Anh Hà và anh Quảng trên chiếc xe cứu thương đang ngày đêm chi viện cho tỉnh Bắc Giang trong công tác phòng chống dịch Covid-19
Trốn vợ con xung phong vào tâm dịch
Sau hơn 6 giờ đồng hồ chạy xe, anh Nguyễn Hoàng Hà (46 tuổi, trú xã Nam Thành, Yên Thành, Nghệ An) cùng anh Nguyễn Đình Quảng (48 tuổi) cũng đã có mặt tại Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật (CDC) tỉnh Bắc Giang để nhận nhiệm vụ giúp các cơ quan chức năng trong công tác phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn.
Tuy chạy liên tục một quãng đường khá xa nhưng khi có mặt tại Bắc Giang, anh Hà và anh Quảng vẫn vui tươi và sẵn sàng vào làm nhiệm vụ phòng chống dịch ngay khi có yêu cầu. "Ai cũng chọn việc nhẹ nhàng, gian khổ sẽ dành phần ai", anh Hà chia sẻ như lời khẳng định cho chuyến đi vào tâm dịch của mình.
Sau 6 giờ chạy xe liên tục, anh Hà và anh Quảng (ở giữa) cũng đã ra đến CDC Bắc Giang làm thủ tục nhận nhiệm vụ tình nguyện hỗ trợ phòng chống dịch
Anh Hà cho biết, anh cùng với anh Quảng nằm trong tổ lái xe cứu thương từ thiện của Giáo xứ Lâm Xuyên (xã Nam Thành, Yên Thành).
Chiếc xe cứu thương Giáo xứ Lâm Xuyên quyên góp mua từ đầu năm 2020. Mục đích của xe là chở miễn phí bệnh nhân nghèo đi khám, chữa bệnh, không phân biệt đồng bào lương hay giáo.
Tiền xăng xe hoạt động hằng ngày cũng do bà con giáo dân trong Giáo xứ Lâm Xuyên quyên góp. Đến nay, chiếc xe này đã hoạt động hơn 1 năm, chạy hơn 12.000km, đưa đón hàng trăm bệnh nhân nghèo đi và về miễn phí.
3 ngày qua, anh Hà và anh Quảng luôn túc trực trên xe để vận chuyển bệnh nhân, nhu yếu phẩm, mẫu bệnh phẩm
5 ngày trước, anh Hà biết tin tình hình dịch bệnh ở tỉnh Bắc Giang đang rất nguy hiểm, nhân lực và phương tiện hỗ trợ công tác cấp cứu đang thiếu nên anh bắt đầu trăn trở suy nghĩ. Sau khi hỏi người quen làm ở CDC Bắc Giang, anh Hà nảy sinh ý định ra chi viện cho địa phương này chống dịch.
Công việc nhiều, có lúc 2 tài xế phải tranh thủ ăn cơm hộp ngay trên xe rồi tiếp tục làm việc
Sáng 26/5, sau khi chở một bệnh nhân ở quê vào Bệnh viện Hữu nghị Đa khoa Nghệ An cấp cứu, 2 tài xế này bắt đầu chuyến đi không hẹn ngày về của mình.
Sợ vợ con biết sẽ lo lắng, can ngăn nên anh Hà và anh Quảng không quay về nhà lấy đồ dùng cá nhân mà quyết định mua ít bộ đồ tạm để mặc. Sau 6 giờ chạy xe liên tục, 2 anh đã có mặt tại Bắc Giang để làm các thủ tục rồi bắt tay vào nhận nhiệm vụ.
Chiếc xe cứu thương của 2 tài xế ở Nghệ An đã giúp CDC Bắc Giang có thêm phương tiện, nhân lực phòng chống dịch
"Làm nghề chạy xe cứu thương nhiều nên vợ con cũng hiểu và ủng hộ thôi. Nhưng nói đi vào vùng dịch thì sợ vợ con lo. Hôm đó tôi đi cũng chỉ nói với vợ là chạy xe chở bệnh nhân đi cấp cứu như bình thường chứ không nói ra Bắc Giang đâu, sợ vợ can ngăn. Khi xe chạy nửa đường thì mới gọi về thông báo cho vợ an tâm", anh Hà kể lại.
Khi nào Bắc Giang không cần nữa sẽ về
Có mặt tại Bắc Giang, suốt 3 ngày qua anh Hà và anh Quảng nhận sự điều hành của CDC Bắc Giang. Không kể ngày hay đêm, cả 2 nam tài xế này luôn túc trực bên chiếc xe cứu thương để vận chuyển mẫu bệnh phẩm, chở bệnh nhân, nhu yếu phẩm, thuốc men đến những nơi cần thiết.
Không chỉ làm tài xế, cả 2 cũng trở thành những người "bốc vác" các nhu yếu phẩm, vật tư y tế khi cần
Không chỉ hỗ trợ làm tài xế xe cứu thương cho tâm dịch, nhiều lúc cả 2 tài xế này cũng trở thành những người "bốc vác" giúp vận chuyển các thuốc men, vật tư y tế sau khi chở đến nếu thiếu người.
Tuy công việc vất vả, nguy hiểm nhưng 2 tài xế này cho biết không hối hận và sẽ ở lại Bắc Giang đến khi hết dịch mới về.
3 ngày qua, anh Hà và anh Quảng nhận được rất nhiều lời hỏi thăm từ người thân, bạn bè ở quê. Thấy mọi người quan tâm và có chút lo lắng cho mình, cả 2 tài xế phải động viên ngược lại người nhà để mọi người yên tâm.
3 ngày 1 lần, anh Hà và anh Quảng được lấy mẫu xét nghiệm Covid-19 để đảm bảo an toàn
Tranh thủ những lúc nghỉ ngơi, anh Hà cũng thường xuyên đăng tải hình ảnh cá nhân, cập nhật thông tin hiện tại về sức khỏe, công việc để người nhà an tâm hơn phần nào.
"Ở đây cứ 3 ngày, sau giờ làm việc cuối buổi chiều, chúng tôi được làm PCR xét nghiệm mẫu bệnh phẩm để đảm bảo an toàn. Trong quá trình lưu thông tiếp xúc thì luôn tuân thủ nghiêm ngặt", anh Hà nói và cho biết, việc làm của mình cũng không có gì to tát, rất nhiều người đã quyên góp của cải, vật chất để chung tay đẩy lùi dịch bệnh. Nên việc anh góp sức nhỏ vào công tác phòng chống dịch cũng chỉ là một phần nhỏ mà thôi.
"Chỉ là tôi có thể vượt qua rào cản, lo sợ để đi vào vùng dịch. 2 anh em tôi cũng thống nhất khi nào Bắc Giang không cần nữa thì sẽ về nhà", anh Hà chia sẻ.