Trường Đại học Ngoại thương từ lâu vốn nổi tiếng với chương trình đào tạo hàng đầu, điểm chuẩn đầu vào hàng đầu và đương nhiên, chất lượng sinh viên cũng hàng đầu nốt. Sự xuất sắc của Ngoại thương khiến nhiều người thường hay gọi vui ngôi trường này là "Harvard Chùa Láng" vừa để định danh cho người ta biết Ngoại thương nằm ở phố Chùa Láng (Hà Nội) và vừa để nhấn mạnh độ đỉnh của Ngoại thương.
Vẫn biết đó là một biệt danh vui nhưng mà nếu một ngày đẹp trời, FTU thật sự "biến hình" thành Harvard bản Chùa Láng thì sẽ như nào nhỉ? Cùng bật trí tưởng tượng lên level max và ngồi mơ mộng một chút nha. Nhấn mạnh một chút là những hình ảnh về "Ngoại thương phiên bản Harvard" dưới đây hoàn toàn là do AI tạo cho vui, đừng quá tin mà hôm sau chạy qua trường hỏi thầy cô "bao giờ làm thư viện kiểu lâu đài?".
Hãy cùng bước lên hành trình tham quan mô phỏng cảnh trường được "đại tu" theo mô hình Harvard nhé.
Đầu tiên là cổng trường. Hãy tạm quên cánh cổng với phiến đá lớn khắc tên trường màu đỏ đơn giản hiện tại đi, vì Ngoại thương "phiên bản Harvard Chùa Láng" hẳn phải là một cổng vòm cao, xây bằng gạch cổ màu nâu sẫm, phủ rêu nhẹ ở chân, mang hơi thở châu Âu cổ điển. Trên đỉnh là dòng chữ "HARVARD CHUA LANG" khắc chìm bằng đồng, sáng lấp lánh mỗi khi có nắng chiếu vào. Hai bên cổng là hai trụ đá hoa cương, có gắn camera quét khuôn mặt sinh viên.
Các bạn đã quá quen thuộc với chiếc cổng Ngoại thương thế này...
Còn đây là cổng trường FTU nhưng theo phong cách rất Harvard.
Bước qua cổng là khuôn viên trường được quy hoạch xanh – sạch – chill. Đường đi lát đá granit, hai bên là hàng cây phong lá đỏ, mỗi mùa thu tới là sân trường rực rỡ như cảnh trong phim. Giữa sân có một đài phun nước hình quyển sách đang mở, ban đêm có hệ thống đèn đổi màu theo giờ học. Băng ghế gỗ dưới tán cây sẽ là nơi sinh viên ngồi đọc sách, học bài, tán gẫu.
Khuôn viên Đại học Ngoại thương trong suy nghĩ của mọi người.
Còn khuôn viên của "Harvard Chùa Láng" thì sẽ có gì đó nổi bật hơn, màu sắc hơn.
Tiếp theo là thư viện - biểu tượng tri thức không thể thiếu. Thư viện trong phiên bản mới sẽ là một toà nhà kính ba tầng, thiết kế như tổ ong với từng ô đọc sách riêng biệt, có rèm kéo, ổ cắm, ánh sáng vàng dịu và cả sạc không dây tích hợp trên bàn.
Tầng một là không gian làm việc nhóm, có bảng thông minh, máy chiếu, máy in miễn phí và một quầy bán cà phê xịn như Starbucks. Tầng hai là khu đọc yên tĩnh. Tầng ba là "thánh địa" của dân ôn thi – nơi có đủ sách giáo trình từ kinh tế vi mô, marketing quốc tế cho đến giáo trình CFA và tài liệu Harvard chính gốc. Có cả khu vực nap zone với ghế nằm, chăn mỏng và mùi tinh dầu lavender để sinh viên chợp mắt giữa những buổi học căng não.
Thư viện Ngoại thương vốn đã đầy đủ tiện nghi...
