Trái Đất đang quay nhanh hơn, lo ngại rủi ro do ‘giây nhuận âm’

An Khê (Theo CNN), Theo vtv.vn 19:41 22/07/2025
Chia sẻ

Trong mùa hè năm nay, Trái Đất đang quay nhanh hơn bình thường, khiến một số ngày có thời lượng ngắn hơn tiêu chuẩn 24 giờ.

Bức ảnh ghép chồng cho thấy một cánh đồng lúa dưới bầu trời đầy sao ở thành phố Song Áp Sơn, tỉnh Hắc Long Giang, đông bắc Trung Quốc. (Ảnh minh họa: Xinhua)

Bức ảnh ghép chồng cho thấy một cánh đồng lúa dưới bầu trời đầy sao ở thành phố Song Áp Sơn, tỉnh Hắc Long Giang, đông bắc Trung Quốc. (Ảnh minh họa: Xinhua)

Điều này có thể buộc các nhà quản lý thời gian toàn cầu thực hiện một bước đi chưa từng có trong lịch sử - xóa đi một giây khỏi đồng hồ chuẩn quốc tế.

Ngày 10/7 vừa qua được ghi nhận là ngày ngắn nhất trong năm 2025, với độ dài chỉ thiếu 1,36 mili giây so với mức chuẩn 86.400 giây (tức 24 giờ). Theo các nhà khoa học, các ngày 22/7 và 5/8 sắp tới cũng được dự đoán sẽ ngắn hơn lần lượt 1,34 và 1,25 mili giây.

Mỗi ngày tiêu chuẩn trên Trái Đất được tính bằng một vòng quay hoàn chỉnh quanh trục - 24 giờ. Tuy nhiên, trên thực tế, thời gian một vòng quay luôn dao động nhẹ do các yếu tố như lực hút từ Mặt Trăng, biến đổi khí hậu theo mùa, và hoạt động bên trong lõi lỏng của Trái Đất.

Mặc dù chỉ chênh lệch vài mili giây, những thay đổi nhỏ này có thể gây hậu quả lớn trong dài hạn, đặc biệt đối với các hệ thống phụ thuộc vào thời gian chính xác như viễn thông, định vị GPS, giao dịch tài chính và mạng lưới điện. Đó là lý do vì sao chúng ta có "đồng hồ nguyên tử" - thiết bị cực kỳ chính xác sử dụng dao động của nguyên tử để đo thời gian, lần đầu tiên được đưa vào sử dụng năm 1955.

Hiện nay, thời gian chuẩn toàn cầu - gọi là UTC (Thời gian Phối hợp Quốc tế) - được xác lập dựa trên khoảng 450 đồng hồ nguyên tử trên khắp thế giới. Đây là chuẩn mà tất cả các thiết bị điện tử, từ điện thoại đến máy chủ, đều đồng bộ theo.

Trái Đất đang quay nhanh hơn, lo ngại rủi ro do ‘giây nhuận âm’- Ảnh 2.

Tốc độ quay của Trái Đất bị ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố, nhưng Mặt Trăng và thủy triều theo truyền thống đóng vai trò chính. (Ảnh: NASA)

Theo giáo sư Duncan Agnew - nhà địa vật lý tại Đại học California, San Diego - Trái Đất đã có xu hướng quay nhanh dần kể từ năm 1972, dù vẫn có những biến động ngắn hạn giống như thị trường chứng khoán.

Chính năm 1972 cũng đánh dấu lần đầu tiên "giây nhuận" được thêm vào thời gian UTC - tương tự như "năm nhuận" thêm một ngày vào tháng 2 - để điều chỉnh sự chênh lệch giữa thời gian thiên văn và thời gian nguyên tử. Kể từ đó, đã có tổng cộng 27 giây nhuận được bổ sung, chủ yếu trong thập niên 1970. Tuy nhiên, từ năm 2016 đến nay, không có giây nhuận nào được thêm, do Trái Đất đang quay nhanh hơn.

Trong một bước ngoặt lớn, Hội nghị Cân đo Quốc tế năm 2022 đã quyết định sẽ loại bỏ giây nhuận vào năm 2035. Tuy nhiên, với tốc độ quay hiện nay, các nhà khoa học cảnh báo: chúng ta có thể đối mặt với một tình huống chưa từng có - "giây nhuận âm", tức là… xóa đi một giây khỏi đồng hồ. Khả năng này hiện được ước tính ở mức 40%.

Hiện tượng giây nhuận âm gây lo ngại vì nó chưa từng xảy ra trong lịch sử, đồng thời có thể khiến nhiều hệ thống kỹ thuật bị gián đoạn - tương tự như sự cố "Y2K" từng gây hoảng loạn toàn cầu năm 2000.

Ngay cả với giây nhuận dương - vốn đã được áp dụng hơn 50 năm, nhiều hệ thống vẫn thực hiện sai, hoặc sai thời điểm. "Với giây nhuận âm, rủi ro còn lớn hơn nhiều, vì chúng ta chưa bao giờ thực hiện nó", Levine cảnh báo.


TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày