Ngày 18/10, Ban Chỉ huy Phòng, chống Thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Bình Dương cho biết, mực nước triều cường tiếp tục tăng, đạt đỉnh 1,8m, trở thành đỉnh triều cao nhất từng được ghi nhận tại địa phương.
Trước đó, tối 17/10, mực nước tại trạm Thủ Dầu Một (Cống Bà Lụa) đã đạt 1,78m, vượt mức báo động III (1,6m).
Cùng với triều cường, lượng mưa lớn lên đến 100mm tại một số khu vực như Sở Sao và Phước Hòa trong ngày 17/10 đã gây ra tình trạng ngập. Các tuyến đường giao thông chính và nhiều khu vực đất sản xuất nông nghiệp tại Bình Dương bị ngập úng .
Tại thành phố Thủ Dầu Một, nhiều tuyến đường bị ngập sâu như đường Thích Quảng Đức, Hồ Văn Cống, Phan Đình Giót, Cách Mạng Tháng Tám. Tại thành phố Thuận An khu vực chợ Lái Thiêu bị ngập úng, đường Lê Thị Trung, An Thạnh, ĐT.743. Tại thành phố Dĩ An có đường Lê Hồng Phong và tại thành phố Tân Uyên có đường ĐT.746 bị ngập nhiều đoạn.
Trước tình hình mưa lớn và triều cường khiến nhiều nơi bị ngập, cơ quan chức năng tỉnh Bình Dương đã và đang triển khai các công trình chống ngập .
Bên cạnh đó, chính quyền địa phương cũng tăng cường kiểm tra, giám sát các công trình đê bao, bờ kè, nhằm đảm bảo hệ thống thoát nước hoạt động hiệu quả, giảm thiểu tối đa nguy cơ ngập lụt, bảo vệ cuộc sống người dân.
Tại khu vực bờ sông Sài Gòn đoạn qua địa bàn thành phố Thuận An (Bình Dương), Bình Dương đã thực hiện công trình chống ngập với quy mô gần 300 tỷ đồng.
Công trình ngăn thủy triều, chống ngập ven sông Sài Gòn ở Bình Dương đã hoàn thành đưa vào sử dụng từ tháng 6/2024 sau gần 5 năm triển khai xây dựng .
Theo ghi nhận của phóng viên, nhờ công trình ngăn thủy triều ven sông Sài Gòn đã giúp người dân Bình Dương thoát cảnh ngập úng nặng như trước đây mặc dù hôm nay đỉnh triều cao nhất trong lịch sử tại địa phương này.
Trước đó, khi chưa có công trình ngăn thủy triều kể trên, người dân sống ven sông Sài Gòn đoạn thuộc địa bàn thành phố Thuận An trong tình trạng ngập nhà.