... nhưng ở phiên bản "Harvard Chùa Láng" còn khủng hơn nhiều.
Canteen Ngoại thương hiện tại hẳn cũng sẽ lột xác thành "Harvard Café & Eatery" – không gian hai tầng, đèn vàng ấm áp, có khu đọc sách, khu ăn nhanh, khu ăn healthy và cả khu ăn vặt "vẫn rẻ như xưa". Menu sẽ có từ bún chả, cơm tấm, phở bò cho đến salad cá hồi, sandwich yến mạch, sữa hạt và cả trà hoa cúc giúp ngủ ngon. Cách bày trí cũng không đùa được đâu: bàn ghế gỗ cao cấp, mỗi bàn có bình hoa tươi, đồ ăn được bày biện đẹp đến mức phải chụp ảnh up story trước mới dám ăn. Ở đây, việc ngồi ăn cơm cũng có thể trở thành một trải nghiệm nghệ thuật.
Canteen của Ngoại thương hiện tại trông như thế này
Và qua bàn tay mô phỏng của AI dựa theo phong cách Harvard, rất có thể nó sẽ "thay áo mới" như thế này
Đặc biệt không thể thiếu là các phòng học. Nếu Ngoại thương thực sự biến thành Harvard, hẳn nhiên mỗi phòng sẽ được thiết kế theo phong cách hiện đại tối giản, tràn ngập ánh sáng tự nhiên. Ghế ngồi công thái học giúp chống mỏi lưng, bàn dài chia riêng từng chỗ có vách ngăn, đèn bàn riêng và ổ cắm điện. Bảng viết là màn hình cảm ứng lớn, giảng viên chỉ cần vẽ một đường là biểu đồ hiện ra như phép màu. Mỗi phòng học đều có máy lọc không khí, điều hoà hai chiều, và cách âm tuyệt đối để đảm bảo khi bạn đang tập trung thì không bị tiếng "ting ting" từ điện thoại người khác làm phân tâm.
Giảng viên ở Harvard Chùa Láng cũng sẽ được trang bị micro không dây, laser pointer và phong cách giảng dạy như đang đứng trên sân khấu TED Talks. Họ không đọc slide mà kể chuyện, đưa ra các case study "căng não" như: "Nếu bạn là CEO của một công ty khởi nghiệp AI, bạn sẽ xử lý thế nào khi bị Big Tech đe doạ cạnh tranh?". Mỗi tiết học là một trận chiến trí tuệ mà sinh viên vừa phải tỉnh táo, vừa phải sáng tạo.
Tất nhiên, trường cũng sẽ có thêm những không gian sáng tạo như Innovation Lab, nơi sinh viên có thể thử nghiệm ý tưởng khởi nghiệp, làm đồ án công nghệ, dựng mô hình blockchain hay huấn luyện chatbot AI riêng. Tất cả đều được hỗ trợ bởi mentor là cựu du học sinh, cựu nhân viên Google, Amazon và các chuyên gia đầu ngành. Có thể nói, học ở đây không khác gì sống trong một thế giới startup thu nhỏ.
Một phòng học tại Ngoại thương hiện tại.
Và khi chuyển sang phiên bản "Harvard", có lẽ nó sẽ trông như thế này
Phòng học siêu hiện đại với đầy đủ thiết bị.
Cuối cùng, nếu Ngoại thương thật sự trở thành "Harvard giữa lòng Chùa Láng", thì điều tuyệt vời nhất có lẽ không nằm ở những thiết bị hiện đại hay lớp học xịn xò, mà ở việc cảm giác tự hào mang tên "Tôi là FTUer" sẽ được lan toả mạnh mẽ hơn, sâu sắc hơn.
Mà nghĩ lại, đâu cần phải hóa thành Harvard làm gì vì chỉ cần là FTU thôi, cũng đã đủ khiến chúng mình thấy tự hào mỗi ngày rồi phải không nào?