Tự nhiên có vô vàn điều bí ẩn và bất ngờ. Thậm chí, đôi khi, chúng ta còn không thực sự biết rõ những thứ ta tưởng mình đã nắm trong lòng bàn tay, ví thử như các loài vật dưới đây.
Nhắc đến thiên nga, ta sẽ liên tưởng đến một loài vật vô cùng nhẹ nhàng và… thanh khiết. Thế nhưng, nếu vô tình đi qua một cái hồ có thiên nga, đừng liều lĩnh ghé lại quá gần.
Tuy là loài hiền lành nhưng chúng cũng trở nên dữ dằn khi ai đó xâm phạm lãnh thổ. Đặc biệt là vào mùa xuân - khi chúng "lập gia đình" và xây dựng tổ.
Nhận thấy có nguy cơ xâm phạm lãnh thổ, đầu tiên, thiên nga sẽ phát ra tiếng suỵt dài giận giữ, song song với việc đập cánh dữ dội và có thể dùng mỏ để tấn công kẻ xâm phạm.
Mặc dù theo các nhà khoa học, khi tấn công theo kiểu này, thiên nga thường khó có thể đe dọa đến tính mạng của con người, song chúng vẫn có thể gây nên các vết thương sưng, bầm tím hoặc làm trẻ em và người già gãy xương.
Với ngoại hình "cute lạc lối" này, không ai có thể nghĩ rằng culi là một trong các loài thú có vú chứa độc hiếm hoi ở thế giới loài vật.
Khác với các động vật có độc khác như rắn, độc do culi tiết ra không xuất phát thẳng từ khoang miệng mà nằm ở một cái u nhỏ trên cánh tay.
Theo quan sát, culi thường không chủ động tấn công kẻ thù mà chỉ phòng thủ bằng cách choàng hai chi trước ôm quanh đầu.
Khi đó, độc sẽ từ dưới cánh tay thấm vào các lông ở trên đầu.Thêm vào đó, trong quá trình loài này chuốt lông, độc từ cánh tay tiết ra sẽ đi vào một bộ phận đặc biệt gọi là răng lược trong khoang miệng và thấm vào máu kẻ thù khi culi cắn.
Độc tố của culi ở dạng lỏng, trong suốt và có mùi rất đậm. Đầu tiên, độc sẽ khiến đối phương đau đớn ở 1 số bộ phận như tức như ngực, bụng...; phản ứng khó thở, cơ thể yếu, bị kích động cũng xảy ra sau đó. Nếu không kịp chữa trị, nạn nhân có thể tử vong.
Nói đến hải cẩu, ta nghĩ ngay đến 1 loài vật ngộ nghĩnh và vô hại. Thế nhưng ít ai ngờ, có 1 phân loài khá ghê gớm - hải cẩu báo.
Hải cẩu báo, hay còn gọi là báo biển là tay săn mồi tích cực nhất vùng Nam cực và cận Nam cực.
Với kích thước rất lớn, nặng khoảng 590 kg, dài gần 4m, cùng bộ hàm khỏe, răng sắc nhọn, hải cẩu báo có thể ăn hầu như tất cả mọi thứ, bao gồm cá, mực, chim cánh cụt hay ngay cả việc săn… con của hải cẩu khác.
Chúng thường cắn và kéo con mồi xuống nước sâu, sau đó dùng sức mạnh của mình "thịt" mồi ngon lành. Không chỉ các loài vật mà ngay cả con người đôi khi cũng là mồi của hải cẩu báo.
Khá nhiều trường hợp ghi nhận các nhà thám hiểm đã vô tình trở thành nạn nhân của hải cẩu báo như Gareth Wood năm 1985 đã bị một con hải cẩu báo cắn hai phát ở chân và cố lôi xuống nước.
Bi kịch hơn, năm 2003, nhà sinh vật học Kirsty Brown đã bị kéo xuống tận 61m sâu dưới biển, gây nên cái chết chấn động giới khoa học thời điểm đó.
Nguồn: Primatology, Bioweb, The Guardian, Telegraph