Theo CNN, người đàn ông tên Jérôme Hamon, 43 tuổi, bị mắc chứng u sợi thần kinh (Neurofibromatosis) là một rối loạn di truyền phá vỡ sự tăng trưởng của tế bào trong hệ thống thần kinh, gây ra các khối u hình thành trên mô thần kinh khắp cơ thể, từ đó gây nhiều biến dạng trên cơ thể, bao gồm khuôn mặt.
Vào tháng 7 năm 2010, ông Hamon được các bác sĩ tại bệnh viện Bệnh viện Châu Âu Georges Pompidou AP-HP ở thủ đô Paris (Pháp) phẫu thuật cấy ghép mặt điều trị căn bệnh quái ác. Ca phẫu thuật thành công, ông Hamon sống với khuôn mặt được thay thế toàn bộ khuôn mặt, bao gồm cả ống lệ và mí mắt.
Ông Jérôme Hamon bị chứng u sợi thần kinh nên phải phẫu thuật cấy ghép khuôn mặt vào năm 2010.
Thế nhưng, điều không may là vài năm sau đó, tức năm 2016, khuôn mặt cấy ghép này bắt đầu có dấu hiệu bị cơ thể của ông Hamon đào thải. Đến tháng 11 năm 2017, khuôn mặt của người đàn ông này bị hoại tử hoàn toàn và buộc phải gỡ bỏ.
Khuôn mặt của ông Hamon sau lần phẫu thuật ghép mặt đầu tiên.
Các bác sĩ cho biết việc cấy ghép lại sẽ xảy ra khi hệ miễn dịch của người nhận "tấn công" cơ quan hoặc mô được cấy ghép. Loại phản ứng mãn tính có thể xảy ra trong nhiều năm, và phản ứng miễn dịch liên tục của cơ thể có thể phá hủy dần dần các cơ quan hoặc mô được cấy ghép. Và chỉ có cách duy nhất là tháo bỏ cơ quan được cấy ghép và thay thế bằng cơ quan khác.
Trong suốt 3 tháng sau khi tháo bỏ khuôn mặt đã được cấy ghép lần đầu tiên, ông Hamon phải nằm trong bệnh viện Georges-Pompidou mà không nhìn, nghe hay nói như bình thường.
Dù phải chịu nhiều đau đớn và sống trong lo âu, chờ đợi người hiến tặng khuôn mặt nhưng người đàn ông ấy vẫn kiên trì chiến đấu, không biết mệt mỏi.
Bác sĩ gây mê Bernard Cholley cho biết: "Tất cả mọi người trong bệnh viện đều ngạc nhiên bởi lòng dũng cảm của ông Hamon, ý chí và sức mạnh của ông trong tình cảnh khó khăn như vậy thật khiến người ta phải nể phục".
Thế rồi tin tốt lành cũng đến với người biết cố gắng. Đầu tháng 1 vừa qua, các bác sĩ tìm được một khuôn mặt phù hợp với Hamon để tiến hành phẫu thuật ghép mặt lần hai cho ông. Khuôn mặt cấy ghép này được lấy từ một nam thanh niên 22 tuổi đã qua đời ở nơi cách rất xa Hamon.
Vào ngày 15/1 vừa qua, ca phẫu thuật cấy ghép mặt lần hai diễn ra dưới sự chỉ đạo của giáo sư Laurent Lantieri, chuyên gia ghép mặt và tay, người từng ghép mặt cho Hamon lần đầu cách đây 8 năm. Sau nhiều giờ trong phòng phẫu thuật, cuối cùng Hamon cũng có khuôn mặt mới của mình.
Khuôn mặt của ông Hamon sau lần phẫu thuật thứ 2.
Trước khi được phẫu thuật cấy ghép, Hamon đã được điều trị liệu pháp miễn dịch để giúp giảm nguy cơ đào thải lần nữa.
"Đây là ca phẫu thuật cấy ghép mặt lần hai. Đến giờ, bệnh nhân đã có ba khuôn mặt. Điều này cho thấy khuôn mặt cũng giống như bất kỳ cơ quan nào của cơ thể đều có thể được cấy ghép nhiều lần", bác sĩ Laurent Lantieri nói với CNN.
Sau tất cả những lo lắng và đau đớn, Hamon lại một lần nữa như được "sống lại". Ông nói: "Lần đầu tiên tôi chấp nhận việc cấy ghép, tôi nghĩ 'đây là khuôn mặt mới của mình' và lần này cũng giống như vậy. Nếu tôi không chấp nhận khuôn mặt mới này, nó thật là khủng khiếp, đó là một vấn đề về nhận dạng... Nhưng thật tuyệt, đó là tôi".
Bác sĩ Laurent Lantieri là người trực tiếp dẫn dắt cuộc phẫu thuật ghép mặt cho ông Hamon.
Thậm chí ông còn lạc quan rằng: "Tôi 43 tuổi, người hiến tặng 22 tuổi, vì vậy giờ đây tôi trông như thanh niên 22 tuổi vậy".
Ca ghép mặt đầu tiên trên thế giới được thực hiện cho nữ diễn viên người Pháp Isabelle Dinoire vào năm 2005, tại phía bắc nước Pháp. Kể từ đó, đã có 40 ca phẫu thuật ghép mặt được thực hiện trên khắp thế giới.
Sự thay đổi trên gương mặt của ông Hamon sau 2 lần chịu nhiều đau đớn.
Ca phẫu thuật ghép mặt của Hamon thành công tốt đẹp mở ra hy vọng cho những người rơi vào hoàn cảnh không may mắn như ông. Điều đó cũng cho thấy sự tiến bộ vượt bậc của y học và khẳng định một điều rằng "bàn tay con người có thể làm nên tất cả"...
(Nguồn: CNN, Telegraph)