Trong 3 giờ Hà Nội hứng 10.215 cú sét đánh, kỷ lục thế giới chưa từng có

Trang Ly, Theo Đời sống và Pháp luật 15:10 05/06/2024

Trong số đó có 7.025 cú sét dội xuống đất, số còn lại đánh trên không trung.

Trận 'bão sét' ở Hà Nội: 10.215 cú sét trong 3 giờ

Sáng ngày 5/6/2024, khu vực Hà Nội đã xảy ra mưa lớn kèm theo hàng nghìn cú sấm sét dội xuống đất.

Cụ thể, trong cơn giông diễn ra từ 6 giờ sáng đến 9h giờ sáng nay, tổng cộng có tất cả 10.215 cú sét đã đánh ở Hà Nội, trong đó có 7.025 cú sét dội xuống đất, số còn lại đánh trên không trung. Cường độ sét từ 7 giờ 40 đến 8 giờ 50 là mạnh nhất - Ông Hoàng Đức Cường, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Khí tượng Thủy văn (Bộ Tài nguyên và Môi trường) cho biết trên Sức Khỏe và Đời Sống.

Ông Nguyễn Ngọc Huy, chuyên gia về biến đổi khí hậu, cho biết, đây là một con số kỷ lục thế giới, chưa nơi nào có. Để minh chứng cho nhận định này, ông Huy đưa ra các số liệu sau:

Hãy làm một phép so sánh với các địa danh có nhiều sét đánh nhất thế giới để biết trận "bão sét" sáng 5/6/2024 ở Hà Nội thuộc tầm cỡ nào:

Hồ Maracaibo (có diện tích 13.210km2) ở Venezuela là nơi bị sét đánh nhiều nhất thế giới, lên đến 260 đêm/năm. Hằng năm, trung bình hồ Maracaibo bị sét đánh 233 lần/km2.

8 trong 10 khu vực bị sét đánh nhiều nhất ở châu Phi là tại CH Congo. Với tần suất hằng năm là 205 cú sét đánh/km2, quận Kabare của Congo đứng thứ 2 sau hồ Maracaibo.

Tại châu Á, 3 khu vực có nhiều giông bão và sấm sét nhất đều tại Pakistan. Trong khi đó, tần suất sét đánh hằng năm của thủ đô Kuala Lumpur (Malaysia) là 93 cú sét đánh/km2.

Theo nhận định của chuyên gia tại Viện Vật lý Địa cầu, thuộc Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, thế giới có 3 tâm giông chính, hoạt động giông sét rất mạnh, trong đó có tâm giông châu Á. Trung bình một năm, Việt Nam hứng chịu khoảng 2 triệu cú sét.

Những sự thật về sét

Văn phòng Khí tượng và Khí hậu Liên bang của Thụy Sĩ (MeteoSwiss) cho biết, sét xảy ra thường xuyên nhất ở các vĩ độ nhiệt đới và cận nhiệt đới. Chúng xảy ra ở đất liền nhiều hơn so với trên biển.

Tính trung bình trên toàn cầu, thời gian sét xuất hiện nhiều nhất là từ 12 giờ trưa đến 6 giờ chiều. Ở Bắc bán cầu, số lượng sét đánh cao nhất được ghi nhận trong khoảng thời gian từ tháng 6 đến tháng 8 hàng năm và ở Nam bán cầu từ tháng 12 đến tháng 2.

Trong 3 giờ Hà Nội hứng 10.215 cú sét đánh, kỷ lục thế giới chưa từng có - Ảnh 1.

Ảnh minh họa.

Cũng theo MeteoSwiss, châu Phi là lục địa có tần suất sét đánh cao nhất thế giới.

Liên quan đến sét, Văn phòng Khí tượng của Vương quốc Anh (MET Office) đã nghiên cứu và liệt kê những sự thật kinh ngạc về sét trên thế giới, mời bạn đọc theo dõi:

1. Rộng chỉ bằng ngón tay cái nhưng nóng gấp 5 lần Mặt trời

Trong khi cường độ của tia sét có thể khiến chúng xuất hiện dưới dạng những tia sét trông có vẻ khổng lồ xé ngang bầu trời thì chiều rộng thực tế của tia sét chỉ khoảng 2-3 cm. Chiều dài trung bình của một tia sét là khoảng 3 đến 5 km.

Điện tích truyền xuống mạnh đến mức nhiệt độ của tia sét lên tới 30.000°C - nóng gấp 5 lần bề mặt Mặt trời.

2. Thế giới hứng chịu 1.400.000.000 tia sét mỗi năm

Sét là một trong những hiện tượng tái diễn và phổ biến nhất của tự nhiên. Trên khắp thế giới, có hơn 3.000.000 tia sét xảy ra mỗi ngày, nghĩa là cứ mỗi giây lại có 44 tia sét xảy ra ở đâu đó khắp thế giới. Tisnhtrung bình cả năm, có khoảng 1,4 tỉ tia sét đánh xuống mặt đất.

3. Tốc độ của tia chớp

Trong khi những tia chớp (mà chúng ta nhìn thấy do sét đánh) di chuyển với tốc độ ánh sáng (1.078.260.480 km/giờ) thì tia chớp thực sự di chuyển với tốc độ tương đối 'chậm' hơn là 434.522 km/giờ (tương đương 120.700 mét/giây) - Đủ 'khủng' để nhiều người vẫn nói "nhanh như chớp".

Trong 3 giờ Hà Nội hứng 10.215 cú sét đánh, kỷ lục thế giới chưa từng có - Ảnh 2.

Ảnh minh họa.

Với tốc độ 434.522 km/giờ này, sẽ mất khoảng 55 phút để du hành từ Trái đất lên Mặt trăng hoặc khoảng 1,5 giây để đi từ thủ đô London (Anh) đến thành phố Bristol (Tây Nam nước Anh).

4. Địa điểm bị sét đánh nhiều nhất thế giới

Hồ Maracaibo ở Venezuela (Nam Mỹ) là nơi hứng chịu nhiều sét đánh nhất trên Trái đất.

Tại khu vực này, những cơn giông lớn xảy ra khoảng 140-160 lần mỗi năm. Mỗi cơn giông kéo dài trung bình 10 giờ, và mỗi phút trôi qua lại có 28 lần sét đánh - đủ cung cấp năng lượng cho 100 triệu bóng đèn.

5. Khi sét đánh vào bãi biển

Khi sét đánh vào cát hoặc đất cát, nó sẽ kết hợp các hạt lại với nhau để tạo ra một ống nhỏ giống như thủy tinh được gọi là fulgurite.

Trong 3 giờ Hà Nội hứng 10.215 cú sét đánh, kỷ lục thế giới chưa từng có - Ảnh 3.

Fulgurite là kết quả của việc sét đánh xuống cát ở bãi biển. Ảnh minh họa

Chúng không chỉ được các nhà sưu tập đánh giá cao mà còn có giá trị khoa học to lớn trong việc chứng minh sự xuất hiện của các cơn giông bão trong quá khứ.

6. Trực thăng có thể gây ra sét

Nghiên cứu gần đây của Văn phòng Met tiết lộ rằng trực thăng có thể gây ra một vụ sét đánh riêng lẻ.

Trong khi bay, máy bay trực thăng mang điện tích âm, vì vậy nếu nó bay gần khu vực mang điện tích dương (ví dụ như mưa đá hoặc phần tích điện dương của đám mây vũ tích) thì nó có thể gây ra sét đánh.

7. Sét phá hủy cây cối

Cây cối thường có thể bị phá hủy do sét đánh. Khi sét đánh vào một cái cây, nó thường di chuyển ngay dưới vỏ cây, nơi có một lớp nhựa và nước.

Lớp này ngay lập tức nóng lên và nở ra khiến vỏ cây bị bong ra khỏi cây và đôi khi làm tách gỗ.

8. Nhưng sét có thể giúp cây phát triển

Mặc dù nitơ có trong không khí xung quanh chúng ta nhưng để thực vật có thể hấp thụ nó (một quá trình quan trọng cho sự phát triển của chúng), chúng phải dựa vào một quá trình gọi là cố định Nitơ.

Mặc dù phần lớn quá trình này được thực hiện bởi vi khuẩn và tảo, nhưng sức nóng cực độ của sét đánh khiến nitơ liên kết với oxy tạo ra các oxit nitơ kết hợp với độ ẩm trong không khí để rơi xuống tạo thành mưa và tưới cây bằng nước giàu nitrat. Quá trình này lại giúp cho cây cối phát triển tươi tốt.

9. Thứ đáng sợ hơn: Sét núi lửa

Mặc dù bão sét rất đáng sợ nhưng chúng không thể so sánh được với cảnh tượng khi núi lửa phun trào gây ra sét đánh.

Khi một vụ phun trào xảy ra, đất và tro được phóng lên không trung thành một đám khói khổng lồ, va chạm để tạo ra điện tích. Cũng giống như sét thông thường, sự mất cân bằng giữa điện tích của chùm tia và điện tích trong khí quyển dẫn đến sét đánh.

Tham khảo: Sức Khỏe và Đời Sống, Metoffice, Meteoswiss

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày