Triệu phú tự thân U40 hối hận về sai lầm nhiều người thường mắc, ước biết 2 điều này sớm hơn để đầu tư thành công

Thiên Di, Theo Nhịp sống thị trường 16:01 21/07/2024
Chia sẻ

Kiếm tiền và tiết kiệm mới chỉ là bước đầu để làm giàu thành công.

Triệu phú tự thân U40 hối hận về sai lầm nhiều người thường mắc, ước biết 2 điều này sớm hơn để đầu tư thành công- Ảnh 1.

Tess Waresmith tốt nghiệp Đại học Boston năm 2009 mà không cần vay vốn sinh viên nhờ học bổng thể thao toàn phần cho môn lặn.

Người phụ nữ 36 tuổi sống ở New England nói với Business Insider (BI): “Tôi rất may mắn khi bắt đầu hành trình tài chính của mình từ con số 0”.

Công việc đầu tiên của cô là biểu diễn nhào lộn trên một du thuyền. Thu nhập từ công việc này giúp Waresmith có thêm khoản tiền tiết kiệm. Lợi ích từ công việc này là cô có nơi ở và thức ăn miễn phí.

Vào năm 2014, Waresmith bắt đầu công việc tiếp thị kỹ thuật số (digital marketing) và làm gần 10 năm trong lĩnh vực này. Sau khi tích luỹ được khối tài sản ròng lên đến triệu USD, cô rời công ty vào năm 2023 để điều hành công ty của riêng mình có tên Wealth with Tess. Thông tin về khối tài sản ròng của nữ triệu phú tự thân đã được BI xác minh.

Thành công là thế, Tess Waresmith cũng từng mắc sai lầm về tiền bạc ở độ tuổi đôi mươi. Tuy vậy, bài học đó mang lại giá trị lâu dài.

1. Cầm 45.000 USD trong nhiều năm

Waresmith luôn coi mình là người tiết kiệm giỏi. Điều mà cô không nhận ra là việc kiếm tiền và tiết kiệm chỉ là bước đầu. Sau 3 năm làm việc trên du thuyền, Waresmith có được số tiền 45.000 USD. Cô có thể mang số tiền này đi đầu tư nhưng đã không làm điều đó vì quá sợ hãi sẽ đánh mất số tiền đó.

Khi giữ nguyên 45.000 USD sau nhiều năm mà không đầu tư, cô đã mất đi lãi suất kép có thể lên tới hàng chục nghìn USD.

Theo Waresmith, không có kế hoạch làm giàu nhanh chóng chỉ sau một đêm. Khi bắt tay vào đầu tư, cho dù là bất động sản hay chứng khoán, thành quả rồi sẽ tăng đến theo thời gian. Cuộc sống của mỗi người sau 3-4 năm có thể sẽ rất khác, nếu họ nỗ lực có chủ đích vào việc đầu tư.

2. Trả quá nhiều tiền cho cố vấn tài chính

Khi Waresmith dồn tiền vào thị trường chứng khoán vào khoảng năm 2013, cô đã thuê một cố vấn tài chính để quản lý danh mục đầu tư của mình.

Nếu có thể quay trở lại thời điểm đó, cô muốn khuyên bản thân rằng đừng thuê chuyên gia mà hãy học cách tự đầu tư tiền của mình. Cô cho biết phí cố vấn cao đã ảnh hưởng đến lợi nhuận đầu tư.

Waresmith đã bắt đầu ngừng làm việc với cố vấn và xây dựng danh mục đầu tư đơn giản của riêng mình, chủ yếu bao gồm các quỹ chỉ số.

Nhiều năm sau, vào năm 2024, chiến lược đầu tư của cô không thay đổi. “Tôi đầu tư phần lớn số tiền của mình vào các quỹ chỉ số, đặc biệt vì đó là cách dễ dàng để tiếp cận toàn bộ thị trường chứng khoán”, cô chia sẻ.

Theo BI

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày