Ra mắt từ năm 2007, Transformers nhanh chóng trở thành một trong các thương hiệu tỷ đô Hollywood. Bất chấp những bài đánh giá dưới mức điểm liệt, "đứa con tinh thần" của Michael Bay vẫn ung dung mang về xấp xỉ 1 tỷ đô la với mỗi tập phim. Nhưng với Transformers: The Last Knight, "ông hoàng cháy nổ" đã bắt đầu lay động.
Sau các sự kiện trong Transformers: Age of Extinction (2014), Optimus Prime (Peter Cullen) bay về Cybertron để tìm Đấng sáng tạo. Trong khi đó, tại trái đất, chính phủ loài người quyết định thành lập đội đặc nhiệm TRF để tiêu diệt cả Decepticon lẫn Autobots vì những thiệt hại mà hai phe gây ra. Cade Yeager (Mark Walhberg) cùng các Autobot sống sót phải trốn tại một bãi phế liệu giữa sa mạc.
Về phần Optimus Prime, ông bị Quintessa (Gemma Chan), Đấng sáng tạo, của Cybertron bắt giữ và tẩy não. Ả âm mưu đưa hành tinh này đến gần và hút hết sự sống của trái đất. Trước hiểm họa đang đến gần, Cade Yeager phải phối hợp với Edmund Burton (Anthony Hopkins) và Viviane Wembly (Laura Haddock) để tìm quyền trượng của Merlin. Tuy nhiên, chuyến hành trình của họ không hề suông sẻ khi cả chính phủ lẫn phe Decepticon cũng đuổi thứ thần vật này.
Cảnh chiến đầu ngắn này đã chất hơn 2 tiếng phim của "King Arthur: Legend of the Sword"
Mở đầu bộ phim là một trường đoạn thời Trung cổ, nơi vua Arthur cùng các Hiệp sĩ Bàn tròn chiến đấu bên cạnh những Transformer cổ đại nhất. Cảnh chiến trường hoành tráng đậm chất cháy nổ cùng chú rồng Dragonstorm khổng lồ hứa hẹn một tác phẩm đầy mãn nhãn. Song, có lẽ những bình luận dạng "bỏ não khi xem Transformers" đã khiến "anh Bảy" tự ái. Với Transformers: The Last Knight, Michael Bay quyết định thêm một cốt truyện dài ngoằng, khác hẳn các phần phim trước.
Nào là Hiệp sĩ Trung cổ, cây trượng của Merlin, sự xuất hiện của Transformer xuyên suốt lịch sử loài người, gia phả của Merlin… khiến khán giả có cảm tưởng như mình đang xem phiên bản cháy nổ của The Da Vinci Code (2006) vậy. Ai là fan của loạt phim hoạt hình hay truyện tranh về người máy biến hình này thì sẽ rất thích những nhân vật mới xuất hiện như Unicron, Hot Rod, 12 Hiệp sĩ Cybertron,… Bởi đây là những chi tiết giúp loạt phim Transformers đi gần hơn tới nguyên tác. Cũng nhờ phần nội dụng rắc rối này mà người xem có dịp "sử dụng não" khi theo dõi chuyến hành trình của Cade Yeager và Viviane Wembly.
Cách kể chuyện của bộ phim trở nên dài dòng một cách không cần thiết
Nhưng, ý định xâu chuỗi toàn bộ các sự kiện của "ông hoàng cháy nổ" dường như đi ngược lại kỳ vọng. Với những ai đi xem phim với tâm thế "cháy nổ là thứ tồn tại duy nhất, những thứ khác có hay không, không quan trọng" sẽ bất ngờ bởi phần lời thoại nhiều vô số kể của dàn diễn viên. Trong khi đó, những người vốn yêu thích chiều sâu trong phần nội dung sẽ chán nản bởi cách kể chuyện dài dòng và rắc rối trong Transformers: The Last Knight.
Quá nhiều tình tiết rối rắm và hoàn toàn không cần thiết cùng sự ôm đồm về mặt ý nghĩa như: tình cha con, tình yêu đôi lứa, tình đồng đội… khiến thời lượng phim dài gần như vô tận. Đôi lúc, người xem sẽ ước mình chưa bao giờ nhận xét "bỏ quên não khi xem phim của Michael Bay" để anh ấy phải thay đổi như thế này. Thay vì được xem người máy lao vào đánh nhau chí chóe cho đã con mắt mà không cần quan tâm nội dung thì khán giả phải ngồi đọc những dòng lời thoại dài lê thê trên màn hình rồi đoán xem cái gì sẽ xảy ra tiếp theo.
Những cảnh chiến đấu của "Transformers: The Last Knight" rất hoành tráng
Dĩ nhiên, phần nội dung dài dòng khiến cho những cảnh chiến đấu bị giảm đi rất nhiều so với các phần phim trước. Song, tác phẩm cũng chiêu đãi người xem những trường đoạn bắn giết ầm ầm kéo dài hàng chục phút theo đúng truyền thống thường thấy. Từ người đánh với Transformer, Transformer đánh với nhau,… đều đậm chất Michael Bay. Dĩ nhiên, khán giả cũng không cần quan tâm phe nào ra phe nào, vì có cũng chả nhận ra. Bạn chỉ cần biết Optimus màu đỏ, Bumblebee màu vàng, còn những người máy còn lại chỉ cần lao vào đánh nhau là được.
Trường đoạn cuối với chiến trường loạn xà ngầu, tiếng súng nổ đinh tai, tiếng kim loại chạm nhau chan chát, cứ vài giây lại có một vụ nổ mà không cần nguyên nhân cùng hàng loạt câu thoại gào thét vô nghĩa chính là thứ mà người xem yêu thích ở loạt phim này. Đặc biệt, hình ảnh quân đoàn Autobot cùng những người Hiệp sĩ Cybertron sẵn sàng hy sinh khi đối đầu với kẻ thù vượt trội để bảo vệ quê nhà mới, bên cạnh nền nhạc hào hùng, đậm chất sử thi tạo nên cảm giác rung rưng đến lạ. Có lẽ, đây là cách mà "anh Bảy" dễ dàng "moi tiền" cả thế giới trong suốt 10 năm qua.
Kỹ xảo của Michael Bay vẫn không chê vào đâu được
Phần kỹ xảo của Transformers: The Last Knight vẫn không chê vào đâu được. Những chàng người máy 3D vẫn đẹp trai bóng loáng và mượt mà trong mọi cử động, chân thật tới từng chi tiết. Hình ảnh va chạm giữa hành tinh Cybertron khổng lồ và trái đất với góc máy rộng toàn cảnh sẽ làm người xem choáng ngợp. Tác phẩm mang tới cảm giác "tận thế" đúng nghĩa bởi sự hoành tráng trong kỹ xảo của Michael Bay. Thêm vào đó, dàn siêu xe tới từ các hãng Lamborghini, Chevrolet, Mercedes,… lao vun vút tốc độ cao, nghẹt thở không khác gì Fast and Furious là một điểm cộng sáng giá khác.
Dẫu vậy, bộ phim vẫn gây thất vọng ở phần diệt trùm vô cùng chóng vánh. Không còn những trận cận chiến đẹp mắt và kéo dài như bộ ba phim của Shia Labeouf, Megatron bị tiêu diệt chỉ sau vài nhát chém đơn giản. Quintessa, được gọi là Đấng sáng tạo hùng mạnh của Cybertron, cũng bị hạ gục quá dễ dàng. Cách chiến đấu của các Transformer cũng trở nên "cục súc" hơn hẳn, không còn nhẹ nhàng, uyển chuyển và ra đòn phối hợp như trước. Ngoài ra, Transformers: The Last Knight tiếp tục có vô số hạt sạn trong phần hành động như việc Bumblebee đột ngột nói lại được, các nhân vật đang chiến đấu thì đột nhiên biến mất rồi xuất hiện trở lại đúng lúc một cách khó hiểu… Tính cách của nhiều nhân vật cũng tỏ ra thiếu nhất quán tới mức phi lý.
Nhân vật Viviane Wembly khá ấn tượng bởi sự mạnh mẽ trong hành động
Ngoài, Mark Walhberg, Transformers: The Last Knight có sự góp mặt của dàn diễn viên mới lạ hoàn toàn. Anh chàng kỹ sư "nông thôn" vẫn tròn vai so với Transformers: Age of Extinction cách đây vài năm. Anthony Hopkins, trong hình ảnh một người giữ trên vai nhiều bí mật và trách nhiệm nặng nề suốt nhiều năm, là một làn gió mới cho tác phẩm. Song, nhân vật của ông lại nói quá nhiều và có những hành động vô cùng thừa thải và khó hiểu.
Hai nữ nhân vật mới, Isabela Moer và Laura Haddock, khác hẳn hình ảnh của Megan Fox và Rosie Huntington-Whiteley trước đây. Thay vì chỉ biết chạy và la hét, họ đều là mẫu nhân vật nữ hành động không kém gì phái mạnh. Tuy nhiên, vai diễn của cô bé Isabela Moner có vẻ dư thừa và không có nhiều ý nghĩa cho nội dung phim. Điểm sáng của tác phẩm tới từ anh chàng người máy quản gia Cogman (Jim Carter). Nhân vật này sở hữu những câu thoại và hành động rất hài hước nhưng cũng vô cùng duyên dáng.
Vai diễn của Isabela Moner khá tốt nhưng không mấy cần thiết
Nhìn chung, Transformers: The Last Knight vẫn là một tác phẩm giải trí tốt. Song, sự thay đổi của Michael Bay đã vô tình khiến bộ phim trở nên khó xem hơn trước khá nhiều.