháng với công việc là một giáo viên trung học. Trong khi đó, chồng chị kiếm được 16.000 tệ (2500 USD) một tháng, anh làm việc tại bộ phận bán hàng của một công ty Mỹ ở Thượng Hải. Và việc nuôi dạy bé trai 2 tuổi tốn ít nhất 1/3 thu nhập hàng tháng của gia đình.
Những khó khăn về tài chính mà gia đình chị Chen đối mặt phản ánh tình trạng trung của hàng triệu gia đình trung lưu khác tại Trung Quốc. Đó cũng là lý do tại sao các nhà lãnh đạo nước này đang chật vật trong việc đẩy mạnh tỷ lệ sinh.
Giáo viên trung học Chen Huijian cho biết cô không đủ khả năng tài chính để sinh bé thứ hai, dù chính quyền đang khuyến khích việc đó. 3 năm trước, Trung Quốc đã nới lỏng chính sách một con trước đây từng gây tranh cãi, các cặp vợ chồng chỉ được phép sinh một con và được thực hiện trong suốt 4 thập kỷ. Tuy nhiên, kết quả lại không như những gì Bắc Kinh mong đợi.
Chen Huijian - một giáo viên trung học - cho biết chị sẽ không sinh thêm bé thứ hai dù sẽ nhận được khoản trợ cấp từ chính phủ.
Tăng trưởng dân số của Trung Quốc đã chậm lại trong năm 2018, với 15,23 triệu em nhỏ được sinh ra, giảm 2 triệu so với 1 năm trước đó, theo dữ liệu từ Cục Thống kê Quốc gia. Có tới hơn 50% các cặp vợ chồng cho biết họ không có ý định sinh thêm bé thứ hai và vấn đề tài chính là một trong những lý do chính, theo một nghiên cứu năm 2017.
Chị Chen thì nói: "Tôi sẽ không bao giờ cân nhắc về việc sinh bé thứ hai. Việc đó quá tốn kém."
Đó chính là một vấn đề rất nan giải đối với các nhà lãnh đạo nước này, họ vốn ưu tiên việc tăng trưởng kinh tế nhưng lại đang rất "đau đầu" với lực lượng lao động ngày càng ít đi và tỷ lệ dân số già tăng cao. Số liệu chính thức cho thấy, năm 2017, có hơn 240 triệu người dân Trung Quốc ở độ tuổi 60, tương đương với 17% dân số. Con số này được dự báo sẽ còn tăng lên, chiếm khoảng 1/3 dân số vào năm 2050, tương đương 480 triệu người.
Các bậc cha mẹ chi nhiều tiền vì chuộng đồ ngoại, coi trọng thành tích học tập
Cha mẹ của các bé và các chuyên gia cho biết chi phí nuôi dạy một đứa trẻ ở Trung Quốc đã tăng mạnh khi mức sống ở nước này được cải thiện và sự tin tưởng dành cho các sản phẩm trong nước đã không còn được như trước. Ở trường hợp của chị Chen, chị chưa từng mua sữa của những thương hiệu trong nước cho con trai mình, thay vào đó chị lựa chọn các sản phẩm nhập khẩu đắt tiền.
Vào năm 2008, sữa cho trẻ em ở Trung Quốc bị nhiễm độc đã khiến ít nhất 6 em bé tử vong và gây sỏi thận cũng như các vấn đề về đường tiết niệu ở hàng ngàn trẻ em. Dù đã xảy ra cách đây hơn 10 năm nhưng vụ bê bối đó vẫn còn ám ảnh các bậc phụ huynh cho đến tận bây giờ.
Vì thế, chị Chen còn không hề tin tưởng vào chất lượng của thực phẩm địa phương. Bé Xiyan chỉ ăn thịt bò, cá tuyết và cá hồi nhập khẩu.
Chi phí của việc học và các dịch vụ chăm sóc cho bé Xiyan - con trai chị Chen, tốn đến 1/3 thu nhập của gia đình.
Chi phí giáo dục và giải trí cũng là một vấn đề gây đau đầu khác, theo Wang Dan, phó giám đốc tại Trung tâm Nghiên cứu Giáo dục Wah Ching, Đại học Hồng Kông tại Trung Quốc. Dan cho biết, cho đến những năm 1990, hầu hết người Trung Quốc đã tìm đến hệ thống giáo dục công, nơi được miễn học phí hoặc có chi phí thấp. Bà nói thêm: "Tuy nhiên, hiện tại giáo dục đã trở thành một ngành công nghiệp lớn. Vậy nên, đương nhiên chi phí sẽ tăng cao."
