Nghe nhạc, bấm thích video hay chia sẻ bài hát trên mạng để kiếm vài trăm nghìn một ngày là những lời quảng cáo phổ biến mà nhiều người từng bị dụ dỗ. Rất nhiều người chủ quan đã mắc bẫy kẻ gian và mất đi số tiền lớn. Đây là hình thức lừa đảo làm nhiệm vụ trực tuyến đã xuất hiện ở nhiều nước.
Trong một trường hợp lừa đảo làm nhiệm vụ trực tuyến gần đây, một cựu quân nhân 64 tuổi người Ấn Độ đã mất tất cả tiền tiết kiệm, trợ cấp hưu trí và các khoản tiền đi vay người thân, tổng cộng lên tới 1 triệu rupee (gần 300 triệu đồng) cho những kẻ lừa đảo trên mạng.
Nạn nhân là cư dân của thị trấn Hadapsar ở phía đông Thành phố Pune, Maharashtra, đã tìm kiếm cơ hội làm việc trực tuyến để kiếm thêm tiền.
Theo The Times of India, vụ lừa đảo xảy ra từ ngày 13 đến 26/2, nhưng nạn nhân chỉ nộp đơn khiếu nại với cảnh sát vào đầu tuần này. Đơn khiếu nại tiết lộ rằng nạn nhân đã tải xuống một ứng dụng nhắn tin vào năm ngoái và tham gia vào một cuộc trò chuyện nhóm.
Sau khi kết nối với một số người trong nhóm, anh nhận được tin nhắn từ một người lạ đề nghị thu nhập hậu hĩnh khi thực hiện các nhiệm vụ trực tuyến đơn giản.
Nạn nhân đã đồng ý với lời đề nghị và sau đó được hướng dẫn nhấp vào 'nút thích' của một nền tảng chia sẻ video để được trả tiền. Ban đầu, nạn nhân nhận được một số tiền và tiền thưởng chào mừng sau khi hoàn thành nhiệm vụ.
"Anh ấy được yêu cầu trả trước 1000 rupee cho một nhiệm vụ và nhận được một khoản tiền lớn sau khi hoàn thành. Những kẻ lừa đảo hứa với anh ấy tiền lãi cao hơn cho những nhiệm vụ phải trả tiền trước nhiều hơn. Người đàn ông tiếp tục gửi tiền và tiêu hết số tiền tiết kiệm của mình", Meenal Patil điều tra viên cao cấp của lực lượng cảnh sát mạng cho biết.
Tin tưởng kẻ lừa đảo và nung nấu ý định thêm lợi nhuận, nạn nhân sau đó đã gửi thêm tiền trong quá trình thực hiện nhiệm vụ và gần như cạn kiệt tất cả số tiền tiết kiệm của bản thân.
Tuy nhiên, ngay sau đó anh ta không thể truy cập vào khoản tiền gửi của mình và nhận ra đã mất hết tiền. Cảnh sát cho biết: "Nạn nhân đã mất số tiền tiết kiệm trị giá 600.000 rupee và trợ cấp hưu trí. Anh ta cũng mất 400.000 vay từ con trai mình".
Theo điều tra, số tiền mà nạn nhân gửi đã chuyển đến 12 tài khoản ở 5 ngân hàng. Đáng chú ý, đây không phải là trường hợp lừa đảo cá biệt gần đây. Theo cảnh sát, "Từ tuần cuối cùng của tháng 2 đến tháng 3, chúng tôi đã nhận được 10 khiếu nại về các vụ lừa đảo tương tự."
Trước đó, một trường hợp lừa đảo việc làm bán thời gian trực tuyến đã được báo cáo từ Delhi, nơi nạn nhân bị mất 900.000 rupe sau khi click vào một quảng cáo trên mạng xã hội. Nạn nhân đã nộp đơn xin việc thông qua mạng xã hội và sau đó bị lừa gửi tiền với lý do hoa hồng.
Lừa đảo làm nhiệm vụ trực tuyến là gì?
Trong các trường hợp gian lận trực tuyến nói trên, những kẻ lừa đảo dụ nạn nhân tham gia vào các nhiệm vụ trực tuyến đơn giản như nghe nhạc, bấm nút thích hay chia sẻ video với lời hứa kiếm tiền dễ dàng. Kẻ lừa đảo ban đầu trả cho nạn nhân một số tiền nhỏ để lấy lòng tin của họ.
Sau đó, nạn nhân được yêu cầu trả tiền trước cho các nhiệm vụ khác để lấy lợi nhuận cao hơn. Làm theo hướng dẫn với hy vọng kiếm được nhiều tiền, nạn nhân tiếp tục gửi tiền cho đến khi tiêu sạch số tiền tiết kiệm thì mới nhận ra bản thân đã bị lừa.
Làm thế nào để không bị rơi vào bẫy lừa đảo nhiệm vụ trực tuyến?
- Không tin vào bất kỳ tin nhắn SMS hoặc quảng cáo từ người lạ nào đề xuất về cơ hội kiếm tiền bằng cách thực hiện các tác vụ trực tuyến đơn giản.
- Nghiên cứu kỹ càng công việc trước khi tham gia vào bất kỳ nhiệm vụ trực tuyến hoặc kế hoạch kiếm tiền nào. Tìm kiếm các bài đánh giá và phản hồi từ những người dùng khác để xác định xem hình thức này có hợp pháp hay không.
- Không bao giờ chia sẻ thông tin cá nhân hoặc thông tin tài chính của bạn với người lạ trên mạng.
- Hãy cảnh giác với các yêu cầu thanh toán tiền trước để làm một nhiệm vụ gì đó kiếm tiền. Các công ty chính thống sẽ không yêu cầu trả tiền để tham gia các chương trình của họ.
- Nếu bạn nghi ngờ mình là nạn nhân của một vụ lừa đảo, hãy báo ngay cho cơ quan chức năng.