Trái đất còn được gọi theo tên rất hay là "hành tinh xanh''. Sở dĩ có tên này là bởi nước (chủ yếu là đại dương) chiếm tới 7/10 diện tích Trái đất. Tại các châu lục, trước đây khi tốc độ đô thị hóa chưa nhanh, rừng xanh cũng chiếm tỉ lệ lớn.
Nhưng mọi thứ đang dần thay đổi. Theo các nhà khoa học, thế hệ tương lai có thể sẽ không bao giờ nhìn thấy gấu Bắc Cực và cũng có thể không bao giờ nhìn thấy những hồ nước xanh nữa.
Nhìn từ ngoài vũ trụ, Trái đất là một quả cầu có màu xanh đẹp mắt - Ảnh: stock
Một nghiên cứu mới từ các nhà nghiên cứu tại Liên minh Địa vật lý Hoa Kỳ (AGU) kết luận rằng nếu tình trạng ấm lên toàn cầu tiếp tục như hiện tại, các hồ trên khắp Trái đất sẽ chuyển màu từ xanh lam sang xanh lục và nâu. Màu sắc nước thay đổi là một dấu hiệu của sức khỏe hệ sinh thái kém.
Các hồ nước thay đổi màu sắc vì nhiều lý do, chẳng hạn như sự phát triển của tảo hoặc do dòng chảy của trầm tích. Tuy nhiên, nghiên cứu mới cũng cho thấy các yếu tố khác như nhiệt độ không khí, tần suất mưa, độ sâu và độ cao của hồ cũng ảnh hưởng đến màu sắc của nước.
Một phần ba số hồ trên thế giới có màu xanh lam. Chúng thường nằm ở những vùng mát mẻ, vĩ độ cao, nơi thường có mưa và tuyết. Số còn lại là các hồ màu nâu, xanh nhạt, chiếm 69% tổng số hồ và nằm dọc theo đường bờ biển và các vùng khô hạn khác.
Các tác giả nghiên cứu tại AGU đã sử dụng 5,14 triệu hình ảnh vệ tinh từ 85.360 hồ khác nhau trên thế giới, được chụp từ năm 2013 đến năm 2020 để đưa ra kết quả nghiên cứu.
Trước đây từng có những nghiên cứu về 200 hồ trên toàn cầu, nhưng nghiên cứu này có quy mô lớn hơn nhiều về số lượng hồ và cả phạm vi bao phủ của các hồ.
Nếu nhiệt độ tiếp tục tăng, màu nước tại các hồ sẽ tiếp tục thay đổi. Các hồ màu xanh lam đáng chú ý nhất được tìm thấy ở dãy núi Rocky (Bắc Mỹ), đông bắc Canada, Bắc Âu và New Zealand sẽ có nước ấm hơn, tạo ra nhiều tảo nở hoa hơn, sau đó sẽ có xu hướng chuyển hồ sang màu xanh lục, màu nâu.
Những thay đổi đối với màu nước trong các hồ có ý nghĩa quan trọng đối với con người. Hồ hoặc các vùng nước khác chuyển sang màu xanh lục có thể sẽ làm giảm chất lượng nước. Mỗi quốc gia sẽ tốn nhiều chi phí hơn để lọc nước và làm cho nó trở lại như cũ.
Ngoài ra, nếu nước không còn là môi trường sinh sống cho cá và các loài thủy sinh khác, hệ sinh thái của hồ và xung quanh hồ có thể thay đổi đáng kể. Điều này sẽ không chỉ ảnh hưởng đến kinh tế, mà còn du lịch, văn hóa của cư dân ven hồ.
Không chỉ có sự thay đổi màu sắc trong các hồ trên đất liền, mà ngay cả đại dương cũng sẽ thay đổi màu nước.
Các nhà nghiên cứu đã sử dụng mô hình máy tính để mô phỏng nhiệt độ, dòng hải lưu và độ axit của đại dương sẽ tác động như thế nào đến sự phát triển của các loại thực vật phù du khác nhau, cũng như cách chúng hấp thụ và phản xạ ánh sáng.
Kết quả cho thấy hơn một nửa đại dương trên thế giới sẽ chuyển màu sang xanh đậm nếu nhiệt độ bề mặt nước biển tiếp tục tăng là 3 độ C vào năm 2100.
Khi nước trông xanh đậm nghĩa là có rất nhiều thực vật phù du phát triển gần bề mặt. Vì nhiệt độ ấm hơn dẫn đến việc các loài thực vật và tảo phù du sẽ đua nhau nở hoa.
Thực vật phù du là mắt xích quan trọng của lưới thức ăn dưới nước, cung cấp thức ăn cho nhiều loài. Các loại thực vật phù du khác nhau hấp thụ ánh sáng khác nhau, và nếu biến đổi khí hậu chuyển một quần xã thực vật phù du này sang quần xã thực vật phù du khác, điều đó cũng sẽ thay đổi mạng lưới thức ăn gây ảnh hưởng đến môi trường sinh thái khu vực đó.
Các loài tảo nhỏ cũng rất quan trọng trong việc hấp thụ carbon dioxide gây ra biến đổi khí hậu. Nếu không có chúng thì sẽ không có bất kỳ sự sống nào trong đại dương. Nếu chúng thay đổi màu sắc hoặc biến mất thì sẽ có rất nhiều carbon thoát ra khỏi đại dương để quay trở lại bầu khí quyển, và tạo ra nhiều vấn đề về môi trường hơn mà chúng ta đang gặp phải hiện nay.