Nhận thấy áp lực của một xã hội ngày càng cạnh tranh mạnh mẽ hơn, Chen bắt đầu mua cho con những loại đồ chơi giáo dục kể từ khi còn mang bầu để bé không "thua kém từ vạch xuất phát." Manhong Lai, giáo sư tại Đại học Hồng Kông, cho biết, các gia đình Trung Quốc luôn coi trọng việc học ngay từ khi con còn nhỏ tuổi.
Tuy nhiên Lai cho biết chính sách một con đã khiến tâm lý này của các bậc phụ huynh càng đổ dồn vào đứa trẻ, họ đầu tư nhiều hơn vào giáo dục. "Họ cạnh tranh để con được vào những ngôi trường tốt nhất, đó là điều rất quan trọng. Vì vậy các bậc phụ huynh rất căng thẳng và tạo áp lực lớn cho các con."
Chen và chồng chi 5000 tệ (737 USD) mỗi tháng cho trung tâm song ngữ của con, tức là toàn bộ số tiền lương của chị. Đó không chỉ là chương trình giáo dục cơ bản, họ còn phải chi một khoản lớn cho các hoạt động ngoại khoá, việc này tốn khá nhiều chi phí hàng năm của cả gia đình.
Một trường hợp khác, đó là chị Fan Meng và chồng làm một công việc chuyên môn tại Bắc Kinh, nhưng họ đều cho biết sẽ không sinh thêm bé thứ hai. Chị Fan nói: "Hiện nay, việc nuôi dạy một đứa trẻ tốn rất nhiều tiền." Bé gái 5 tuổi của anh chị, Qi Xuanru, không chỉ chơi một nhạc cụ là đàn cổ tranh, mà cô bé còn thích trượt tuyết và lặn. Fan cho biết gia đình muốn ủng hộ sở thích của con dù các mức chi phí là rất cao. Chị chia sẻ: "Trẻ em ngày nay không giống như chúng ta hồi còn nhỏ. Chúng ta đơn giản chỉ cần được đưa tới trường. Còn bây giờ con gái tôi có những sở thích của riêng bé."
Không chỉ giáo dục, chi phí y tế tăng cao cũng khiến các cặp đôi ngại sinh con thứ hai
Ngoài ra, nhiều bậc phụ huynh còn lo lắng về dịch vụ chăm sóc y tế cơ bản do chính phủ hỗ trợ là không đủ để chi trả cho các bệnh nặng. Chẳng hạn, con trai của chị Chen gặp các vấn đề về đường ruột và dạ dày, bé phải đi khám mỗi tháng 1 lần trước khi 2 tuổi. Nhưng ngay cả khi bé được phụ trách bởi một bác sĩ giỏi, nhưng chị Chen cho biết vẫn phải đưa cho người đó một chiếc "phong bì đỏ" để đảm bảo rằng con trai được chăm sóc chu đáo nhất. Trên hết, chi phí theo toa và hóa đơn thuốc hàng năm trong bảo hiểm y tế tư nhân cho con trai của Chen là 15 nghìn tệ (2200 USD).
Bé Xiyan gặp một số vấn đề về sức khỏe từ khi còn nhỏ, phải đến bệnh viện thường xuyên.
Các nhà chức trách đã đưa ra những khoản trợ cấp cho cặp vợ chồng có con thứ hai, chẳng hạn như hỗ trợ tài chính đối với sữa bột và chế độ nghỉ thai sản cũng được điều chỉnh. Tại tỉnh Hồ Bắc, một thành phố đang triển khai dịch vụ sinh con miễn phí cho những phụ nữ sinh con thứ hai, trong khi các thành phố khác trao 1200 tệ (179 USD) cho những gia đình có bé thứ hai.
Tuy vậy, Chen nói rằng cha mẹ vẫn là người quyết định xem mình nên có bao nhiêu con. Chị cho biết: "Việc có con hay không là lựa chọn cá nhân. Đó là lựa chọn về cuộc sống của chính bạn.
Còn Meng cho hay trong khi cha mẹ chị lại muốn có một ngôi nhà với "thật nhiều con cháu", nhưng chị nói: "Đối với tôi, có một bé là đủ. Tôi đủ khả năng để nuôi dạy một bé, về cả sức khỏe và cả tiền bạc."