Trông bề ngoài có vẻ khá kỳ lạ nhưng Flying-V, chiếc máy bay có hình dạng chữ V này lại có khả năng tiết kiệm nhiên liệu cực kỳ ấn tượng, đồng thời sở hữu thiết kế công thái học và khả năng chở hành khách không thua kém máy bay dân dụng thân dài hiện nay.
Khí thải từ máy bay đang là một vấn đề được cả thế giới quan tâm. Nhưng cho tới khi chúng ta tìm được nguồn nhiên liệu đủ tốt để thay thế xăng, dầu, sẽ rất khó để giảm được lượng khí thải phát sinh từ hoạt động vận tải hàng không.
Tuy nhiên dự án nghiên cứu máy bay Flying-V hứa hẹn sẽ giúp giải quyết vấn đề này trong thời gian tới. Công trình nghiên cứu máy bay Flying-V là kết quả đầu tư của hãng hàng không quốc gia Hà Lan KLM Royal Dutch Airlines.
Dự án Flying-V là công trình của Justus Benad, người từng là sinh viên kỹ thuật tại Đại học Berlin và do các nhà nghiên cứu tại Đại học công nghệ Delft ở Hà Lan (TU Delft) phát triển.
Khác với đa số các mẫu thiết kế máy bay truyền thống, Flying-V kết hợp cabin hành khách, thùng chứa nhiên liệu liệu và hàng hóa ở hai bên cánh.
Theo tiết lộ, Flying-V sử dụng ít nhiên liệu hơn 20% so với A350-900, trong khi đó nó có thể chở được số lượng khách khoảng 314 người, tức là gần tương đồng so với con số 300-350 hành khách của Airbus A350.
Với thiết kế sải cánh dài 65 mét, máy bay phù hợp với mọi cơ sở hạ tầng hàng và sân bay hiện tại trên khắp thế giới.
Ông Pieter Elbers, CEO kiêm chủ tịch của KLM tin rằng, mối quan hệ hợp tác với TU Delft sẽ giúp gia tăng tính bền vững cho ngành hàng không.
Tuy nhiên một vấn đề với chiếc máy bay này đó là khả năng quay và di chuyển trên bầu trời. Với các mẫu máy bay thông thường, một cánh phụ của nó sẽ lật lên và cánh còn lại sẽ hạ xuống để đổi hướng máy bay.
Đó là chưa kể, trước đây các hành khách vẫn ngồi dọc theo thân máy bay và do đó tạo sự cân bằng và cảm giác ổn định. Nhưng với kiểu thiết kế ghế ngồi dọc hai bên cánh máy bay, cảm giác khi di chuyển có thể sẽ giống như tàu lượn siêu tốc hơn là ngồi máy bay.
Roelof Vos, người đứng đầu dự án nghiên cứu Flying-V tại TU Delft cho biết, sự đổi mới về thiết kế máy bay là cần thiết để đem lại hiệu quả cao trong hoạt động vận tải và xa hơn là có thể phục vụ phát triển máy bay chạy bằng điện.
Vos chia sẻ: "Chúng ta không thể điện khí hóa toàn bộ đội bay vì máy bay bị khi bị nhiễm điện sẽ trở nên quá nặng và khó có thể bay qua Đại Tây Dương chỉ bằng cách dùng điện. Công nghệ đó không thể thực hiện, ngay cả trong 30 năm tới. Do đó chúng ta phải đưa ra các công nghệ mới để giảm tình trạng tiêu thụ nhiên liệu theo những cách khác nhau".
Hiện nay ngành hàng không đang đóng góp vào khoảng 2,5% lượng khí thải CO2 trên toàn cầu và con số sẽ tiếp tục gia tăng nếu con người không làm điều gì đó bền vững hơn. Ước tính đến năm 2050, con số này có thể đạt tới ngưỡng 5%.
Hiệu quả nhiên liệu của máy bay có thể tăng hay không phụ thuộc phần lớn vào thiết kế khí động lực học của nó, đặc biệt là trọng lượng của máy bay.
Nhóm nghiên cứu kỳ vọng sẽ tiếp tục thay đổi mô hình máy bay vào tháng 9 tới. Bản mô phỏng của thiết kế cabin mới sẽ mở cửa cho công chúng tham quan tại sân bay Schiphol ở Amsterdam, Hà Lan trong tháng 10.
Dự kiến nếu hoàn thiện nghiên cứu, chiếc máy bay này có thể đi vào hoạt động thương mại kể từ năm 2040 đến 2050. Do đó từ giờ đến lúc đó, thiết kế và tính năng của dự án máy bay này sẽ còn thay đổi khá nhiều.
Tham khảo CNN